Học trò đất nghèo làm nên chuyện ở xứ cờ hoa
Như một giấc mơ có thật, nhiều người theo dõi và ủng hộ đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng bình luận như vậy, khi tin vui từ nước Mỹ vừa bay về: 3 học sinh người Tày Trường THPT Chuyên tỉnh Cao Bằng đã 'làm nên chuyện' ở giải vô địch thế giới VEX Robotics, từ ngày 30/4 đến 3/5, tại thành phố Dallas, Mỹ. Tin mới nhất, đêm 6/5/2023, bốn cô trò về tới Hà Nội, Việt Nam. Hành trình đi đến thành tích của họ hôm nay mới là câu chuyện đáng nói…
3 chàng trai người Tày, Bạch Nguyễn Thái Hoàng, Hoàng Hải Sơn, Nguyễn Tuấn Khang, học sinh lớp 10 Toán, Trường THPT Chuyên Cao Bằng vừa tham gia VEX Robotics World Championship 2023. Đây là giải đấu VEX Robotics lớn nhất thế giới, được tổ chức thường niên, quy tụ hơn 3.000 đội đến từ hơn 60 quốc gia tranh tài tại Hoa Kỳ. Lần đầu tiên “đem chuông đi đánh xứ người” nhưng 3 học sinh miền biên viễn đã đạt kết quả bất ngờ: Cải thiện thứ hạng của đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng hơn 1.000 bậc.
Cụ thể, trước VEX Robotics World Championship 2023, đội Robotics 11 Cao Bằng xếp hạng 1.187 thế giới. Sau giải đấu này, Robotics 11 Cao Bằng đã vươn lên vị trí 183 thế giới, vượt hơn 1.000 bậc. Ở phần thi điều khiển, đội Robotics 11 Cao Bằng xếp hạng 30/77 ở vòng bảng, với 191,75 điểm. Số điểm này cao hơn cả đội vô địch ở giải quốc gia Việt Nam đạt được, cao hơn 1,6 lần so với thành tích của chính đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng ở giải vô địch quốc gia diễn ra tháng 2/2023.
Người thắp lửa đam mê
Bà Bế Thu Huyền, phụ huynh của học sinh Hoàng Hải Sơn, đã chứng kiến từng bước đi của Đội Robotics 11 Cao Bằng. Gia đình bà dành riêng một căn phòng trong nhà cho đội rèn luyện: “Các con học ngày, học đêm. Dường như ngủ rất ít. Đam mê được nhóm lên từ cô Đỗ Thị Hương Trà, một cô giáo tâm huyết, ý chí chiến đấu mãnh liệt. Tôi chưa từng thấy cô giáo nào tâm huyết như thế, tính chiến đấu cao như thế. Là phụ huynh dõi theo con mà có lúc tôi còn buông xuôi, thôi đến đâu thì đến, các con ở tầm đó cũng được rồi… Nhưng cô Trà thì khác. Cô không bao giờ bỏ cuộc, theo sát các con từ đầu đến cuối. Các con chỉ chểnh mảng 1-2 buổi tập cô đã sốt ruột đốc thúc. Cô muốn ngày nào các con cũng phải rèn luyện miệt mài với niềm tin “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Trong đội có một bạn phải đăng ký nội trú trong trường, vì nhà bạn ở huyện, cách trường THPT Chuyên chừng 20 cây số. Hết buổi tập bạn muốn về phòng nội trú nhưng cô giáo đề nghị bạn ngủ lại phòng tập ở nhà tôi, vì đêm hôm đi lại bất tiện, mất sức. Cô không muốn các con phung phí dù chỉ chút ít sức lực, thời gian. Bởi phía trước là trận đấu Robotics tầm thế giới”.
Đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng đã tham gia Giải vô địch VEX IQ Robotics quốc gia 2023. Tại đây, đội đã giành 3 giải: Giải Truyền thông xuất sắc (“Social star Award”); Giải bầu chọn của khán giả (“People’s choice Award”) và quan trọng hơn cả là Giải thiết kế sáng tạo (“Create Award”). Chính Giải Thiết kế sáng tạo đã giúp họ có tấm vé đến xứ cờ hoa. Bà Huyền cũng là một trong những phụ huynh đồng hành cùng đội Robotics 11 Cao Bằng xuống thủ đô thi đấu, tháng 2/2023. Bà nhớ lại: “Giải quốc gia diễn ra tại Đại học Bách Khoa. Tôi không thấy đội nào ôm con robot ngồi chờ kết quả như đội Cao Bằng. Cô giáo Đỗ Trà trong những ngày ấy không còn biết gì ngoài sân tập và robot. Thi đấu xong khoảng 4 giờ chiều, nhà thi đấu vắng hoe, chẳng còn đội nào trụ lại, chỉ có đội Cao Bằng vẫn gắng chờ bằng được kết quả, để biết hôm sau, màn thi đấu đồng đội sẽ kết hợp cùng đội nào. Kết quả, đội Cao Bằng thi đấu cùng đội Bắc Giang. 10 giờ đêm hôm ấy, cô giáo Trà vẫn gọi điện trò chuyện với cô giáo của Trường THPT Chuyên Bắc Giang, thuyết phục bằng được đội Bắc Giang đến phòng tập để cùng đội Cao Bằng tập luyện. Họ tập đến tận 3 giờ sáng. Sau khi thi đấu xong, đội Bắc Giang đã viết một bài trên trang của trường họ, ca ngợi tinh thần của đội Cao Bằng, tâm huyết, sẵn sàng chia sẻ với đồng đội”.
Vali đựng robot, mì tôm và tờ rơi quảng cáo nước non Cao Bằng
Dù giành được tấm vé đến xứ cờ hoa song làm thế nào để bay sang Mỹ là câu hỏi gây đau đầu cho các bậc phụ huynh của các trò thuộc đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng. Bà Trần Thị Thoan, chủ nhiệm lớp 10 Toán, Trường THPT Chuyên Cao Bằng cho biết: “Đội Robotics 11 Cao Bằng không chỉ có 3 thành viên. Đáng ra có 6 thành viên, đều thuộc lớp 10 Toán được sang Mỹ, song cuối cùng chỉ có 3 bạn có thể bay, với những gia đình có thể thu xếp được tài chính”. Bà Thoan nói thêm: “Trước khi đội Robotics 11 Cao Bằng sang Mỹ, nhà trường cũng đã có cuộc quyên góp xã hội hóa, từ các Mạnh Thường Quân, từ Hội Khuyến học tỉnh, từ Hội phụ huynh học sinh, từ một số cơ quan, doanh nghiệp, rồi các giáo viên… Nhưng số tiền thu được cũng chỉ hỗ trợ được một phần chi phí cho cô trò sang Mỹ. Cô trò trong đội Robotics vẫn phải tự cáng đáng là chính”.
Nhắc đến vấn đề tài chính, bà Bế Thu Huyền bùi ngùi, thương các phụ huynh, thương các con và thương chính mình: “Phải nói các gia đình đều nản. Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Cao Bằng cũng đã có buổi làm việc với các phụ huynh. Anh cũng nói rõ thực tế, vận động xã hội hóa cũng chỉ hỗ trợ được khoảng 1/3 chuyến đi cho cô trò. Còn lại gia đình phải tự túc. Thương con, thương những nỗ lực miệt mài của cô trò, tôi cam kết sẽ chạy vạy lo đủ kinh phí cho chuyến đi của con. Nhưng một phụ huynh khác thì khó khăn hơn. Anh nói, không đủ khả năng tài chính cho con sang Mỹ thi đấu. Tôi đồng cảm với anh và buồn lắm. Con trai anh là đội trưởng. Nếu không có đội trưởng đội sẽ thi đấu thế nào? Nghĩ tới nghĩ lui gia đình tôi đã quyết định kết nối với họ hàng bên đó. Cuối cùng đã tìm ra lối thoát.
