Học tiếng Anh ở vùng cao Võ Nhai

Thiếu giáo viên, thiếu thiết bị dạy học, đa số học sinh dân tộc thiểu số chưa được làm quen nhiều với tiếng Anh, nên việc dạy nghe và nói cho học sinh trong các nhà trường ở huyện vùng cao Võ Nhai còn hạn chế, nhiều em không đáp ứng được các kỹ năng cần thiết.

Học sinh tiểu học xã Phương Giao ngoài giờ chính khóa, giáo viên phải dạy tăng cường tiếng Việt và kết hợp làm quen tiếng Anh.

Học sinh tiểu học xã Phương Giao ngoài giờ chính khóa, giáo viên phải dạy tăng cường tiếng Việt và kết hợp làm quen tiếng Anh.

Môn học Tiếng Anh với học sinh lớp 9 bậc THCS trong trường học chỉ gói gọn 3 tiết/tuần và 8 tiết cho một bài học với cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Như vậy không thể đủ thời gian cho học sinh rèn luyện thuần thục hết các kỹ năng, trong khi các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ở bậc tiểu học hầu như chưa được làm quen với tiếng Anh. Chính vì vậy, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các em đều có tư tưởng học theo kiểu "thi gì học đấy" để chống điểm liệt. Cô Hoàng Thị Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Vũ Chấn cho biết: Ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều điểm trường lẻ của bậc tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 3), nhiều em vừa học đánh vần vừa “luyện” tiếng Việt đôi khi còn chưa chuẩn, nói gì đến học tiếng Anh. Khi các em học lên THCS, đội ngũ giáo viên Tiếng Anh không có đủ thời gian để sửa phát âm cho từng em một. Thầy, cô chỉ chú trọng dạy ngữ pháp, từ vựng và các bài kiểm tra đọc hiểu, viết. Học sinh gần như không được thực hành nghe, nói, thảo luận, rèn kỹ năng giao tiếp...

Các điều kiện vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học ngoại ngữ cũng là hạn chế rất lớn với học sinh vùng cao. Toàn huyện Võ Nhai chưa có một phòng học ngoại ngữ chuyên biệt nào đạt tiêu chuẩn. Môi trường học tập ngoại ngữ còn rất xa chuẩn, không tạo được động lực cho giáo viên, học sinh tích cực học tập ngoại ngữ. Đồng chí Hà Mạnh Cương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: “Nhiều năm trở lại đây, huyện thiếu gần chục chỉ tiêu giáo viên dạy môn Tiếng Anh các cấp học. Một số giáo viên đạt chuẩn lại không mặn mà với nghề, thường xin chuyển về những nơi có điều kiện làm việc tốt hơn. Giao thông khó khăn cũng là một trong những trở ngại, với 25 giáo viên dạy Tiếng Anh bậc tiểu học, có lúc phải dạy kiêm cả bậc THCS, họ phải đi đến tất cả 45 điểm trường lẻ cách xa trung tâm các xã hàng chục cây số để dạy mỗi buổi 2-3 tiết học… Năm học 2020-2021, huyện cần thêm 9 chỉ tiêu nữa, nhưng từ đầu năm đến nay không có ứng viên nào nộp hồ sơ dự tuyển… Về đội ngũ giáo viên, hiện nay, trong số 56 giáo viên dạy môn Tiếng Anh (bậc tiểu học và THCS), gần 97% số giáo viên đạt và vượt chuẩn khung năng lực Tiếng anh”.

Cô Tăng Thị Thắm, giáo viên Trường PTDT nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm tâm sự: “Với miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có thêm những chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên để dạy và học tốt môn Tiếng Anh. Giáo viên đạt chuẩn mà học trò “chạy chậm” nhiều khi như kéo giáo viên tụt lùi lại với những tiêu chuẩn kiến thức”.

Toàn huyện Võ Nhai hiện chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Phú Thượng triển khai được chương trình cho học sinh làm quen với tiếng Anh theo hình thức thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh với Nhà trường để thuê giáo viên từ các trung tâm dịch vụ dạy tiếng anh. Nhìn lại kết quả điểm thi và xếp hạng tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 môn Tiếng Anh của huyện Võ Nhai có thể thấy vấn đề nâng cao chất lượng còn nhiều khó khăn: Điểm bình quân thi tuyển vào lớp 10 là 4,48 (thấp nhất so với toàn tỉnh), trong đó 16/23 trường THCS vùng khó khăn điểm trung bình môn Tiếng anh chưa đạt 3 điểm.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/hoc-tieng-anh-o-vung-cao-vo-nhai-269908-100.html