Học thêm tự nguyện cũng không được thu tiền, tránh tình trạng trá hình

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị làm rõ hơn hành vi ép buộc tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nếu tự nguyện học thêm thì không được thu tiền, để tránh tình trạng trá hình.

Thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 7/2, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề cập đến việc dạy thêm, học thêm.

Không được ép buộc nhưng tự nguyện học thêm có được không?

Bày tỏ sự quan tâm đến quy định về “những việc không được làm” liên quan tới đạo đức nhà giáo, bà Hải cho biết, dự thảo luật đã liệt kê những việc không được làm. Tuy nhiên, những hành vi này luôn muôn hình vạn trạng.

“Có nên đưa thêm điều khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết, khi phát sinh hành vi mới thì xử lý dễ hơn”, Trưởng ban Công tác đại biểu nói.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quốc hội

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quốc hội

Liên quan hành vi ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, ép buộc người học nộp các khoản tiền, hiện vật ngoài quy định pháp luật, bà Hải bày tỏ mong muốn quy định rõ hơn nữa.

“Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang có quy định dạy thêm, học thêm được xã hội quan tâm cũng là lấy gốc từ luật này. Tôi muốn, quy định rõ hơn. Cấm ép buộc người học tham gia học thêm nhưng nếu người học thêm tự nguyện thì vẫn được”, bà Hải băn khoăn.

Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị, học thêm dù hình thức tự nguyện nhưng cũng không được thu tiền như vậy sẽ tránh tình trạng trá hình.

“Vì việc ép buộc hay không ép buộc rất là khó xác định. Trường hợp không ép buộc thì có đơn tự nguyện và phụ huynh cũng phải viết đơn tự nguyện”, bà Hải nêu thực tế.

Môi trường giáo dục rất khác, học sinh có thể không muốn đi học nhưng nếu không đi học lại bị phân biệt đối xử, đặc biệt là học sinh tiểu học hoặc THPT. Từ đó, bà đề nghị làm rõ hơn hành vi cấm ép buộc tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nếu tự nguyện cũng không được thu tiền.

“Nếu dạy thêm mà dạy học sinh chính khóa của mình rất là tốt vì giáo viên nắm được chất lượng học của học sinh, bồi dưỡng học sinh làm sao cho học sinh tiến bộ đồng đều các bạn. Trong trường hợp học sinh muốn học nhiều hơn nữa, có thể ra học ở các trung tâm. Giáo viên có thể đăng ký dạy ở đó”, bà Hải chia sẻ thêm.

Như vậy, học sinh và phụ huynh có thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính và người học cũng lựa chọn bình đẳng ở các trung tâm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quốc hội

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, hiện nay tinh thần xây dựng luật không đi vào chi tiết.

"Luật định hướng nên chủ yếu đưa vào một vài nguyên tắc còn đi vào chi tiết sẽ dài dòng, có khi không bao quát hết”, ông Sơn nói.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng GD-ĐT hứa sẽ rà soát nhưng các nội dung chi tiết hơn sẽ đưa vào quy định của Chính phủ.

Để cơ sở giáo dục tuyển dụng

Quan tâm đến quy định về thẩm quyền tuyển dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, hiện nay chúng ta đang đổi mới phân cấp phân quyền triệt để, cơ sở giáo dục là người có quyền tuyển dụng.

Còn cơ quan quản lý là hoạch định chính sách, kiểm tra, thanh tra các quy chuẩn, tiêu chuẩn tuyển dụng, các nghị định, thông tư quy định điều này. Khi cơ sở tuyển dụng không được, tuyển không đúng là nhà quản lý tuýt còi.

“Tuyển dụng là để cơ sở giáo dục người ta làm, cơ quan quản lý đừng có nhúng vào”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Ông cho rằng, đây là tư tưởng đổi mới, phân cấp phân quyền triệt để và trong tuyển dụng, cơ sở mới biết thiếu ai, thiếu cái gì.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: Quốc hội

Về việc điều động, thuyên chuyển giáo viên dự thảo luật quy định phải được cả 3 nơi chấp nhận gồm nơi đi, nơi đến và cơ quan quản lý giáo dục.

“Tôi nghĩ phải nghiên cứu thiết kế điều này một cách rành mạch hơn. Trường hợp nhiều nơi người ta không đồng ý, lấy đủ lý do là đủ biên chế, không cần tuyển thêm nên có tình trạng cô giáo 10-20 năm vẫn phải cắm bản”, ông Phương nêu thực tế.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Nhà giáo và sau này Luật Giáo dục phải "tháo được chỗ này". Chuyện các cơ quan quản lý Nhà nước điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược là phải làm. Nhà nước có chính sách ưu ái nhưng phải có kỷ luật nghiêm minh.

Theo ông Phương, trường hợp không thuyên chuyển được, cơ quan Nhà nước có điều động từ miền ngược về miền xuôi, từ vùng khó khăn về vùng thuận lợi.

“Phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi về chính sách vượt trội cho giáo viên. Đây là đối tượng cần có chính sách vượt trội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Giải trình làm rõ hơn quy định này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng tình với tinh thần sẽ phân cấp mạnh. Theo dự thảo luật quy định là phân cấp cho cơ sở giáo dục hoặc cơ quan quản lý giáo dục.

Theo ông Sơn, phân cấp là đúng nhưng 63 tỉnh thành hiện nay có hơn 50.000 cơ sở giáo dục với quy mô khác nhau. Cũng là cơ sở giáo dục nhưng trường trung học ở Hà Nội với trường trung học miền núi, vùng khó rất khác nhau.

“Nếu trường mầm non, tiểu học vùng xa mà giao cho họ tuyển dụng viên chức thì các trường chịu chết. Nếu giao cho họ quyền này có thể thành 'thảm họa', chứ không phải giao là làm được. Giao cho họ quyền tuyển dụng mà họ chưa bao giờ tuyển dụng được, loay hoay lập hội đồng thi, ra đề thi, chấm thi, đánh giá, thanh tra… không đủ người để làm”, Bộ trưởng phân tích.

Ngoài ra, ông Sơn cho biết, các trường tiểu học cũng nói rằng nếu giao cho họ tự tuyển dụng giáo viên sẽ áp lực kinh khủng, dội lên từ các phía. Từ đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị nên giao việc tuyển dụng cho cấp sở, sẽ có đủ nhân lực để làm.

Về việc điều động giáo viên, Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục cũng ao ước được điều động giáo viên trong phạm vi cả nước với chính sách mạnh hơn. Hiện nay, việc quản lý viên chức giao cho cấp tỉnh nhưng trong các huyện khác nhau chỉ điều động ở bậc trung học, còn ngay ở tiểu học thì huyện này không chuyển sang huyện khác.

“Dự luật đang đề xuất chính sách giao cho cấp sở để điều động giữa các khu vực trong toàn tỉnh đã là một thay đổi mang tính cách mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tu-nguyen-hoc-them-cung-khong-duoc-thu-tien-tranh-tinh-trang-tra-hinh-2369252.html