Học bổng cho SV nếu chỉ trông chờ tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí là không đủ

Học bổng chỉ là một yếu tố để thu hút nguồn nhân lực, quan trọng hơn cả là việc làm, cơ hội phát triển nghề nghiệp sau khi sinh viên tốt nghiệp.

Chính sách học bổng không chỉ giúp sinh viên vượt qua những khó khăn trước mắt mà còn là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển tương lai của các em. Theo Điểm b, Khoản 4, Điều 8 của Nghị định 84/2020/NĐ-CP, học bổng khuyến khích học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập phải được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí, trong khi các trường tư thục là tối thiểu 2%.

Trên thực tế, tại một số trường với 8% nguồn thu học phí không đủ để hỗ trợ tất cả sinh viên xứng đáng nhận học bổng. Nhiều trường đại học đã chủ động huy động nguồn lực xã hội, từ doanh nghiệp và cựu sinh viên… để cung cấp thêm nguồn hỗ trợ cho sinh viên khó khăn.

Đảm bảo công bằng trong phân bổ học bổng cho mọi đối tượng sinh viên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ngoài học bổng khuyến khích học tập từ 8% học phí, nhà trường còn có nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đây là hai nguồn tài trợ mà nhà trường sử dụng để đồng hành cùng sinh viên.

Trường Đại học Công nghệ cũng có chính sách hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và cung cấp nhiều học bổng từ các doanh nghiệp, ngoài ngân sách nhà trường. Hàng năm, nhà trường cũng tiến hành thống kê các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và chủ động hỗ trợ bằng nguồn kinh phí riêng, ngoài học bổng khuyến khích học tập từ học phí.

Thầy Trình cho biết, số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực tế không nhiều. Chẳng hạn, trong giai đoạn dịch bệnh, nhà trường thống kê được khoảng 32 sinh viên gặp khó khăn nhất, những em này được hỗ trợ hoàn toàn học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Đối với sinh viên khó khăn, trường có quỹ học bổng hỗ trợ học tập riêng, không sử dụng từ nguồn học bổng 8% khuyến khích học tập. Nguồn kinh phí này đến từ xã hội, các cựu sinh viên và các tổ chức, doanh nghiệp, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về ăn ở và học tập suốt bốn năm học.

Học bổng khuyến khích học tập và học bổng hỗ trợ sinh viên khó khăn là hai loại khác biệt. Học bổng khuyến khích học tập được cấp cho những sinh viên giỏi, có năng lực còn học bổng hỗ trợ tập trung giúp sinh viên khó khăn về tài chính.

Tại Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng cho biết, nhà trường luôn thực hiện chính sách học bổng theo đúng quy định của Nghị định 84 của Chính phủ. Chính sách này đã góp phần khuyến khích sinh viên nỗ lực trong học tập và rèn luyện, giúp nhiều em đạt thành tích xuất sắc.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: website trường.

Việc xét cấp học bổng khuyến khích học tập được thực hiện đúng theo quy định, căn cứ trên kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên. Với các em có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường có các nguồn học bổng doanh nghiệp, hằng năm cũng đạt 20% so với nguồn học bổng khuyến khích học tập để hỗ trợ sinh viên.

Ngoài học bổng khuyến khích học tập theo quy định, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) còn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, doanh nghiệp và cựu sinh viên để cấp thêm học bổng cho sinh viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Phòng công tác sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, về việc phân bổ học bổng tại trường tuân thủ theo quy định Nghị định 84, nhà trường đảm bảo tính công bằng bằng cách phân chia học bổng theo ngành học và khóa học, giúp mỗi sinh viên được hưởng lợi tương xứng với đóng góp học phí của mình. Cụ thể, học phí của sinh viên ngành nào, khóa nào sẽ được phân bổ lại cho sinh viên của ngành và khóa đó.

Ngoài khoản học bổng trích từ học phí, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng có quỹ khuyến học bao gồm các khoản tài trợ từ cựu sinh viên và các tập đoàn, tổ chức hợp tác với trường. Nhờ đó, mỗi năm trường có thể bổ sung thêm nguồn quỹ cho các suất học bổng.

Các doanh nghiệp, tập đoàn cũng tài trợ học bổng cho sinh viên theo học các ngành đặc thù mà họ cần nhân lực. Chẳng hạn, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ học bổng cho sinh viên các ngành liên quan đến công nghiệp khai khoáng như Khai thác mỏ, Kỹ thuật tuyển khoáng hay An toàn vệ sinh lao động. Các sinh viên theo học ngành này có thể nhận được từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng và cam kết làm việc cho tập đoàn sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ đầu năm học, các khoản tài trợ phân bổ cho sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập, với mức học bổng lên đến 10 triệu đồng mỗi suất – cao gấp đôi so với học bổng truyền thống của nhà trường.

 Sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất được xét nhận học bổng của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất được xét nhận học bổng của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Các doanh nghiệp cũng có những suất học bổng hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng có chính sách cấp học bổng cho các sinh viên yếu thế với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/kỳ, tương đương 12 triệu đồng/năm. Điều kiện để nhận học bổng không quá khắt khe, chỉ cần sinh viên đạt kết quả học tập khá trở lên và có hoàn cảnh khó khăn.

Nhà trường luôn tận dụng các nguồn lực sẵn có, từ học phí trích lập học bổng, quỹ khuyến học đến sự tài trợ của các doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện tối đa cho sinh viên phát triển, đặc biệt là các sinh viên yếu thế.

Thầy Thành cho biết thêm, tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất có những ngành dễ tuyển sinh như Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh,... những ngành này sẽ được hưởng học bổng theo quy định chung của nhà nước. Tuy nhiên, đối với những ngành đặc thù như Trắc địa hay Địa chất - những ngành ít thu hút sinh viên hơn, trường phải chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ doanh nghiệp và cựu sinh viên. Đây là mối quan hệ hai chiều, khi nhà trường đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ lại quá trình đào tạo.

Các ngành đặc thù dù có chất lượng đào tạo hàng đầu nhưng ít được xã hội chú ý, dẫn đến khó khăn trong việc tuyển sinh. Do đó, trường phải làm việc chặt chẽ với các công ty, tập đoàn để tìm kiếm học bổng và hỗ trợ cho sinh viên theo học các ngành này. Tuy nhiên, học bổng chỉ là một phần trong quá trình dài hạn, và để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, quá trình giáo dục không thể "gieo hạt hôm nay và thu hoạch ngày mai".

Cần các chính sách riêng biệt để phát triển các ngành đặc thù

Theo Phó giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu, việc trích tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí để cấp học bổng khuyến khích học tập là một tỷ lệ khá cao so với tổng chi phí mà các trường phải đầu tư vào hoạt động đào tạo. Đặc biệt, nguồn thu học phí còn cần phải sử dụng vào các khoản chi lớn khác như duy trì phòng thí nghiệm, trang thiết bị và vật tư phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

 Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nhận Học bổng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: website trường.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nhận Học bổng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: website trường.

Còn thầy Lê Xuân Thành cho rằng, mức 8% từ nguồn thu học phí của mỗi trường đại học là khác nhau, tùy thuộc vào mức học phí mà mỗi trường áp dụng. Việc trích tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí để cấp học bổng khuyến khích học tập, điều này là hợp lý nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế của sinh viên. Số lượng sinh viên đạt thành tích tốt và đủ điều kiện nhận học bổng ngày càng tăng, trong khi nguồn lực vẫn hạn chế.

Thầy Thành nhấn mạnh, không thể có một quy định chung cứng nhắc hay một giải pháp nào áp dụng cho tất cả trường hợp, mà cần phải giải quyết từng vấn đề cụ thể, từ bài toán chung đến bài toán riêng.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Hiếu, trong các trường kỹ thuật, khoa học cơ bản luôn là nền tảng cho sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ. Học bổng không chỉ khuyến khích sinh viên học tập mà còn định hướng các em cống hiến cho xã hội trong tương lai. Để phát triển toàn diện, xã hội cần nhân tài trong mọi lĩnh vực, từ kỹ thuật, công nghệ đến quản trị, quản lý.

Với những ngành đang được ưu tiên phát triển, ông Hiếu cho rằng cần có thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp để cung cấp các nguồn lực và học bổng, giúp những lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thầy Hiếu cũng khuyến khích các doanh nghiệp nên tích cực hỗ trợ học bổng cho sinh viên – những người sẽ trở thành nguồn nhân lực tương lai. Việc này không chỉ giúp sinh viên có điều kiện tốt hơn để học tập và nghiên cứu, mà còn góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước trong dài hạn.

Bên cạnh đó, theo thầy Lê Xuân Thành, Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về việc các doanh nghiệp phải trích bao nhiêu phần trăm từ doanh thu để dành cho phát triển công nghệ hoặc hỗ trợ cộng đồng, bao gồm cả học bổng. Một số nước trên thế giới hiện nay có những quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với giáo dục. Do đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững, cần có sự hợp tác và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với nhà trường.

Thầy Thành cho rằng, chính sách học bổng cần được mở rộng, nhưng thay vào đó, việc xây dựng các chính sách tín dụng hỗ trợ sinh viên sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn. Sinh viên cần được coi là chủ thể có quyền vay vốn để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Nếu có một hệ thống quản lý tài chính chặt chẽ, sinh viên hoàn toàn có thể tự chịu trách nhiệm về việc vay vốn và trả nợ sau khi ra trường mà không phụ thuộc vào gia đình.

Còn theo thầy Chử Đức Trình, học bổng chỉ là một phần hỗ trợ, giúp sinh viên và gia đình giảm bớt khó khăn, nhưng điều quan trọng nhất là sau khi tốt nghiệp, sinh viên có điều kiện tìm kiếm việc làm tốt. Thầy lấy ví dụ về ngành sư phạm, khi nhà nước ban hành những chính sách mạnh mẽ đối với nghề giáo, khối ngành sư phạm nhanh chóng trở nên "hot" và điểm xét tuyển cũng tăng cao, mặc dù học bổng dành cho sinh viên sư phạm không có nhiều thay đổi.

Thầy Trình cho rằng, xã hội, gia đình rất nhạy bén trong việc đảm bảo tương lai bền vững cho con em mình. Việc học trong 3-4 năm quan trọng, nhưng không thể so sánh với cuộc sống và triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Do đó, nếu muốn thu hút sinh viên vào các ngành đặc thù, STEM hay những ngành cơ bản khác, cần phải có chính sách phát triển nguồn nhân lực rõ ràng và hấp dẫn, đảm bảo điều kiện việc làm và thu nhập ổn định sau này.

Thùy Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-bong-cho-sv-neu-chi-trong-cho-toi-thieu-8-tu-nguon-thu-hoc-phi-la-khong-du-post245880.gd