Học và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời để thành công dân tốt
Ngày 14/5, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội và Hội Khuyến học thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm 'Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về học suốt đời để trở thành người công dân tốt, hưởng ứng phong trào thi đua 'Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030'.
Tham dự buổi tọa đàm có Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Lê Như Đức cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Học tập Bác Hồ về học suốt đời để trở thành công dân tốt
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Lưu Như Đức - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Tọa đàm là dịp để mỗi hội viên Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học thành phố khẳng định những kết quả nổi bật trong công tác khuyến học, khuyến tài; trao đổi kinh nghiệm, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Quyết định 677/QĐ-TTg Chính phủ phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030”.
Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô, trước hết là đội ngũ cán bộ, hội viên trong hai cơ quan, nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh; hình thành mô hình “Công dân học tập” khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập…
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh đánh giá: Vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân là nhiệm vụ quan trọng.
Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, truyền thống hiếu học, trọng học, thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách của Nhà nước, dành ưu tiên cao nhất cho công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng mô hình công dân học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị.
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Tấm gương sáng ngời về học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện từ việc học trong nhà trường, trong lao động.
Người học thầy, học bạn, học cả những điều đáng học của kẻ thù, học nhân dân; học từ ấu thơ, từ trong mọi chặng đường cách mạng và ngay cả những ngày cuối đời, Người vẫn không ngừng học tập.
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể xác định các vấn đề cơ bản về học tập suốt đời như sau: Đầu tiên, cần xác định của mục đích và xây dựng động cơ học tập đúng đắn; học ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, học phải đi đôi với hành, thực hiện nguyên tắc, học đến đâu luyện tập và thực hành đến đó.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, ngày nay, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự xuất hiện nhiều ngành nghề mới đặt ra yêu cầu bức thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, mỗi cá nhân cần học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nỗ lực phát triển trong học tập, rèn luyện trong nhà trường và cả sau khi ra trường, phấn đấu trở thành người công dân có ích cho đất nước.
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội cũng đề nghị Hội Cựu chiến binh Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thúc đẩy khuyến học - khuyến tài để mỗi hội viên sẽ trở thành nòng cốt trong xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân Việt Nam
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập suốt đời trong đời sống xã hội; đề ra phương pháp học tập, nhận thức của bản thân về học tập suốt đời để trở thành công dân tốt. Cũng như những cách thức, kinh nghiệm mà Hội Cựu chiến binh và Hội Khuyến học Hà Nội đã và đang phối hợp hưởng ứng phong trào học tập suốt đời; vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực học tập để trở thành công dân tốt.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá: Tọa đàm "Học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về học suốt đời để trở thành công dân tốt" có ý nghĩa vô cùng to lớn, có sức lay động trong bối cảnh hiện nay.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói học không bao giờ cùng. Con đường học tập suốt đời cũng chính là tư tưởng của Bác. Ôn lại cuộc đời của Bác, chúng ta thấy tư tưởng của Người cao nhưng không xa, vĩ đại nhưng không choáng ngợp, gần gũi với đời thường.
Các báo cáo tham luận trong tọa đàm đã tập trung vào những nội dung chính về học tập suốt đời. Trong thời kỳ hội nhập, Hội Khuyến học các cấp đang nỗ lực thúc đẩy công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã báo cáo thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý phê duyệt xây dựng mô hình công dân học tập.
Những năm qua, công tác xây dựng công dân học tập, xã hội học tập tuy đã đạt được những thành quả nhất định nhưng còn gặp nhiều thách thức. Để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều phải học tập không ngừng, học tập suốt đời.
Ông Lê Mạnh Hùng mong muốn thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh thực hiện chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030", cũng như đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.
Đồng thời, đề nghị Hội Khuyến học thành phố Hà Nội, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp, tăng cường đẩy mạnh công tác khuyến học - khuyến tài trong gia đình, dòng họ, trường học, cơ quan, xã hội.
Một số hình ảnh tại tọa đàm: