Học và làm theo gương Bác từ những việc nhỏ
Đa năng, dấn thân,... là những từ khái quát nhất có thể khi nói về những phóng viên (PV) công tác tại các đài truyền thanh ở huyện. Họ tác nghiệp chẳng khác gì những PV ở các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, thế nhưng đổi lại, chế độ được hưởng chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, những PV, biên tập viên đài truyền thanh (nay là Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện) vượt khó để đưa đến người nghe đài, xem truyền hình trong tỉnh những thông tin chân thực từ cơ sở.
Tận tâm với nghề
Gần 10 năm công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, anh Trương Trung Hiếu (SN 1989) dành cả tâm huyết, niềm đam mê với nghề. Dù là PV đài huyện, anh vẫn làm việc với cường độ cao, sự đa năng và tính chuyên nghiệp cũng ngày càng được nâng lên. Anh vừa quay phim, dựng chương trình, đảm đương nhiều vai trò, nhiệm vụ và còn tham gia các hoạt động khác của đơn vị khi được phân công.
Anh kể, cơ quan đang thiếu người nên thời gian qua, có khi buổi sáng tác nghiệp tại hội nghị, anh vừa cầm máy quay để ghi hình, vừa thu thập thông tin, vừa cầm máy ghi âm để phỏng vấn. Trưa về, anh tranh thủ ăn uống, sau đó ngồi ngay vào bàn, viết tin, bài để phát cho chương trình phát thanh của đài huyện, trang tin điện tử của huyện và gửi cộng tác với các cơ quan báo chí khác trong tỉnh. Phát thanh yêu cầu tiếng động; báo in, điện tử yêu cầu ảnh; truyền hình cần có hình ảnh động,... Mỗi nơi cộng tác có một yêu cầu, cách thức thể hiện khác nhau nên với một thông tin, anh phải viết sao cho phù hợp với từng loại hình báo chí, sử dụng công nghệ trong hình ảnh, các phần mềm,... để hoàn thiện sản phẩm báo chí của mình.
Anh Hiếu chia sẻ: “Tôi nghĩ, làm bất cứ công việc gì cũng phải tận tâm. Do đó, dù có đi làm về muộn, tôi cũng cố gắng hoàn thành tin, bài. Nếu mình chậm thì kéo theo cả ê-kíp sản xuất chương trình sẽ chậm theo”.
Không những vậy, đôi khi, anh cùng những đồng nghiệp khác còn đảm nhận các chương trình truyền thanh, truyền hình trực tiếp tại các sự kiện lớn của huyện với những thiết bị hiện đại và chuyên nghiệp, cộng tác với các cơ quan báo chí cấp tỉnh. Thế nên, việc đi sớm, về tối hay những ngày nghỉ lễ, tết,... lúc mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi thì lực lượng PV vẫn làm việc với cường độ cao gấp nhiều lần ngày bình thường.
Ở cơ quan truyền thông cấp huyện, mỗi người kiêm nhiệm 3 - 4 vai trò, từ viết tin, quay phim, dựng phim, trực kỹ thuật đến phát thanh viên,... là chuyện bình thường. Khó khăn là thế, song niềm vui của anh là được thỏa đam mê với nghề, sự nhiệt huyết và tận tâm với công việc. Hơn nữa, làm công việc này, anh thích được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người, được đi, được gắn bó với cơ sở là động lực giúp anh gắn bó với nghề.
Noi gương Bác để làm việc tốt hơn
Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách vừa là người sáng lập, lãnh, chỉ đạo báo chí cách mạng; vừa là nhà báo cách mạng vĩ đại. Theo Người, đạo đức là cái gốc của người làm báo cách mạng. Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, anh Hiếu cho rằng, đối với những PV, kỹ thuật viên, ngoài việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, còn học hỏi phong cách làm báo giản dị, khoa học của Người.
Theo anh Hiếu, với tiêu chí “nhanh, đúng, trúng, hay” của báo chí hiện nay, anh cùng đồng nghiệp góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đài, qua đó góp phần tích cực tuyên truyền về vị trí, vai trò và giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác trong đời sống xã hội. Qua ngần ấy năm công tác, anh tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, luôn hoàn thành vượt các chỉ tiêu tin, bài tuyên truyền và các nhiệm vụ được phân công.
Trong đợt dịch Covid-19 xảy ra vừa qua trên địa bàn huyện, cũng là tuyến đầu trong phòng, chống dịch, anh Hiếu bám sát định hướng, kịp thời đưa những thông tin cần thiết và ý nghĩa, phản ánh tình hình dịch bệnh để người dân nắm biết. “Khi đó, dịch bệnh bùng phát, mình cũng lo sợ không may bị nhiễm bệnh. Nhưng rồi tự dặn lòng, chấp nhận làm nghề này, nếu mình không đi đến tận nơi, không bám sát địa bàn, không lăn xả thì không thể phản ánh được tình hình thực tế để có những thông tin chân thật, thời sự. Với sức trẻ, không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp khác cũng sẵn lòng như vậy” - anh Hiếu nói.
Trong quá trình công tác, anh có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đánh giá, công nhận và ứng dụng có hiệu quả vào thực tế. Từ năm 2014 đến nay, nhiều năm liên tục, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Từ năm 2019, với vai trò Bí thư Chi đoàn Khối Văn hóa - Xã hội huyện, anh tích cực trong các hoạt động từ thiện - xã hội. Đó là tham gia thực hiện các mô hình ý nghĩa: Trao tặng học bổng cho học sinh nghèo, thăm gia đình chính sách, chương trình tiếp sức mùa thi tốt nghiệp THPT hàng năm, chăm lo Tết Trung thu cho thiếu nhi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,... Từ đó, giúp Chi đoàn Khối Văn hóa - Xã hội huyện được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền; riêng năm 2021, Chi đoàn xếp hạng Nhất trong Cụm thi đua khối cơ quan huyện.
Với sự cố gắng miệt mài, anh Hiếu góp phần đưa công tác thông tin, tuyên truyền của Tổ Truyền thanh nhiều năm liền được tỉnh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh cũng có duyên với Giải Báo chí tỉnh. Anh được nhận nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; là 1 trong 3 cá nhân tiêu biểu của huyện Thủ Thừa được Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng trong Học tập và làm theo gương Bác, giai đoạn 2016-2021; đặc biệt năm 2021, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Dù đạt nhiều thành tích nhưng anh tự hứa phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng là người học trò nhỏ của Bác./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hoc-va-lam-theo-guong-bac-tu-nhung-viec-nho-a132204.html