Học sinh tử vong do cây phượng đổ: Những loại cây nào không nên trồng trong trường học?
Không chỉ xảy ra hiện tượng cây phượng gãy, đổ gây tai nạn, thời gian qua đã có nhiều vụ học sinh ngộ độc do ăn phải cây, hoa có trong khuôn viên nhà trường.
Sáng 26/5 vừa qua, cây phượng vĩ cao hơn 10 mét, thân to hai người ôm trong sân Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) bất ngờ bật gốc, đè trúng nhóm học sinh vừa đến trường khiến 1 em tử vong. Sau đó, một số trường học khác cũng đã xảy ra hiện tượng cây phượng gãy, đổ trong trường. Dư luận xã hội đặt ra câu hỏi về việc quản lý, chăm sóc và xử lý cây xanh trong nhà trường lâu nay được thực hiện ra sao, trách nhiệm thuộc về ai khi tai nạn xảy ra?
Ghi nhận tại một số trường tiểu học, trung học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, trong khuôn viên trường, có trường sở hữu hàng trăm cây xanh, nhiều cây được trồng cách đây hàng chục năm do các trường tự quản lý. Hàng năm, trước mùa mưa bão (chủ yếu là đầu mùa hè), các trường đều khảo sát, tổ chức cắt tỉa cành cây nếu thấy tán cây quá rộng. Với cây có dấu hiệu mục, ruỗng, nguy cơ gãy đổ, nhà trường sẽ báo cáo cho địa phương (UBND quận, huyện). Cơ quan chuyên môn về cây xanh sẽ xuống đánh giá, xử lý, có thể chuyển cây, thay thế cây tùy thuộc vào tình trạng của cây.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát hệ thống cây xanh trong nhà trường không để gây mất an toàn trong trường học. Các trường chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên nhà trường. Ngày 29/5, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu Công ty Công viên cây xanh và các quận, huyện rà soát, cắt tỉa lại tất cả các cây xanh ở các trường học trên địa bàn, không để gây nguy hiểm cho học sinh.
Từ thực tiễn nhiều năm làm công tác quản lý trường học, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, trường có nhiều nhóm cây khác nhau. Hằng năm, ngoài việc chăm sóc, nhà trường còn kiểm tra sức khỏe của cây xem có bị sâu, có bị nghiêng, gãy và khô cành không? Trường cũng có liên hệ với công ty cây xanh, tới kiểm tra cây trước mùa mưa bão, xử lý những cây có nguy cơ mất an toàn cho học sinh.
"Khi xảy ra tai nạn thương tích do cây đổ trong trường, lỗi trước hết là từ ban lãnh đạo nhà trường. Nếu không quan tâm hệ thống cây xanh sẽ có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh của trường. Bộ GD&ĐT cần có quy định những loại cây xanh được trồng trong phạm vi nhà trường, đó nên là những loại cây phù hợp với cảnh quan nhà trường, quan trọng nhất là an toàn, có bóng mát, gắn với tuổi học trò…" - thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ thêm.
Theo BS Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), nhà trường nếu phát hiện cây xanh thiếu an toàn có thể phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý, tránh những tai nạn có thể xảy ra. Do đó, trước tiên cần gắn trách nhiệm với nhà trường. Nhà trường cũng cần đưa ra những cảnh báo tại những nơi được đánh giá là nguy hiểm.
Bên cạnh mối lo về gãy rơi cành, đổ… Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ học sinh ngộ độc do ăn các loại quả của một số loài cây, hoa có trong khuôn viên các cơ sở giáo dục. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã có đề nghị một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục tại các địa phương rà soát, loại bỏ ngay các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu, nhà trường cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp.
Cục An toàn thực phẩm cũng nêu một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: Cây lá ngón (Gelsemium elegans); cây cà độc dược (Datura alba Lour)… có chứa alcaloid độc. Cây trúc đào (Nerium oleander L.); cây thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.); cây đai vàng (dây huỳnh, huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.); bông tai (Asclepias curassavica L.)… có chứa glycosid tim; Cây thầu dầu (Ricinus communis L.); cây ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa protein độc (Toxalbumin).