Học trò ơi! Đừng sợ... – truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Tỉnh có lệnh học sinh cấp 3 trở lại trường. Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử đã kết thúc. Học sinh lại nô nức đến trường, giáo viên lại thướt tha, nhiệt thành đến lớp.

Đang đầy phấn chấn bỗng cô sầm mặt, tâm trạng bị rơi vào khoảng yên lặng bối rối. Ông xã cô dặn vợ:

- Mai đi dạy nhớ khẩu trang đàng hoàng vào!

- Chuyến xe em tới trường là chuyến xe đường dài liên tỉnh. Em hơi lo…

- Công việc bất khả kháng nên phải đi thôi, nhớ khẩu trang, rửa tay trước khi đi và tránh tiếp xúc người lạ.

- Vào lớp cũng mang khẩu trang á?

- Nếu thấy bất tiện thì thôi.

- Không ổn tí nào. Mang khẩu trang thì không dạy “Vội vàng” của Xuân Diệu được. Nó giết chết cảm xúc.

Sáng đến trường.

Mọi thứ vẫn thân thương như cũ. Mấy rày nghỉ học, trường buồn nhưng không xơ xác, có chăng còn sạch sẽ tinh tươm hơn vì ngày nào thầy cô trực cũng quét tước, dọn dẹp đâu đó.

Tiết chào cờ toàn trường chuyển thành tiết sinh hoạt lớp, nội dung nói với học trò cách phòng bệnh COVID-19. Điểm danh: lớp vắng năm. Cô Lan hơi ngững. Lớp tổng số có hai chín em đã vắng năm. Lật đật mở điện thoại liên lạc. Cúc, Như, Mai, Tiên đều vắng vì lý do nhà có việc bận đột xuất. Còn Mông Thị Phương, điện hai cuộc vẫn không thấy bố, mẹ em trả lời. Gọi nhỡ đến cuộc thứ tư vẫn không được gọi lại. Chắc lên rẫy rồi. Làm sao để biết tình hình học trò đây. Cô Lan nhấp nhổm.

Hết tiết 5. Cô xuống văn phòng thu nhặt đồ đạc cá nhân, nhìn lại đồng hồ đã 11 giờ 22. Đi dạy bằng xe buýt nên hơi bất tiện. Như giờ muốn đến nhà học sinh cũng không có xe. Có cách rồi! Cô gọi cho cô Mỹ, đồng nghiệp. Cô ấy nhà ở địa phương, làm Bí thư Đoàn trường, điểm nổi trội là sẵn sàng phối hợp với giáo viên trong việc giáo dục, chăm sóc học sinh. Điện thoại. Cô Mỹ chạy xe tới trường liền. Một cô giáo bỏ dở bữa cơm trưa với gia đình. Một cô giáo tạm thời bỏ chuyến xe về xuôi. Hai cô đi thẳng đến nhà Mông Thị Phương.

Băng đồi, xuống dốc. Phải chạy qua mấy con suối khô nước nữa. Nhà học trò này hai cô đã đến nhiều lần rồi. Níu, giữ, kéo và dìu từ năm lớp 6 đến bây giờ - đang học 11A. Nguyên bố mẹ Mông Thị Phương là một trong mười hộ dân di cư tự do, từ phía Bắc vào vùng kinh tế mới này. Đến vùng đất mới, hai vợ chồng và ba đứa con túm nhau đến chỗ heo hút. Nó ngày xưa là khu đồi trọc, sau người ta trồng bạc hà phủ kín. Bây giờ, dưới rừng bạc hà ấy là mười hộ dân. Họ vào tùy tiện nên đang khó khăn trong việc nhập khẩu. Tạm thời, họ chui vào dưới rừng cây ấy mà sống. Mười hộ là mười cái… chòi. Nhà em Phương lụp xụp nhất. Mấy miếng ván ghép lại thành cái nhà nhỏ xíu. Đủ chỗ bỏ cái bàn vẹo vọ và mấy cái xoong, chén, ấm. Còn lại không có gì. Tối, cả nhà lăn ra đất ngủ.

Năm đó hai cô đến nhà vận động. Học trò bảo muốn đi học nhưng bố mẹ bảo nghỉ. Họ kiên quyết: chữ có ăn được đâu mà học? Hai cô buồn bã ra về. Nghĩ bất lực trước cảnh học sinh hết lớp 5 phải ở nhà nên lại tới. Vẫn không được. Sau lá thư kêu gọi những học sinh cũ đã đi làm, giúp đỡ thế hệ đàn em của mình, cô Lan đem số tiền đó đến hỗ trợ. Bố mẹ em Phương không nhận. Cuối cùng, cô phải năn nỉ: Đây là quà cho để mua quần áo, bánh kẹo cho các em chứ không phải nhận tiền nghĩa là buộc phải cho em ấy đi học. Thầy cô cũng muốn các em được tới trường nên làm hết sức. Giờ không được thì vẫn muốn ủng hộ một phần quà. Cô Lan nói, rồi như ức quá, nước mắt từ từ lăn ra. Những giọt nước mắt nhỏ bé lại có sức cảm hóa lớn lao. Bố mẹ em Phương không hứa hẹn gì nhưng ngày khai giảng, cô Lan, cô Mỹ đã cười thật tươi khi thấy Phương nhút nhát đi tìm lớp. “Chỉ cần Phương được tới trường, tất tật những thứ phục vụ cho việc học hành hai cô sẽ lo!”. Hai cô đã hứa như vậy. Và đã làm như vậy.

