Học sơ cấp cứu giúp mình, cứu người
Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, mỗi năm có nhiều người tử vong do các tai nạn và tình huống khẩn cấp. Con số thương vong này hoàn toàn có thể giảm thiểu nếu nạn nhân được sơ cứu kịp thời. Một tín hiệu vui là hiện nay, nhiều người đã chủ động học các kỹ năng sơ cấp cứu để giúp mình, cứu người.
Ứng phó thảm họa và các sự cố khác do thiên tai, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, hội chữ thập đỏ các cấp tổ chức các lớp tập huấn trang bị và tiếp tục nâng cao kiến thức về kỹ năng sơ cấp cứu cho tình nguyện viên và những người tham gia.
Trang bị kỹ năng cho cuộc sống an toàn

Sơ cấp cứu cho người gặp tai nạn gãy xương đùi
Chị Bùi Thị Út ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) kể về vụ tai nạn của mẹ chị xảy ra vào đợt bão cuối năm 2017, đến nay chị vẫn áy náy. Lần đó, trong lúc đi tránh bão, mẹ chị Út không may bị trượt chân, ngã xuống sân dẫn đến gãy xương đùi. Các thành viên trong gia đình không biết phải xử lý thế nào nên nhanh chóng bế xốc bà đưa đi viện.
Do không biết cách nẹp định hình phần xương bị gãy nên trong quá trình đưa đến bệnh viện, phần chân của bà bị xương gãy đâm thủng da, khiến vết thương nghiêm trọng hơn. “Mẹ tôi đã gần 70 tuổi rồi. Vì người nhà không biết cách sơ cứu kịp thời nên khả năng hồi phục chậm. Bây giờ, dù chân mẹ đã lành nhưng đi lại chịu tật, bước chân thấp chân cao”, chị Út cho hay.
Sau tai nạn của mẹ, chị Út tham gia tập huấn kiến thức về kỹ năng sơ cấp cứu thì được biết kỹ năng sơ cấp cứu không quá phức tạp, ai cũng có thể học và thực hiện. Gia đình nào cũng có cha mẹ già nên cần phải đi học để có thể ứng dụng khi sự cố xảy ra.
Vợ chồng anh Nguyễn Tấn ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) có con nhỏ cũng rất quan tâm đến kiến thức sơ cấp cứu trong trường hợp con trẻ té ngã, va chạm. Anh Tấn cho biết: Năm ngoái, tôi học sơ cứu ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa). Lần đó, tôi đã được học cách băng bó vết thương, cách nẹp cố định phần xương bị gãy, xử lý vết thương chảy máu… Tôi thấy nhà có con nhỏ, nên học sơ cấp cứu, phòng khi cần.
Chị Lê Thị Duyên cũng ở phường Phú Thạnh, là tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ, thường xuyên đi làm thiện nguyện. Vì tính chất công việc, có những thời điểm đi nhiều, phát quà luôn trưa, chị rơi vào tình trạng kiệt sức, mệt mỏi.
Chị kể: "Có lần, khi đang đi phát quà nơi đông người, tôi bất ngờ thấy hoa mắt, chóng mặt. Lúc đó, tôi rất sợ hãi và nhận ra tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất". Sau lần đó, chị Duyên cùng nhóm thiện nguyện tìm đến lớp học sơ cấp cứu để có thể hỗ trợ những người xung quanh khi gặp sự cố.
Sơ cấp cứu là những biện pháp xử lý ban đầu đối với người bị thương hoặc đột ngột ốm đau, nhằm duy trì các chức năng sống, ngăn chặn tình trạng xấu đi và chuẩn bị cho việc cấp cứu người bị thương do tai nạn. “Việc sơ cứu kịp thời có thể là yếu tố quyết định sự sống còn của nạn nhân”, chị Duyên nói.
Theo ông Hà Văn Lam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Tuy Hòa, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ thành phố thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức về sơ cứu gặp nạn, qua đó người học dần ý thức hơn về tầm quan trọng của các kỹ năng sơ cấp cứu.
Đây là việc không quá phức tạp mà ai cũng có thể học và thực hành. Tham gia các lớp tập huấn, mỗi học viên được trang bị kiến thức để biết mình cần làm gì khi gặp tình huống khẩn cấp, trước hết là giúp cho chính những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, sau đó là những người xung quanh.
Cứu mình, cứu người
Sau những lần được học kiến thức về sơ cấp cứu trong ứng phó thiên tai và sơ cấp cứu cho người gặp tai nạn, chị Lê Thị Sương ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) đã có đủ kiến thức giúp được một nạn nhân gặp tai nạn xe và cứu bản thân mình.
“Gặp trường hợp tai nạn, nhờ kiến thức học được, tôi bình tĩnh quan sát xem tình trạng nạn nhân rồi kêu mọi người đừng tập trung đông quá. Sau đó, tôi gỡ nút quần, những nơi bó chặt cơ thể khiến nạn nhân khó thở và kêu người thân cầm dù che mát cho nạn nhân, vì lúc ấy trời rất nắng. Một lúc sau, nhịp thở nạn nhân đã đều và ổn định hơn, tôi mừng lắm”, chị Sương kể lại.
Cũng theo chị Sương, cách đây 3 năm, mùa mưa chị bước trên sân xi măng đóng rong trượt ngã gãy chân. Gia đình lo lắng bảo đỡ chị lên, nhưng chị Sương bình tĩnh nói không, để nằm rồi nẹp lại, sau đó đưa đi bệnh viện. Nhờ vậy, vết thương không nghiêm trọng, mau lành.
Hội chữ thập đỏ các cấp thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức về sơ cứu gặp nạn, qua đó người học dần ý thức hơn về tầm quan trọng của các kỹ năng sơ cấp cứu. Đây là việc không quá phức tạp mà ai cũng có thể học và thực hành. Tham gia các lớp tập huấn, mỗi học viên được trang bị kiến thức để biết mình cần làm gì khi gặp tình huống khẩn cấp, trước hết là giúp cho chính những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, sau đó là những người xung quanh.
Ông Hà Văn Lam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Tuy Hòa
Ông Nguyễn Hữu Sửu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Trong xã hội hiện đại, các hoạt động diễn ra với nhịp độ hối hả, hàng loạt bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Việc tham gia tập huấn trang bị kiến thức sơ cấp cứu cho bản thân và cộng đồng trở nên cấp thiết. Mỗi gia đình nên có ít nhất một người biết sơ cấp cứu.
Về phần mình, hội chữ thập đỏ các cấp tổ chức các lớp tập huấn nhằm huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, khả năng hành động trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, nhân viên, đơn vị khi có tình huống xảy ra.
Qua đó, các địa phương trong tỉnh nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; vận dụng kiến thức vào thực tiễn, triển khai đánh giá rủi ro thiên tai để chủ động tham gia xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai ở địa phương và nâng cao khả năng ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/hoc-so-cap-cuu-giup-minh-cuu-nguoi-bd317b4/