Học tập thành công
Lão Chu trước nay luôn là người hay lo xa tính toán, những năm gần đây thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt, lão đã bắt đầu lo lắng cho tương lai của con trai lão - Chu Dương, dù con trai lão mới học đến lớp ba.
Lão Chu mua cho Chu Dương một chiếc đàn nhị. Mỗi tối sau bữa cơm, lão liền bắt con luyện tập kéo đàn một tiếng. Chu Dương không hề hứng thú gì với đàn nhị, nhưng lão Chu răn dạy con trai: “Con trai à, tầm mắt của con phải nhìn xa đi một chút, con nghĩ xem, sinh viên đại học giờ còn không xin được việc làm, đợi sau này con lớn rồi, dẫu cho có tốt nghiệp Đại học thì sao? Nếu như không có một sở trường gì đó thì có phải suốt đời đi làm thuê cho người khác hay không? Nếu như bắt đầu từ giờ con học được một kỹ năng nào đó, con sẽ khác bọn họ, con sẽ có thể tự mình kiếm tiền để nuôi gia đình đó”.
Thấy Chu Dương vẫn mơ mơ hồ hồ, lão Chu dứt khoát: “Nếu con học kéo được đàn nhị, sau này dẫu không có việc, cũng có thể kiếm tiền nhờ nó, đã hiểu chưa?”. Chu Dương bấy giờ mới gật gật đầu.
Có lẽ Chu Dương thực sự không hề có tí năng khiếu âm nhạc nào, ngày tháng trôi qua cậu bé vẫn không thể kéo nổi đàn thành giai điệu nào hay. Lão Chu cảm thấy có lẽ cường độ luyện tập chưa đủ, nên kiên quyết kéo dài thời gian mỗi ngày lên hai tiếng. Chu Dương rất không vui, khóc mếu hỏi: “Bố, những ngày này bao giờ mới kết thúc đây?”. Lão Chu khịt mũi, nghiêm túc nói: “Con trai à, vấn đề này phải để con tự mình trả lời, mấu chốt là phải xem tài năng và tinh thần cố gắng của con kìa. Con trai, hãy nhớ rõ, đợi đến một ngày có người chịu bỏ tiền ra xem con biểu diễn đàn nhị, lúc ấy là con đã học tập thành công”.
Lời nói thâm thúy của lão Chu khiến Chu Dương tựa hồ như đã hiểu, gật gật đầu.
Không lâu sau, cơ quan cử lão Chu đi công tác xa một tháng. Trước khi lên đường, lão Chu đón mẹ già ở dưới quê lên giao cho bà trông nom, dặn dò con trai: “Chu Dương, bố không ở bên đốc thúc, con càng cần phải tự mình khổ luyện. Đợi khi nào bố về, nhất định phải trông thấy sự tiến bộ của con đấy”. Chu Dương đáp: “Bố, bố cứ yên tâm đi đi. Một ngày hai tiếng không đủ con sẽ luyện thêm nửa tiếng nữa, nhất định hoàn thành mục tiêu của bố mới thôi”. Lão Chu cảm động ôm chặt con trong lòng hôn hít: “Vậy mới là con trai ngoan của bố chứ”.
Chớp mắt một tháng đã trôi đi. Tối muộn hôm đó, lão Chu đi công tác trở về, vội vàng bước vào nhà mong sẽ nghe thấy tiếng đàn nhị quen thuộc, ai ngờ trong nhà lại rất yên lặng. Lão Chu đẩy cửa vào nhìn, chỉ thấy Chu Dương đang chơi đồ chơi, cây đàn nhị bị vứt chỏng chơ ngoài ban công. Lão Chu tức giận đạp con trai một cái: “Ranh con, sao không chăm chỉ tập đàn cho ta?”. Lúc ấy, mẹ của lão Chu từ trong bếp chạy ra, quát lớn: “Làm sao mà vừa vào cửa đã đánh thằng bé? Mẹ nói cho con biết, Chu Dương không cần tập đàn nữa, nó đã đạt được yêu cầu mà con cần rồi”. Lão Chu vui mừng tột độ: “Thật sao? Nhanh vậy ư? Tốt quá rồi, con trai, mau biểu diễn cho bố xem nào”.
Chu Dương cầm đàn, chỉnh lại tư thế, “tinh tinh tinh tinh” kéo, lão Chu càng nghe càng thấy nghi ngờ: “Sao mà nghe chẳng thấy có tí tiến bộ nào vậy?”. Mẹ lão Chu nói: “Con chỉ biết yêu cầu nghiêm khắc, đương nhiên là không nghe ra nó tiến bộ thế nào rồi, có điều, mấy vị hàng xóm quanh đây sẽ chứng minh cho con thấy Chu Dương đã học tập thành công”. Lão Chu cười đau khổ: “Bọn họ ư? Bọn họ làm sao biết được kỳ vọng của con với Chu Dương cơ chứ? Yêu cầu của con với Chu Dương là sau này phải có người trả tiền cho buổi biểu diễn của nó!”.
Vừa dứt lời, cửa nhà liền bị mở ra, lão Tôn hàng xóm xông vào, trong tay cầm một tờ tiền, tức giận nói: “Tên nhãi này, lại bắt đầu đàn? Cho cháu mười đồng đây, xin cháu đấy, đừng có đàn nữa!”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/hoc-tap-thanh-cong-i696308/