Trưa nay tới nhà. Phương bị bệnh. Sốt cao. Ho nữa. Hai cô giáo tái mặt. Hỏi ra mới biết tuần trước có người quen ở Vĩnh Phúc tìm đến thăm.

- Bây giờ phải làm sao ? - cô Lan hoảng hốt.

- Đưa đi bệnh viện chứ sao?

- Ai cho mà đưa, con người ta chứ phải con mình đâu?!

Nỗi lo lắng của cô giáo Lan hoàn toàn có cơ sở. Mới đặt vấn đề đưa Phương đi bệnh viện, bố mẹ em sừng sộ liền. Họ đồng thanh hét:

- Có phải lần đầu bị sốt bị ho đâu. Nhỏ giờ bị miết. Nằm đấy vài bữa sẽ khỏi thôi!

- Nhưng giai đoạn này đang có… - cô Lan nói tới đó thì cô Mỹ đưa mắt ra hiệu im lặng. Hiểu rồi. Nói cũng bằng không thôi. Họ có quan tâm chi tin tức bên ngoài đâu.

Nhưng Mông Thị Phương thì biết. Em ấy nằm trên mảnh chiếu, nước mắt chảy xuống ròng ròng:

- Em sẽ chết đúng không cô? Em bị nhiễm vi rút Vũ Hán rồi!

- Không phải ai mắc bệnh cũng chết!

- Nhưng không có thuốc chữa.

Phương nói bao nhiêu đó rồi nhắm nghiền mắt lại để hai hàng nước mắt tiếp tục tràn ra. Nhìn khuôn mặt tái xanh kia, hai cô giáo thắt lòng, hiểu rõ nỗi sợ hãi lớn đến dường nào trong tim óc một cô học trò nhỏ bé.

Cầm đôi tay đen nhẻm, gầy guộc của cô học trò vừa học, vừa phụ gia đình làm rẫy cô Lan dặn không sao đâu, đừng sợ. Ý chí quan trọng lắm. Bệnh nhẹ mà ý chí không mạnh cũng sẽ chết đấy. Và ngược lại… Hiểu ý cô không?

- Dạ, hiểu.

- Vậy không được sợ nữa nghen!

Hai cô giáo ngồi nhìn học trò, cảm giác bất lực trào lên khuôn mặt bi thiết. Ông phụ huynh nổi đóa: Làm gì mà ngồi nhìn nó như nhìn người sắp chết vậy cô? Con tui, tui không sợ thì mắc mớ chi mấy cô sợ? Giờ nhà tui chuẩn bị lên rẫy nè. Hai cô giáo hiểu ngầm ý muốn đuổi nên xin phép ra về.

Ra con đường đất lổn ngổn, nắng chang chang phập vào mắt, vào cổ. Nóng, ngạt đến không thở nổi. Không phải. Chính xác là thấy tình trạng “nghi nhiễm” của cô bé học trò mà khó thở. Lúc nãy có đeo khẩu trang, bố mẹ em chắc đã rất bực dọc trước thái độ của hai cô giáo. Họ không nghĩ đến chuyện sợ lây bệnh (dù cúm thông thường cũng lây), với họ đó là thái độ không thiện chí, thiếu tôn trọng, vì họ là “dân tộc”, vì họ nghèo, vì họ bẩn. Có chết họ cũng không hiểu được nếu sợ lây nhiễm thì hai cô giáo đã không tới nhà thăm hỏi học trò rồi.

Trên đường về, cả hai cô đều dạ không yên. Cô Lan lên tiếng:

- Giờ phải làm sao đây?

- Để từ từ nghĩ đã…

- Hai chúng ta không được về nhà!

- Lý do?

- Cô bé Phương có dấu hiệu khả nghi, nãy giờ chúng ta tới nhà, biết có lây lan gì hem? Nghe bảo khẩu trang vải cũng đâu có chắc. Nếu mình bị lây rồi mà về nhà thì…

- Nói gì nghe ớn dữ nàng! - cô Mỹ hét.

- Nghiêm túc á. Nghĩ cách đi.

Hai cô dừng lại bên đường. Gay gắt. Nắng chói, đứng gió, đồi núi trọc cây. Cảnh rất… lửa.

Đứng giữa cơn nắng bụi, nhiều người qua đường nhìn hai cô giáo ái ngại. Cô Lan thoáng chút lùng bùng. Cô Mỹ nói nhỏ:

- Có cách rồi!

- Đang tính gì á?

- Mình có con bạn thân, chồng nó là bác sĩ. Để mình liên hệ kêu gọi sự hỗ trợ.

- Nhưng bố mẹ Phương đời nào cho mình đưa con họ đi khám!

- Không cho đi thì mình tới. Ảnh bác sĩ, tới nhà khám qua cũng có thể phần nào đoán được bệnh tình. Nếu quả thật đã bị COVID-19 thì phải đưa em ấy đi cách ly, cả hai chúng ta nữa. Những lúc thế này thì một người phải vì mọi người.

* * *

Bác sĩ Tấn thở phào, bảo đó là triệu chứng của cảm lạnh. Rồi mở túi ra, bác sĩ đưa thuốc, dặn người nhà cho uống đúng giờ, đúng liều. Em ấy sẽ dần khỏi bệnh.

Hai cô giáo nhìn học trò của mình, mỉm cười thân thương, đồng thanh:

- Hết sợ chưa? Ráng mau hết bệnh rồi tự ôn bài vở chờ ngày học lại nghen!

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/236254/hoc-tro-oi-dung-so-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-nguyen-thi-bich-nhan.html