Học 'tiền lớp 1': Gánh nặng & áp lực

HNN - Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã nhiều lần khuyến cáo nhưng tình trạng cho trẻ học trước chương trình lớp 1 vẫn tái diễn. Tại TP. Huế, nhiều phụ huynh 'đua nhau' cho con học tiền lớp 1, vô tình tạo áp lực và gánh nặng cho con trẻ.

 Trẻ hào hứng vào lớp 1

Trẻ hào hứng vào lớp 1

"Chạy sô" trước khi vào lớp 1

Tháng 9 con gái bước vào lớp 1, nhưng chị T. (phường Thủy Lương cũ nay là phường Hương Thủy) đã cho con học “tiền lớp 1” từ đầu tháng 3. Sau giờ học ở trường mầm non, về nhà ăn vội cơm chiều, con gái chị T. lại tiếp tục “ca 2” tại lớp luyện chữ đến tận 7 giờ tối. Mỗi tuần 3 buổi học, thêm cả bài tập về nhà, cô bé gần như không còn thời gian để chơi.

“Tôi lo con không theo kịp các bạn sẽ bị áp lực nên quyết định đăng ký cho con theo học tiền tiểu học sớm để trang bị kiến thức, hành trang cho con vào lớp 1. Hơn nữa, con người ta học trước hết rồi, con mình không học sợ thua kém, bị cô la. Vào lớp 1 đông học sinh quá, cô giáo không thể theo sát từng cháu, con mà viết chậm là tụt lại ngay”, chị T. chia sẻ.

Không đưa con đến trung tâm, chị H. (phường An Cựu) lại chọn cách mời giáo viên về nhà kèm riêng 3 buổi mỗi tuần. “Tôi thấy con bạn bè đều biết đọc, viết trước khi vào lớp 1, mình không cho học sớm thì sợ con bị sốc. Biết là con mệt, nhưng không còn cách nào khác”, chị nói rồi thở dài khi kể lại cảnh con mình tối nào cũng phải luyện viết đến mỏi tay.

Theo ông T. (phường Vỹ Dạ), cháu ông năm nay chuẩn bị vào lớp 1, cũng được bố mẹ cho học trước. Ngoài luyện viết, cháu còn học các con số, làm phép tính. “Không cho con học thì sợ con thua kém khi vào lớp 1, tâm lý này khiến phụ huynh chạy đua cho con học trước chương trình. Điều này cần được chấn chỉnh để các cháu có tuổi thơ thực sự”, ông T. nói.

Nhiều năm nay, tình trạng phụ huynh tại TP. Huế "chạy đua” cho con theo học các lớp hành trang vào lớp 1 để con mình không bị “tụt hậu” khi bước vào lớp 1. Năm nay, dù Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT (có hiệu lực từ 14/2/2025) đã nghiêm cấm việc dạy thêm đối với học sinh tiểu học, song trên thực tế, các trung tâm vẫn tiếp tục tuyển sinh các lớp hành trang vào lớp 1. Theo ghi nhận, tình trạng mở lớp luyện chữ, dạy toán… dành cho trẻ mẫu giáo lớn diễn ra khá phổ biến tại nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Tại cơ sở giáo dục I. trên địa bàn TP. Huế, hoạt động chiêu sinh “hành trang vào lớp 1” được tổ chức công khai từ trước kỳ nghỉ hè. Cô A., giáo viên của cơ sở này giới thiệu: “Phụ huynh có thể cho con học bán trú hay học thêm ngoài giờ hành chính. Chúng tôi tổ chức lớp học bán trú từ thứ 2 đến thứ 6, chương trình bao gồm cả luyện chữ, học toán từ cơ bản đến nâng cao. Học sinh sẽ được làm quen trước để đỡ bỡ ngỡ khi vào lớp 1”.

Tác dụng ngược

Câu chuyện học trước chương trình lớp 1 thực ra không mới. Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị 2325/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1. Bộ GD&ĐT nêu rõ, việc dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1. Điều này khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ.

Sở GD&ĐT TP. Huế cũng đã nhiều lần quán triệt tinh thần này trong các văn bản triển khai nhiệm vụ năm học hàng năm, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ em 5 tuổi dưới mọi hình thức. Theo bà Ngô Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục mầm non - Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD&ĐT, hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non là vui chơi. Qua 6 tuổi, hoạt động chủ đạo của trẻ là học tập. Đối với mầm non, chỉ tổ chức hoạt động chơi, thông qua chơi để học, làm quen với các môn khoa học, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1. Khi 6 tuổi, trẻ tự khắc học. Nhiều phụ huynh lo lắng cho con đi học trước nhưng không hiểu được đặc điểm tâm lý của trẻ theo độ tuổi. Dạy trước chương trình lớp 1 là đi ngược lại tâm, sinh lý của trẻ.

Theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh không nên xem việc học chữ trước là một lợi thế, thậm chí gây ra hệ quả xấu nếu phương pháp dạy không phù hợp. Thực tế, nhiều lớp luyện chữ cho trẻ mẫu giáo hiện nay chỉ đơn thuần là “nhồi” kiến thức, khiến trẻ ngồi viết suốt hàng giờ, gây ức chế tâm lý và thể chất. Có những bé học trước nhưng không đúng phương pháp, ngồi sai tư thế, cầm bút sai, viết sai nét, vào lớp 1 lại phải chỉnh sửa từ đầu. Hơn nữa, việc học trước dễ khiến trẻ chủ quan, mất hứng thú khi vào lớp 1. Trong khi đó, trẻ chưa học trước lại háo hức, tập trung hơn vì mọi thứ đều mới mẻ và thú vị.

Thực tế, chương trình giáo dục mầm non đã tích hợp những nội dung chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, như làm quen chữ cái, tập tô, nhận diện số đếm trong phạm vi 10. Thay vì ép con học sớm, phụ huynh nên phối hợp với giáo viên mầm non để chuẩn bị tâm thế cho trẻ thông qua các hoạt động trải nghiệm, làm quen với chữ cái, số đếm ở mức độ đơn giản. Phụ huynh nên tạo môi trường cho con làm quen dần với trường tiểu học, rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp và tạo niềm vui khi đến lớp. Những hành trang đó mới là nền tảng vững chắc cho một đứa trẻ bước vào đời học sinh.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/hoc-tien-lop-1-ganh-nang-ap-luc-155904.html