Học viện Kỹ năng VTALK đồng hành cùng Đại học Sư phạm trong cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp HCMUE
Những ý tưởng hay, dự án tốt cũng sẽ không là gì nếu các Founder không có khả năng trình bày, thuyết phục trước nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ vòng tập huấn kỹ năng Thuyết trình ý tưởng và Thuyết phục Nhà đầu tư của cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp HCMUE, các chuyên gia đã hướng dẫn các bạn sinh viên cách để chuẩn bị cho phần thuyết trình gọi vốn đầy đủ và ấn tượng nhất.
Đến tham dự buổi tập huấn là hai diễn giả hàng đầu chuyên đào tạo kỹ năng giao tiếp thuyết trình đến từ Học viện Kỹ năng VTALK: Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn NGroup, Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK, chuyên gia phân tích các case kinh doanh, kinh tế, khởi nghiệp trên các tờ báo uy tín; và Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên – Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK, Founder Dự án Hành trình Khởi lửa Hành trang, diễn giả chuyên nghiệp cho nhiều sinh viên, học sinh trên cả nước. Mỗi diễn giả đảm nhận một vai trò nội dung khác nhau trong buổi đào tạo.
Học viện Kỹ năng VTALK đồng hành cùng Đại học Sư phạm trong cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp HCMUE
Bằng lối dẫn dắt vô cùng hài hước và ấn tượng của mình, mượn câu chuyện “Sự tích trái dưa hấu”, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam đã hướng dẫn rất cụ thể các nội dung cần phải có trong một slide pitch deck trước nhà đầu tư. Theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam, có “13 slide An Tiêm gọi vốn Vua Hùng”, bao gồm: “Mô tả Start-up gói gọn trong vòng 1 câu; Thiên thời?; Độ lớn/Tiềm năng thị trường; Vấn đề của thị trường; Đối thủ cạnh tranh; Giải pháp Start-up mang lại; Mô hình Kinh doanh (cách Start-up kiếm tiền); Thành tích đạt được; Dự trù kinh phí; Số vốn cần gọi và định giá; Kế hoạch thoái vốn; Đội ngũ sáng lập; Kêu gọi hành động”. Trong đó, tùy theo yếu tố nào nổi bật hơn, các Founder có thể thay đổi vị trí hoặc thêm bớt một vài slide để phù hợp với phần trình bày. Ví dụ Start-up có thành tích tốt thì nên chuyển slide thành tích lên đầu, hoặc có đội ngũ sáng lập nổi tiếng/đáng tin cậy thì nên lựa chọn yếu tố đội ngũ làm trọng tâm. Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam cũng nhấn mạnh, phần biên soạn nội dung được xem là “xương sống” cốt lõi của một bài thuyết trình, vì vậy nội dung phải được chuẩn bị chỉnh chu, đầy đủ và cô đọng, tập trung vào những ý chính, tránh lan man.
Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn NGroup, Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ phần Biên soạn nội dung cho bài thuyết trình
Trái ngược với phong cách có phần nặng về mặt kiến thức, Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên – Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK, Founder Dự án Hành trình Khởi lửa Hành trang đã thể hiện kỹ năng điều phối sân khấu vô cùng tuyệt vời của mình bằng một loạt các trò chơi bổ trợ. Đặc biệt, mỗi trò chơi đều mang một ý nghĩa và giá trị cho việc luyện tập kỹ năng sân khấu, giúp các bạn sinh viên nhớ lâu hơn những quy tắc khi thuyết trình, thuyết phục nhà đầu tư. Theo Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên: “Không có ngôn ngữ cơ thể nào là đúng, vì vậy các bạn tránh học thuộc những động tác ngôn ngữ cơ thể theo trên mạng. Tuy nhiên, có những ngôn ngữ cơ thể sai – cần phải tránh và ghi nhớ”. Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên cũng liên tục thị phạm và hướng dẫn các bạn sinh viên từ cách di chuyển trên sân khấu, bộ chân khi đứng (nam-nữ), bộ ngôn ngữ cơ thể tay, biểu cảm khuôn mặt, kỹ năng cầm micro, thử micro,… và quan trọng nhất là cách để luôn tự tin tỏa sáng trên sân khấu.
Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên – Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK, Founder Dự án Hành trình Khởi lửa Hành trang chia sẻ phần Kỹ năng Sân khấu cho bài thuyết trình
Kết thúc phần chia sẻ của hai diễn giả giàu kinh nghiệm đến từ Học viện Kỹ năng VTALK, các bạn sinh viên thuộc 14 đội của cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp HCMUE được hướng dẫn thực hành trực tiếp trên sân khấu và lắng nghe góp ý, chỉnh sửa từ các chuyên gia. Theo góc nhìn từ Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên – Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK, Founder Dự án Hành trình Khởi lửa Hành trang: “Nếu các bạn lựa chọn việc pitching 2 người, thì giữa 2 bạn phải có sự luyện tập và phối hợp thật ăn ý, “nâng-hạ” cho nhau. Đặc biệt kiểu thuyết trình đôi này sẽ phù hợp với các ngành hàng mang tính truyền thống, sản phẩm gia dụng, sản phẩm vật lý. Trong trường hợp Founder (hoặc người thuyết trình tốt nhất) không giỏi về các lĩnh vực khác như số liệu thì vẫn có thể thuyết trình một mình và mời các Co-Founder phụ trách từng mảng khác lên hỗ trợ trả lời ở phần hỏi đáp. Việc đứng hai người khi gọi vốn trên sân khấu, nếu không được thống nhất vai trò với nhau một cách rõ ràng có thể làm cho người nghe bị xao nhãng và mất tập trung vào nhân vật chính – người đang đóng vai trò truyền cảm hứng cho dự án của mình”.
Các bạn sinh viên thực hành thuyết trình thuyết phục cho dự án của mình sau phần đào tạo
Từ phần trình bày của các dự án, theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Ngroup, Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK: “Các bạn sinh viên mặc dù có nhiều ý tưởng rất sáng tạo, nhưng cần tập trung hơn vào tính khả thi của dự án, đồng thời, không nên nhầm lẫn giữa việc kinh doanh và làm từ thiện. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm 4 yếu tố: Kinh tế, Pháp luật, Đạo đức và Từ thiện – trong đó, yếu tố Kinh tế luôn đứng đầu. Bạn kinh doanh tốt, không cần xã hội tốn nguồn lực hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người lao động và trả lương, thưởng đầy đủ cũng đã là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chưa nên xa rời thực tế nếu các yếu tố xếp trên chưa thỏa mãn”.
Đại diện Đoàn trường Đại học Sư phạm trao hoa và gửi lời cảm ơn đến hai Diễn giả sau buổi chia sẻ Thuyết trình ý tưởng và Thuyết phục Nhà đầu tư
Kết thúc buổi chia sẻ, các bạn sinh viên Đại học Sư Phạm TP.HCM đã có trong mình thêm nhiều bài học giá trị - không chỉ cho riêng cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp HCMUE - mà còn là kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, thuyết phục phục vụ cho quá trình học tập, cuộc sống và công việc ở bất kỳ ngành nghề nào sau này. Hy vọng với những kỹ năng được tập huấn chuyên sâu trên, các bạn sinh viên sẽ có cho mình sự chuẩn bị tốt nhất để tỏa sáng trong các vòng thi tiếp theo.