Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến xây dựng cơ sở đào tạo mới ở Bắc Ninh

Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến mở cơ sở đào tạo mới ở Bắc Ninh với quy mô tuyển sinh 2.000 - 2.500 sinh viên/năm, quy mô đào tạo 10.000 sinh viên.

Học viện Hàng không Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 168/2006/QĐ-TTg ngày 17/07/2006. Đây là cơ sở giáo dục đại học công lập, đầu ngành trong đào tạo nguồn nhân lực hàng không dân dụng cho Việt Nam và khu vực. Hiện, học viện có 2 cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và một cơ sở tại tỉnh Khánh Hòa. Nhà trường cũng dự kiến xây dựng 1 cơ sở mới gần sân bay Long Thành (Đồng Nai).

Dự kiến xây dựng cơ sở đào tạo mới gần sân bay Gia Bình

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài An - Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam cho biết: Học viện Hàng không Việt Nam đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc đề xuất xây dựng một cơ sở đào tạo mới trên địa bàn tỉnh. Đề xuất nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo địa phương, mở ra cơ hội hình thành trung tâm đào tạo hàng không hiện đại tại khu vực phía Bắc.

Theo đó, cơ sở mới của Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến đặt tại xã Đại Lai, tỉnh Bắc Ninh. Địa điểm này nằm gần khu vực sân bay Gia Bình, hứa hẹn tạo mối liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và thực tiễn, giúp sinh viên tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.

Thầy An cũng cho biết thêm, quy mô tuyển sinh ở cơ sở Bắc Ninh là 2.000 - 2.500 sinh viên/ năm; quy mô đào tạo đến 10.000 sinh viên.

Tổng mức đầu tư là 6.000 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2027-2028: 2.000 tỷ đồng, quy mô 3.000 sinh viên; giai đoạn 2 từ 2029-2030: 4.000 tỷ đồng, quy mô 10.000 sinh viên).

 Học viện Hàng không Việt Nam đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Học viện cung cấp

Học viện Hàng không Việt Nam đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Học viện cung cấp

Việc Học viện Hàng không Việt Nam mở rộng đào tạo ra miền Bắc không chỉ giải tỏa áp lực tuyển sinh cho phía Nam, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực hàng không khu vực phía bắc. Đây sẽ là cơ sở giáo dục hàng không hiện đại và quy mô nhất tại miền Bắc, đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển, hội nhập quốc tế của ngành hàng không Việt Nam.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ủng hộ đề xuất của Học viện và cho biết sẽ bố trí diện tích khoảng 30 ha ở vị trí thuận lợi để Học viện Hàng không Việt Nam xây dựng cơ sở đào tạo này.

Trong quy hoạch cảng hàng không quốc tế Gia Bình có hình thành hệ sinh thái liên kết phục vụ hiệu quả cho việc phát triển nhân lực, dịch vụ hàng không, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác đào tạo của học viện.

Sau khi hoàn thành các thủ tục, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với học viện thực hiện giải phóng mặt bằng và các quy trình liên quan.

Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, đề xuất quỹ đất và phối hợp quy hoạch với tỉnh Bắc Ninh. Theo thầy An, đây sẽ là một trong những cơ sở giáo dục hàng không hiện đại và quy mô tại miền Bắc, đóng vai trò then chốt trong chiến lược hội nhập quốc tế của ngành hàng không Việt Nam, được kỳ vọng tạo đột phá không chỉ cho tỉnh Bắc Ninh mà còn cho cả khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng.

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng – Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng – Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh.

Đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong ngành hàng không

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài An cho biết sứ mệnh của Học viện Hàng không Việt Nam là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không, vũ trụ, và các ngành kinh tế, kỹ thuật khác; tiên phong nghiên cứu – chuyển giao công nghệ, gắn kết doanh nghiệp và cộng đồng vì sự phát triển bền vững.

Tầm nhìn đến năm 2050 của học viện là trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu khu vực về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hàng không – vũ trụ; Top 20 đại học Việt Nam và Top 2.000 đại học thế giới.

