Học sinh vùng cao Mường Lèo vui bước tới trường
Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, vượt 60 km đường đèo, dốc quanh co qua đỉnh Pu Sâng, chúng tôi đến xã vùng cao biên giới Mường Lèo, huyện Sốp Cộp chứng kiến không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm học mới của thầy và trò Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Mường Lèo.
Giờ học đầu tiên sau Lễ khai giảng, em Vừa Mùa Công, lớp 4B cùng với nhóm bạn ở bán trú đã có mặt trên lớp với tâm trạng phấn khởi. Em Công chia sẻ: Nhà em ở bản Huổi Áng cách trường trung tâm hơn 15 km, nên từ mầm non đến hết năm lớp 2 em học tại điểm trường của bản, từ năm lớp 3, về học bán trú ở trung tâm, được ăn, ở ngay trong nhà trường không phải đi lại vất vả, nên yên tâm học tập.
Còn em Mùa Thị Dủa, lớp 9B, cho biết: Nhà em ở bản Pá Khoang, cách trung tâm xã gần 20 km. Đây là năm cuối cấp, nên em sẽ tập trung học thật tốt để sang năm em tiếp tục ra huyện thi vào lớp 10. Sau này em ước mơ được trở thành cô giáo, trở về dạy học cho con em của xã Mường Lèo.
Năm học 2022-2023, Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo có 848 học sinh; trong đó, 312 em hệ THCS, 536 em hệ tiểu học, có 570 học sinh ở bán trú. Học sinh ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Mường Lèo là một xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện, địa bàn rộng, địa hình chia cắt bởi khe suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, có bản cách trung tâm xã 20km đường rừng nên đi lại rất khó khăn. Trường trung tâm và 5 điểm trường ở các bản đều được xây dựng kiên cố. Học sinh lớp 1 và lớp 2 tại điểm lẻ, đến lớp 3, các em về điểm trường trung tâm học và ở bán trú miễn phí.
Thầy giáo Hà Văn Tâm, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Nhà trường hiện có 58 cán bộ, giáo viên. Đảm bảo 100% học sinh đến trường đúng dịp năm học mới, ngay từ đầu tháng 8, nhà trường đã xây dựng kế hoạch vận động học sinh đến trường gửi UBND xã và các trưởng bản để phối hợp tuyên truyền, vận động; các thầy, cô giáo cũng được chia thành các tổ nhóm đến các bản tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ đến trường đầy đủ. Từ ngày 22/8, nhà trường đã tổ chức cho học sinh tựu trường, ổn định nền nếp dạy và học, củng cố kiến thức cũ, tổ chức kiểm tra lại và đánh giá kết quả tu dưỡng rèn luyện sau hè của học sinh và thực hiện dạy học chính thức theo quy định.
Gần 10 năm dạy học nơi vùng cao biên giới Mường Lèo, cô giáo Cao Thị Thanh chia sẻ: Giáo viên ở đây đều tự học tiếng địa phương để giảng giải thêm cho các em dễ hiểu bài hơn. Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, đặc biệt là tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo bước vào năm học mới, còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những điểm trường ở các bản vùng sâu, vùng xa, việc đi lại của học sinh cũng như trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu nhà công vụ cho giáo viên. Song với sự nỗ lực, tận tâm của mình các thầy cô giáo vẫn ngày đêm miệt mài đem con chữ đến cho học sinh nơi vùng cao này.
Tiếng trống trường vang lên, các em vào lớp học, tiếng đọc bài vang vọng núi rừng vùng cao biên giới Mường Lèo. Sự quan tâm của các cấp, các ngành với sự quyết tâm, nỗ lực của thầy và trò Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo hy vọng thêm một mùa gieo chữ nhiều thành công.