Học tiền tiểu học: Nên hay không?

Lớp 1 là bước ngoặt quan trọng khi trẻ chuyển từ hoạt động vui chơi là chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo sang hoạt động học tập ở trường tiểu học. Để chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1, nhiều cha mẹ học sinh băn khoăn có nên cho con học tiền tiểu học hay không?

Dạo quanh các diễn đàn làm cha mẹ có thể thấy nhiều phụ huynh tìm kiếm các lớp tiền tiểu học cho con, bên cạnh đó cũng có nhiều bình luận cho rằng đây là việc làm không cần thiết.

Chị Vũ Thị Hoa ở phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) bày tỏ: Nhiều người nói không cần cho trẻ đi học trước vì chương trình lớp 1 không quá nặng nề. Tuy nhiên, tôi thấy phụ huynh cứ nháo nhào cho con đi học các lớp tiền tiểu học. Nếu con tôi không đi học thì liệu vào năm học có theo kịp các bạn hay không?

Cùng lo lắng như chị Hoa, chị Phạm Kim Thu ở phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) đã đăng ký cho con học tiền tiểu học từ đầu tháng 5 với thời lượng 3 buổi/tuần, mỗi buổi 2 tiếng.

Vẫn biết việc dạy kiến thức là trách nhiệm của giáo viên nhưng gia đình tôi lo lắng vì 1 lớp có hơn 40 học sinh, giáo viên khó có thể sát sao từng em. Hơn nữa, học tiền tiểu học sẽ giúp các con quen dần với chữ, số, cách cầm bút, cách ngồi học… nên khi con đi học sẽ tự tin hơn

Chị Phạm Kim Thu, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai.

Chị Thu cũng cho rằng nếu cả lớp biết trước mà chỉ con mình không biết thì sẽ khiến con bị tụt lùi rồi dần trở nên nhút nhát vì tự thấy mình kém các bạn.

 Nhiều phụ huynh tìm kiếm các lớp tiền tiểu học cho con trong các hội nhóm.

Nhiều phụ huynh tìm kiếm các lớp tiền tiểu học cho con trong các hội nhóm.

Đã từng có kinh nghiệm từ khi con lớn vào lớp 1 nên năm nay chị Trần Ngọc Hà (phường Pom Hán, thành phố Lào Cai) quyết định không cho con thứ 2 đi học tiền tiểu học. Chị Hà cho biết cách đây 3 năm cũng từng cho con học tiền tiểu học nhưng sau đó ở lớp con tỏ ra thiếu tập trung vì đã biết trước những kiến thức đó. Thực tế kiến thức lớp 1 không quá nặng, các con có thể bỡ ngỡ giai đoạn đầu nhưng chỉ cần bố mẹ kèm cặp trong quá trình học thì vẫn theo kịp chương trình.

Hiện trên các trang mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm về tiền tiểu học, chủ yếu đăng bài quảng cáo về lớp học tiền tiểu học cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1 với nhiều hình thức như gia sư 1 kèm 1, học nhóm 3 - 4 học sinh hoặc lớp đông từ 10 học sinh. Giá thấp nhất khoảng 70.000 đồng/học sinh/buổi học, cao nhất có thể lên đến 200.000 đồng/học sinh/buổi học. Bên cạnh đó là những bài đăng tìm kiếm gia sư, giáo viên cho con của các bậc phụ huynh thu hút nhiều sự tương tác.

Cô Lê Lan Phương, Trung tâm Lan Phương Education (thành phố Lào Cai) khuyên phụ huynh không nên cho con đi học tiền tiểu học một cách tràn lan, ồ ạt. Việc học tiền tiểu học chỉ dừng lại ở việc cho con làm quen, ôn lại những gì đã học ở mầm non, không nên cho con học trước chương trình, điều này sẽ làm nảy sinh tâm lý chủ quan ở trẻ và khiến bài học không còn hấp dẫn. “Khi chuyển từ bậc mầm non sang tiểu học, đa số trẻ có tâm lý lo lắng, bỡ ngỡ nên việc bố mẹ chuẩn bị tâm lý thoải mái cho trẻ vô cùng quan trọng. Khi tâm lý vững vàng, trẻ sẽ vui vẻ, sẵn sàng hòa nhập với môi trường mới, háo hức với những bài học đầu tiên ở lớp 1”, cô Phương cho hay.

Thực tế đã có nhiều phụ huynh lựa chọn người dạy thiếu chuyên môn, kinh nghiệm khiến không ít học sinh vào năm học bị sai kỹ năng cơ bản như cầm sai bút, ngồi sai tư thế, phải mất nhiều thời gian sửa. “Mục tiêu khi hoàn thành chương trình lớp 1 là học sinh biết đọc, biết viết, giáo viên sẽ hỗ trợ, kèm cặp học sinh một cách tối đa để các con đạt mục tiêu này. Chỉ cần trong năm học, bố mẹ cùng cô giáo đồng hành với con, hướng dẫn con sắp xếp thời gian biểu học hợp lý và rèn con ý thức học trên lớp cũng như ở nhà” - chị Phương cho biết.

Thạc sỹ tâm lý Đới Thị Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đưa ra lời khuyên: Việc dạy cho trẻ trước khi vào lớp 1 biết đọc, biết viết là đi ngược với tâm lý khám phá của trẻ. Bởi, trẻ ở độ tuổi này nếu biết trước sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, thiếu tập trung, ghi nhớ máy móc, ghi nhớ không bền vững và tư duy không logic. Việc cần làm cho trẻ ở giai đoạn này chỉ là phụ huynh nên dành thời gian chuẩn bị đầy đủ cho con các yếu tố về sức khỏe, kỹ năng hòa nhập, khả năng tự phục vụ... để giúp con sẵn sàng cho việc học trong một môi trường mới.

Bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cũng cho rằng tâm lý của phụ huynh khi cho trẻ học các lớp tiền tiểu học đa phần để trẻ biết trước, hiểu trước và sẽ tự tin khi bước vào học chính thức. Thế nhưng trên thực tế, việc giảng dạy trên lớp diễn ra theo đúng chương trình đào tạo nên việc để trẻ học trước, hiểu trước sẽ dẫn đến tình trạng trẻ coi thường, chủ quan và tinh thần chán nản khi phải học lại nhiều lần kiến thức mà bản thân đã biết.

Nhiều năm nay, được sự cho phép của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã triển khai thực hiện các hoạt động hè đối với các lớp đầu cấp. Hoạt động này nhận được sự quan tâm và đồng thuận của cha mẹ học sinh. Cụ thể, trong 5 tuần học nền nếp tại trường, học sinh thay vì học chữ sẽ được các cô giáo hướng dẫn kỹ năng như chào hỏi, xưng hô với bạn bè, thầy cô; ngồi đúng tư thế, cầm phấn, cầm bút đúng kỹ thuật; biết cách lấy và sắp xếp đồ dùng học tập... Các em còn được học cách yêu thương, cảm thông, chia sẻ với bạn bè, thầy cô, cha mẹ và mọi người; học các kỹ năng đảm bảo an toàn khi đến trường, khi ở trường, kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng vệ sinh cá nhân và tham gia sinh hoạt tập thể…

Phụ huynh có thể yên tâm thông qua các hoạt động học tập, vui chơi nhẹ nhàng, bổ ích sẽ là những tuần học có ý nghĩa khơi gợi hứng thú học tập để học sinh yêu trường, yêu lớp và thích đi học ngay từ những tiết học đầu tiên.

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hoc-tien-tieu-hoc-nen-hay-khong-post388651.html