Học trực tuyến: Lo ngại chất lượng học tập, sức khỏe học sinh

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, 41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến.

Ảnh minh họa

Nhiều lúng túng, tiềm ẩn nguy cơ gian lận

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về tác động của dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo và đối tượng thanh niên, trẻ em.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Ủy ban cho biết, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị mắc COVID-19.

“Công tác dạy và học, phát triển đội ngũ, tài chính và bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh bị tác động lớn”, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận định.

Trong đó, giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp. Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi còn hạn chế, gây khó khăn khi học chương trình lớp 1 ở tiểu học của trẻ.

“Việc tổ chức hoạt động giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến rất khó thực hiện trong thực tế, chưa phù hợp và bảo đảm công bằng trong tiếp cận với trẻ em, nhất là trẻ em 5 tuổi, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ.

Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, việc triển khai học tập trực tuyến do đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Mặc dù nhiều học sinh đã khá thích ứng với việc học qua truyền hình, internet, tuy nhiên, hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi.

Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.

“Phương thức dạy học qua truyền hình phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Ở nhiều địa phương, việc dạy và học trên truyền hình, qua internet chưa thực sự hiệu quả”, báo cáo cho hay.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Công tác tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương và Chương trình đào tạo (đào tạo lại) giáo viên phổ thông bị chậm tiến độ.

Nhiều cán bộ, giảng viên, người lao động của các cơ sở giáo dục đại học phải giảm giờ làm, phải nghỉ việc; sinh viên phải làm quen với việc giảng dạy và học tập bằng hình thức trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trong bối cảnh học tập trực tuyến còn nhiều lúng túng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận trong kiểm tra, đánh giá chất lượng.

“Nguy cơ chậm phát triển”

Báo cáo đánh giá, đối với trẻ mầm non, mẫu giáo và lớp 1 phải ở nhà thời gian dài ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe và kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh. Một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật học hòa nhập, trẻ em là con công nhân, người lao động mất việc làm…có nguy cơ chậm phát triển.

Đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, việc thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, học qua truyền hình có tác động tích cực đến việc duy trì thói quen học tập, khiến các em linh hoạt, chủ động học tập hơn. Tuy nhiên, ý thức học tập của một bộ phận học sinh bị ảnh hưởng do tính tự giác chưa cao. Một bộ phận học sinh rất lo lắng cho việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học.

Còn với cha mẹ học sinh, theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, hầu hết cha mẹ học sinh sẵn sàng, tích cực phối hợp với nhà trường, tham gia các buổi hướng dẫn trực tuyến, thực hành cùng con; tham gia đóng góp công sức và kinh phí để khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp… phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức hoạt động giáo dục ở nhà chưa được các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện. 41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến.

Thậm chí, nhiều gia đình không có điều kiện để mua các thiết bị phục vụ cho học trực tuyến; nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc tổ chức quản lý, giám sát, chăm sóc, hướng dẫn con em mình học tập.

“Nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng khi cho con em nhập học trở lại tại các trường học được trưng tập làm cơ sở cách ly”, báo cáo nêu.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để các em được đến trường sớm nhất có thể.

Đồng thời rà soát, đánh giá kỹ thực trạng, khó khăn, vướng mắc về triển khai dạy học trong bối cảnh dịch bệnh đối với từng địa bàn, từng cấp học, bậc học, loại hình cơ sở giáo dục; chủ động xây dựng phương án, kịch bản, giải pháp tổng thể về tổ chức dạy học, thi, đánh giá chất lượng giáo dục thích ứng với điều kiện cụ thể, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoc-truc-tuyen-lo-ngai-chat-luong-hoc-tap-suc-khoe-hoc-sinh-post1386030.tpo