Ngày lên đường cận kề. Các phụ huynh lòng như lửa đốt, họ lo lắng, hồi hộp vì những đứa trẻ lần này đi một chuyến rất xa. Họ tập hợp lại định cùng nhau chuẩn bị tư trang cho các con nhưng cô giáo Đỗ Trà lại năn nỉ, không xếp đồ vội, sắp xuống Hà Nội hãy xếp đồ, vì cô còn muốn cùng các trò tập, nên cần không gian, cần sân tập. 11 giờ đêm các phụ huynh mới sắp xong đồ cho các con. Sáng hôm sau cô trò xuống thủ đô. Có 4 va li thì tư trang của cả cô và trò dồn vào một va li, 23 kg. 3 va li còn lại dành để đựng robot, mì tôm và tờ rơi quảng cáo non nước Cao Bằng với bạn bè quốc tế. Cô và trò xuống Hà Nội trước khi bay sang Mỹ một hôm, không phải để nghỉ ngơi, mà để tập luyện và học hỏi kinh nghiệm ở một số đơn vị khác.
Ông Hà Tiến Sỹ, Hiệu Trường THPT Chuyên Cao Bằng bất ngờ với kết quả của đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng: “Khi các con đi thi nhà trường tạo điều kiện và động viên nhưng thực lòng, tôi không nghĩ các con xuất sắc vậy”. Ông tự hào chia sẻ, học trò Trường THPT Chuyên Cao Bằng cũng từng giành thành tích tốt trong cuộc đua Robotics cấp quốc gia: “Năm 2021, các em từng giành giải nhì toàn quốc, được tuyển thẳng vào lớp tài năng, Đại học Bách Khoa”.
Từ con robot được tặng
Các thầy cô và phụ huynh đều thừa nhận cơ sở vật chất để giảng dạy và học tập Robotics ở Cao Bằng còn thua thiệt: “Năm 2021, Cao Bằng được Liên minh STEM và Đại học Bách Khoa tặng cho một số robot. Trong đó, Trường THPT Chuyên Cao Bằng được hơn chục con”. Chính từ những con robot được tặng này, cô trò đã cùng nhau tập luyện để có thứ hạng trên trường quốc gia, quốc tế.
Bà Trần Thị Thoan giới thiệu, người phụ trách đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng, cô Đỗ Thị Hương Trà, sinh năm 1988, là cô giáo dạy Sinh học: “Trà không phải dạy bên kỹ thuật nhưng cực kỳ đam mê và truyền lửa cho học sinh. Thực ra cả cô và trò cùng học. Cô hướng dẫn trò cũng là trên đường tự học”. Chủ nhiệm lớp Toán khâm phục trước tinh thần hiếu học của các trò: “Không có sân thi đấu các em tự mua bạt, trải xuống nền, kẻ vẽ, tự thiết kế sân thi đấu, tự tập. Ở trường cũng có phòng riêng cho các em. Các em luyện tập đến tận 10, 11 giờ đêm trong điều kiện vật chất thô sơ: Mấy chiếc bàn, chiếc ghế đặt mấy con robot, sân thi đấu tự thiết kế trên nền của lớp học. Có những hôm đi trực vào buổi tối, tôi thấy phòng tập vẫn sáng điện, ngó vào trong thấy các trò vẫn đang say sưa”.
Bà Bế Thu Huyền xúc động tiếp lời: “Cô trò muốn tập luyện ở trình độ cao phải trao đổi từng linh kiện. Cái gì cô trò cũng phải mượn, trên cái gốc ban đầu là con robot thô sơ. Tôi kể chuyện này mà vẫn còn đang ứa nước mắt đây”. Truyền thông Mỹ quan tâm đến đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng bởi hành trình vượt khó của họ để đến với sân chơi lớn. Các học trò chuyên Toán đều giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Ông Hà Tiến Sỹ xác nhận, đêm 6/5/2023, bốn cô trò về tới Hà Nội, Việt Nam.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoc-tro-dat-ngheo-lam-nen-chuyen-o-xu-co-hoa-post1532067.tpo