Học trường Y đến năm 4 thì bị Taliban cấm đến trường
Dưới chính quyền Taliban, con đường đến trường của nữ sinh Afghanistan như đi vào ngõ cụt. Tương lai mờ mịt khiến nhiều nữ sinh phải thốt lên 'làm con gái là một tội nặng'.
Tối muộn ngày 20/12, Sabra - sinh viên năm 4 ngành Y khoa tại một trường đại học ở Kabul - nhận được tin nhắn.
Trong một nhóm chat của lớp đại học, một người bạn đã chia sẻ thông báo rằng chính quyền Taliban đã chỉ thị các trường đại học công lập và tư thục Afghanistan đình chỉ việc tiếp nhận sinh viên nữ ngay lập tức. Tin tức trên như một gáo nước lạnh đối với Sabra.
“4 năm qua, tôi đã cố gắng rất nhiều cho việc học. Chỉ còn một năm nữa là tôi sẽ tốt nghiệp", Sabra thất vọng và bật khóc.
"Làm con gái là một tội nặng"
Theo Guardian, sáng 21/12, nhân viên và lực lượng an ninh tại các trường đại học ở Kabul đã từ chối các sinh viên nữ đến học. Tại thành phố phía đông Jalalabad, một nhóm đàn ông và phụ nữ đã biểu tình bên ngoài khuôn viên trường, phản đối lệnh cấm của chính quyền Taliban.
Sabra cho biết từ nhiều tháng trước, cô đã nghe tin đồn Taliban sẽ cấm phụ nữ học đại học, nhưng thông báo mới đây vẫn khiến cô bị sốc.
“Bây giờ là 4h30, tôi không thể ngủ được và cũng không cầm được nước mắt", Sabra nói.
Trong khi đó, nữ sinh Sakina Sama cho biết sau khi tốt nghiệp trung học, cô phải mất 3 năm để thuyết phục cha đồng ý cho cô đi học đại học. Tuy nhiên, đến nay, mọi hy vọng của cô sụp đổ trước lệnh cấm của Taliban.
“Làm con gái là một tội nặng. Đêm nay, tôi muốn nguyền rủa đấng tạo hóa đã tạo ra tôi, để tôi phải khổ sở và tủi nhục như vậy”, Sama nói.
Trong khi đó, nữ sinh Zainab Rezaei (23 tuổi) biết về lệnh cấm thông qua Facebook. Để được đi học tại một trường đại học tư thục ở Kabul, Rezaei đã phải làm việc chăm chỉ, nhưng chính quyền Taliban lại tước đi quyền được học của cô.
Gần một năm qua, Rezaei luôn an ủi em gái vì em không được đến trường trung học. Nhưng bây giờ, cô cũng bị mắc kẹt ở nhà, số phận không khác người em.
“Tôi rất buồn và không biết tương lai của chúng tôi ra sao. Hiện tại, tôi chỉ thấy hận thù. Mọi cố gắng của chúng tôi đều không được đền đáp", Rezaei nói.
Quyết định đình chỉ học đại học của Taliban được đưa ra khi nhiều sinh viên đang trong thời gian thi cuối kỳ.
Chia sẻ với Reuters, Hasti (sinh viên năm 3, ngành Chính trị học) cho biết cô đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ. Khi biết tin, Hasti đã gục xuống, khóc trước tập tài liệu học tập của mình.
"Tôi đã cố gắng học tập và thật khó khăn, tôi phải dừng việc học và không thể đạt được mục tiêu. Nếu tình hình vẫn tiếp tục như vậy, phụ nữ và trẻ em gái chúng tôi đang bị chôn vùi, dù còn sống", Hasti nói.
Trong khi đó, một sinh viên tại Đại học Kabul cho biết ban đầu, cô đã thuyết phục được lính canh cho phép cô vào trường để nhận bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi vào bên trong, lực lượng an ninh đã yêu cầu cô rời đi, cùng với những nữ sinh đang làm bài kiểm tra.