Cũng theo thầy An, giai đoạn 2025-2030 được dự báo là thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam, với sự tác động đáng kể từ việc đưa vào khai thác các sân bay mới như Long Thành, Gia Bình, cùng với việc mở rộng các sân bay trọng điểm như Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Những thay đổi này kéo theo xu hướng gia tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực trong ngành.

Dự báo đến năm 2025, tổng nhân lực toàn ngành sẽ vượt 58.000 người. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm ở các lĩnh vực đều ở mức cao: khối hành chính tăng khoảng 2–3%, các doanh nghiệp hàng không tăng 4–5%, và các dịch vụ hỗ trợ khác cũng đạt mức tăng trưởng tương tự. Đặc biệt, nhu cầu phi công được xác định là một trong những vị trí then chốt, với số lượng cần bổ sung khoảng 1.570 người để đáp ứng sự phát triển của mạng lưới bay trong và ngoài nước.

Trước xu hướng này, nhà trường dự kiến mở rộng quy mô đào tạo và tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Với cơ sở mới tại Bắc Ninh, học viện sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hiện đại, tích hợp trí tuệ nhân tạo và tự động hóa vào các mặt hoạt động trên nền tảng phát triển bền vững, phát triển xanh. Trong chiến lược phát triển đến năm 2035, học viện dự kiến mở rộng quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hàng không dân dụng, không gian, vũ trụ, logistics, UAV, AI và robotics,...

 Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến tăng quy mô tuyển sinh và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.

Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến tăng quy mô tuyển sinh và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.

Dự kiến cơ sở mới sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2028 - 2029 với các chuyên ngành đào tạo: Kỹ thuật Hàng không, Kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, Thiết kế và chế tạo thiết bị bay không người lái (UAV), Tự động hóa và Robotics, Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật không gian, Kỹ thuật vệ tinh và động cơ tên lửa, Kỹ thuật thiên văn, Kinh tế Hàng không, Logistic và vận tải đa phương thức, Quản trị kinh doanh cảng Hàng không, Xây dựng và phát triển cảng hàng không, Quản lý khai thác cảng hàng không, Du lịch và dịch vụ Hàng không,...

"Đây là một bước đi chiến lược trong lộ trình mở rộng hệ thống cơ sở đào tạo hiện đại, đa ngành của học viện. Việc triển khai dự án không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hàng không, mà còn đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh và khu vực phía Bắc.

Với sự ủng hộ và đồng hành từ chính quyền địa phương, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ sớm được triển khai, mang lại những giá trị bền vững và thiết thực", thầy An nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về chiến lược phát triển Học viện Hàng không Việt Nam giai đoạn 2030-2035, thầy An cho hay, nhà trường dự kiến sẽ tăng quy mô tuyển sinh lên 6.000 - 7.000 sinh viên/năm; quy mô đào tạo toàn học viện là 20.000 - 25.000 sinh viên với khoảng 75 ngành đại học, 15 ngành thạc sĩ, 5 ngành tiến sĩ.

Đặc biệt, học viện chú trọng đến việc cá nhân hóa học tập, thi cuối kỳ bằng AI (gắn liền đồ án, bài tập lớn…). Ứng dụng sâu rộng AI, Big Data, IoT, Blockchain vào mọi mặt hoạt động của nhà trường. Phấn đấu 100% chương trình đào tạo đạt kiểm định, trong đó có từ 30% chương trình đạt kiểm định quốc tế và có từ 1% sinh viên quốc tế trở lên.

Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên với mục tiêu trên 60% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Đồng thời cử giảng viên đi học các ngành tiên phong như: Kỹ thuật thiên văn, Kỹ thuật không gian, vũ trụ, …

Về hạ tầng, học viện sẽ tiếp tục đầu tư hoàn tất xây dựng phân hiệu Long Thành giai đoạn 2 (quy mô 10.000 sinh viên), chuyển đổi số toàn diện trong quản lý, điều hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-vien-hang-khong-viet-nam-du-kien-xay-dung-co-so-dao-tao-moi-o-bac-ninh-post253100.gd