Học trực tuyến, giáo viên khó nắm bắt tâm lý học sinh
Các chuyên gia cảnh báo, gia tăng tình trạng học sinh trầm cảm sau đại dịch, phụ huynh, nhà trường cần đồng hành, chia sẻ thay vì gây áp lực, đặt kỳ vọng quá cao vào kết quả học tập, nhất là trong bối cảnh các kỳ thi đang cận kề.
Sự việc đau lòng
Ngày 22/3, nữ sinh 15 tuổi ở một chung cư cao cấp tại quận Hai Bà Trưng rơi từ tầng 26 của tòa nhà xuống đất tử vong. Nguyên nhân sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ, tuy nhiên đã có nhiều ý kiến đồn đoán về việc nữ sinh chịu áp lực học hành, thi cử vì năm nay em học lớp 9 tại một trường THCS thuộc quận Đống Đa.
Cuối tháng 2, một nữ sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TPHCM) cũng bất ngờ nhảy từ tầng 3 xuống sân trường. Rất may mắn, học sinh này chỉ bị thương, không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, sau đó, trường học này đã khảo sát tâm lí học sinh thì khá bất ngờ có nhiều em cho biết, gặp khó khăn về vấn đề tâm lí.
Chiều 23/3, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện ngôi trường nữ sinh lớp 9 theo học nói rằng, nhà trường, giáo viên rất bối rối, đau lòng trước sự việc vì cùng ngày, học sinh đó vẫn đi học và không có biểu hiện gì bất thường.
Tháng 12/2021, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cơ sở A (Hà Nội) khảo sát tâm lý học sinh, kết quả cho thấy nhiều học sinh cho biết gặp khó khăn cả trong học tập, giao tiếp với bố mẹ, người thân.
Đại diện trường học cũng bày tỏ, gần suốt một năm học qua, Hà Nội bị dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến nên các em có gặp vấn đề bất ổn tâm lí nào thì cũng không chia sẻ, nhà trường khó nắm bắt được. Khi còn học trực tiếp, trường có nhân viên tư vấn học đường, rất nhiều học sinh tìm đến để chia sẻ những chuyện khó nói. “Lần này, học sinh mới được quay lại trường học trực tiếp ít ngày thì xảy ra sự việc”, vị này nói.
Chia sẻ thay vì gây áp lực cho trẻ
Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, sau một thời gian dài học trực tuyến, khi đến trường cho kiểm tra các môn, kết quả học tập của các em rất kém. Tuy nhiên, nhà trường yêu cầu giáo viên không vội vàng tăng tốc vì vẫn còn nhiều thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức cho các em. Hà Nội đã quyết định chỉ còn thi 3 môn đã được xác định từ đầu năm học nên phần nào giảm áp lực cho các em.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng nói, qua nhiều năm quản lý, có một thực tế nhiều cha mẹ đánh giá không đúng khả năng của con hay đặt kỳ vọng lớn hơn thực tế. Ví dụ, giáo viên tư vấn với năng lực của con chỉ nên đăng ký nguyện vọng vào trường tốp 2 thì phụ huynh thường muốn trường ở tốp đầu. Một số người không chấp nhận thực tế nếu con học yếu kém.
“Năm học này học sinh chủ yếu ở nhà học trực tuyến, rất cần cha mẹ chuyện trò, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, hỏi han con thay vì áp đặt, mắng mỏ gây căng thẳng cho con”, bà Hiền nói.
Chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Thành Nhân (TPHCM) cho rằng, trước mỗi kỳ thi, không chỉ Việt Nam mà ở các nước, học sinh đều chịu áp lực về kết quả điểm số. Tuy nhiên, áp lực nhiều hay ít là do mục tiêu và khả năng chịu đựng của mỗi người khác nhau.
TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cũng nói, học trực tuyến kéo dài, học sinh thiếu vắng sự tương tác, trao đổi lâu ngày, dần dần các em sẽ cảm thấy cô đơn, sống thu mình, tự ti.