Nữ sinh này đã không thể nhận bằng dù cô đã hoàn thành kỳ thi cuối kỳ và đủ điều kiện tốt nghiệp.
"Bước lùi đáng sợ"
Theo thống kê của Save the Children (Tổ chức cứu trợ trẻ em), kể từ khi thủ đô Kabul thất thủ vào tháng 8 năm ngoái, khủng hoảng kinh tế, hạn hán và những hạn chế của chính quyền Taliban đã khiến cuộc sống của các cô gái Afghanistan bị đảo lộn. Họ gần như bị loại trừ khỏi xã hội. Theo thống kê, hơn 45% bé gái Afghanistan không được đi học.
Tương tự, US News cũng nhận định số phận của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan trở nên thảm khốc trước những lệnh cấm của Taliban trong việc di chuyển ra khỏi nhà, cơ hội làm việc và quan trọng là giáo dục.
Tháng 3/2022, các nữ sinh trung học Afghanistan lần đầu tiên đến trường sau 8 tháng bị cấm. Họ mang theo sách vở, đồ dùng và niềm hy vọng cho năm học mới.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, họ buộc phải trở về nhà sau khi Taliban thất hứa, thu hồi quyết định mở lại trường học cho nữ sinh trung học. Điều này khiến hàng nghìn nữ sinh không được đến trường, đảo ngược nhiều năm tiến bộ về bình đẳng giới.
Chia sẻ với Save the Children, các nữ thiếu niên bày tỏ sự thất vọng và tức giận về việc các em không được tiếp cận giáo dục. Họ thấy vô vọng về tương lai của mình, mất đi quyền lợi và sự tự do vốn dĩ phải có.
Sau khi lệnh cấm nữ sinh học đại học được đưa ra, chính quyền Taliban bị lên án trên toàn cầu. Ủy ban Cứu hộ Quốc tế nhận định đó là một “bước lùi đáng sợ đối với Afghanistan”.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ cho biết lệnh cấm trên "không thể chấp nhận được".
Ông Roza Otunbayeva, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Afghanistan, cho biết việc Taliban đóng cửa các trường trung học đã làm suy yếu mối quan hệ của chính quyền Taliban và cộng đồng quốc tế, đồng thời không được lòng dân Afghanistan và một số người trong giới lãnh đạo Taliban.
“Lệnh cấm đã loại bỏ mọi nghi ngờ, Taliban đang quay trở lại các chính sách cực đoan mà họ đã ban hành vào những năm 1990 - khi họ kiểm soát Afghanistan”, ông Rina Amiri, đặc phái viên của Mỹ về phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, nói.
Một số nhà hoạt động dân sự và quyền của phụ nữ Afghanistan ở nước ngoài đã đưa ra một tuyên bố chung, kêu gọi Taliban đẩy lùi "tội ác thời trung cổ”. Những hạn chế của Taliban áp đặt sự cô lập tuyệt đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, khiến họ phải đối mặt với bạo lực, nghèo đói và bóc lột.
Trong khi đó, theo AFP, Taliban biện minh rằng nữ sinh Afghanistan bị cấm học đại học vì họ không tuân thủ các hướng dẫn, bao gồm quy định về trang phục phù hợp hoặc yêu cầu phải đi cùng với người thân là nam giới khi ra ngoài.
“Thật không may, 14 tháng đã trôi qua, các hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đại học thuộc Tiểu vương quốc Hồi giáo về giáo dục phụ nữ đã không được thực hiện", ông Mohammad Nadeem, Bộ trưởng Giáo dục Đại học trong chính quyền Taliban, nói.
Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định một số môn khoa học không phù hợp với phụ nữ.
“Kỹ thuật, nông nghiệp và một số khóa học khác không phù hợp với phẩm giá và danh dự của nữ sinh cũng như văn hóa Afghanistan”, ông cho hay.