Học thêm, nhu cầu có thật!
Học thêm, bản chất không xấu vì nó giúp trẻ rèn luyện kiến thức nhất định trong sách giáo khoa mà vì nhiều lý do, trẻ chưa kịp nắm kỹ và vận dụng tốt.
Bộ GD&ĐT đang yêu cầu 63 tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát và báo cáo về thực trạng dạy học ngoài giờ chính khóa để chấn chỉnh.
PLO giới thiệu bài viết của bạn đọc Hồng Liên (Bình Dương) xung quanh vấn đề này.
Tôi không biết bắt đầu câu chuyện này như thế nào, nhưng từ những gì mình từng trải, và bắt gặp hiện nay, tôi khẳng định: nhu cầu học thêm là có thật!
Tôi nhớ những năm còn học tiểu học, tôi một buổi bưng mâm kẹo đậu phộng rảo khắp các con đường, một buổi đến trường. Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo nhưng tất cả các anh em đều đi học. Cô giáo của anh em chúng tôi luôn cho chúng tôi học thêm tại nhà cô để ôn kiến thức vào những buổi trưa ngắn ngủi, cùng những bạn khác.
Có bạn học thêm để thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Mức học phí chỉ tượng trưng, bạn nào đóng bao nhiêu tùy ý, có khi trả học phí là một con gà mái, bọc bắp nếp hay mớ khoai lang mà cha mẹ thu hoạch được.
Nơi con tôi học có những trường hợp cô giáo phải trao đổi với phụ huynh để các em được luyện tập, ôn kiến thức và tập tính tập trung vào những ngày nghỉ ở nhà cô để một số em theo kịp bài vở và thay đổi thái độ học tập. Tất nhiên là miễn phí cả. Thậm chí có hôm cô còn chở trò về hay dụ bằng quà cáp để giúp các em. Chính điều đó giúp các em tự tin và tìm ra cách học phù hợp, cũng như luôn nhớ về một cô giáo nghèo vì học trò mình.
Tôi đọc một bài viết của một tiến sĩ người Việt bên Mỹ, cô ấy nói ở Mỹ vẫn có dạy thêm nhưng giáo viên phải đăng ký với đơn vị quản lý giáo dục sở tại về các điều kiện bắt buộc như không gian dạy, thời gian và nội dung giảng dạy cũng như đối tượng học. Và phải đóng thuế thu nhập hẳn hoi. Phần lớn là các em đăng ký học thêm để rèn kỹ năng, kiến thức để thi vào các trường khó, đòi hỏi điểm cao hay các phần thi tuyển loại giỏi cấp liên bang .
Có thể không ít cha mẹ hôm nay không thể dạy con biết làm bài tập, không biết giảng giải như thầy cô nên họ phải thường xuyên lắng nghe giáo viên của các con và nhờ vả anh chị, bè bạn cùng trang lứa trong xóm trong hội nhóm giảng dạy cho con mình. Đó là học thêm chứ gì?
Tôi nhớ có một một bà mẹ tần tảo sớm hôm với mớ rau mang ra chợ bán rồi nuôi heo gà. Bà không biết chữ nhưng bà đã cậy nhờ hàng xóm dò bài con mình. Đến khi cậu bé thành sinh viên thì thầm cảm ơn những tình cảm cộng đồng đó và cậu tiếp tục giúp đỡ những em nhỏ khác quanh mình. Đó là học thêm chứ sao?
Học thêm, bản chất là không xấu vì nó giúp trẻ rèn luyện kiến thức nhất định trong sách giáo khoa mà vì lý do khách quan, chủ quan chưa kịp nắm kỹ và vận dụng tốt. Nhưng việc bị lôi kéo, éo buộc, trù dập để phải đi học thêm một cách đại trà là không nên. Đó không phải là giáo dục mà là kinh doanh, có khi hành vi đó còn được coi là lừa đảo.
Thiết nghĩ, cần sự quan tâm đúng trách nhiệm của cha mẹ trong việc theo dõi sát sao việc học của con mình sao cho con được thoải mái trong học tập và từng bước khắc phục những lỗ hổng kiến thức. Cũng mong các cấp đánh giá đúng thực trạng nội dung chương trình từng cấp học và đồng bộ từng cấp cũng như có phương pháp khoa học, công khai, hiệu quả trong việc bổ túc kiến thức cho học sinh kịp thời. Vì trẻ hôm nay tự tin, nhanh nhẹn và hoạt bát hơn xưa nhiều nhưng bên cạnh cũng có nhiều trẻ bị phân tâm, có khi đam mê những điều trên các nền tảng mạng xã hội.
Thời gian không chờ đợi bất cứ ai và cũng không dễ dàng lấy lại những điều tốt đẹp, tiến bộ cho trẻ nên cần lắm những suy nghĩ đúng đắn, mạnh mẽ từ cha mẹ, xóm làng và các cấp ngành địa phương.
Nguồn PLO: https://plo.vn/hoc-them-nhu-cau-co-that-post757176.html