'Học trực tuyến' khi không có Internet

Giao thông cách trở, địa hình phức tạp, không có điện lưới quốc gia, không có sóng wifi, việc kết nối internet không thực hiện được, nhiều gia đình học sinh không có các thiết bị, phương tiện kết nối như điện thoại thông minh, máy tính... là những khó khăn khiến cho việc giao bài tập, hướng dẫn ôn tập và dạy học trực tuyến trong những ngày học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 ở các huyện miền núi Nghệ An. Và nhiều địa phương đã nỗ lực vượt lên những trở ngại đó.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường về dạy học trực tuyến.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường về dạy học trực tuyến.

Giao bài cho học sinh

Kỳ Sơn là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Trong những ngày nghỉ phòng chống dịch, Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà, khuyến khích hình thức giao bài để việc học không bị gián đoạn.

Thầy Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD-ĐT H. Kỳ Sơn, cho biết: Học sinh các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì việc học tập trong thời kỳ nghỉ học kéo dài. Phòng đã giao cho các trường, tùy theo từng cấp học để soạn đề cương ôn tập và chương trình học trọng tâm (đã giảm tải) đối với những học sinh không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, in sao đề, phân công giáo viên đến từng gia đình học sinh 1 lần/tuần để hướng dẫn các em học tập và rèn luyện kỹ năng tự học. "Trong khi các huyện miền xuôi học kiến thức mới thì với học sinh miền núi, điều quan trọng nhất vẫn là ôn tập kiến thức để học sinh khỏi quên, khi đã tiết kiệm được thời gian 1 tháng này thì Phòng Giáo dục sẽ đẩy nhanh tiến độ bù vào thời lượng đã mất đó để dạy kiến thức mới", thầy Phan Văn Thiết cho biết thêm.

Nhằm duy trì việc học tập cũng như phụ đạo cho học sinh yếu, giáo viên đến từng nhà, từng bản làng để giao bài và giảng bài cho các em đang là cách mà Phòng GD-ĐT H. Tương Dương triển khai trong hơn 1 tháng qua. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giao bài của các trường gặp rất nhiều khó khăn do đang trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Trong khi đó, thực tế cho thấy, chỉ 40% số trường học trên địa bàn huyện Tương Dương đáp ứng cơ bản được việc dạy học thông qua internet, còn lại là không thể thực hiện được. Với những trường học này, Phòng GD-ĐT huyện yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện việc dạy học bằng hình thức giao bài dưới sự hướng dẫn của giáo viên, đảm bảo tất cả học sinh được tham gia học tập.

"Nỗ lực của nhà trường, giáo viên là vậy nhưng vẫn cò Lãnh đạo Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường về dạy học trực tuyến.n tình trạng thầy tìm trò bởi các em theo bố mẹ đi làm rẫy, làm nương, việc học không được duy trì thường xuyên, liên tục. Ý thức học tập của một số học sinh còn kém, trong khi đó điều kiện học trực tuyến lại chưa nhiều... Nên chăng, khi kiểm tra đánh giá, các kỳ thi chuyển cấp khối lượng kiến thức cần được lược bớt, giảm độ khó, giảm phần nâng cao để phù hợp với tình hình học hiện nay của học sinh miền núi", thầy Kha Văn Lập - Trưởng Phòng GD-ĐT H. Tương Dương đề nghị.

Chống quên tiếng Việt với trẻ tiểu học

Cùng với duy trì việc dạy học kiến thức cơ bản cho học sinh, đối với trẻ tiểu học ở các huyện miền núi thì dạy tiếng Việt luôn được các trường chú trọng.

"Ở bậc tiểu học chúng tôi không đặt nặng việc giao nhiều bài tập cho các em làm ở nhà. Lý do vì thời gian nghỉ dài, các bài tập cơ bản cũng được ra cho học sinh làm hết. Trong khi không thể dạy bài mới, vì vùng cao điều kiện dạy học trực tuyến không thuận lợi, đồng bộ. Đáng lo nhất là ở nhà quá lâu, học sinh dân tộc thiểu số sẽ quên mất tiếng Việt", thầy Tăng Xuân Sơn - Hiệu trưởng Trường TH Thông Thụ 1, huyện Quế Phong, chia sẻ. Nhằm hạn chế tình trạng này, trường mở cửa thư viện, phân công giáo viên hàng tuần mang sách báo, truyện, các ấn phẩm thiếu nhi đến bản cho học sinh. Các em đến nhà trưởng bản hoặc nhà văn hóa để lấy sách báo về, đọc xong mang trả lại.

Để hạn chế việc "tái mù chữ" ở học sinh lớp nhỏ vì khi ở nhà các em chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ, trong suốt hơn 1 tháng qua H. Tương Dương duy trì việc đem bài tập, sách báo đến từng bản, tận nhà cho các em. Giáo viên có nhiệm vụ phân loại sách báo phù hợp với từng độ tuổi, tạo hứng thú, đam mê đọc sách cho các em. "Cùng với nhiệm vụ giao nhận sách, việc đi đến từng bản cũng là dịp để giáo viên phối hợp với gia đình, thôn bản tuyên truyền phòng dịch, kịp thời nắm bắt thông tin học tập, sức khỏe của học sinh", thầy Kha Văn Lập chia sẻ.

B.H

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_223205_-hoc-truc-tuyen-khi-khong-co-internet.aspx