Học viện Kỹ thuật Quân sự: Hiện thực hóa mục tiêu thi đua bằng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học
'Phong trào Thi đua Quyết thắng diễn ra sôi nổi, rộng khắp, có nhiều nét mới, nhất là thi đua trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), nghiên cứu khoa học (NCKH). Qua thi đua, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất hiện gắn với những công việc hằng ngày, kiên trì và bền bỉ, bình dị mà cao quý, góp phần xây dựng Học viện xứng đáng là trung tâm lớn về GD-ĐT, NCKH kỹ thuật của Quân đội và đất nước'. Đó là khẳng định của Thiếu tướng Trần Văn Thưởng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, một trong những nội dung nổi bật của Phong trào Thi đua Quyết thắng là hướng vào thực hiện tốt nhiệm vụ GD-ĐT và NCKH. Là trung tâm đào tạo khoa học kỹ thuật uy tín của Quân đội, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã chú trọng những vấn đề gì để hiện thực hóa phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”?
Thiếu tướng Trần Văn Thưởng: Học viện Kỹ thuật Quân sự luôn chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng kịp thời các yêu cầu cập nhật trình độ kiến thức và kỹ năng của cán bộ kỹ thuật trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học-công nghệ và sự phát triển của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Các chương trình đào tạo của Học viện đã được điều chỉnh để bảo đảm từ năm thứ ba, mỗi năm học sẽ có 2-4 tuần thực tập tại đơn vị và triển khai thực hiện giảng viên phụ trách tham gia toàn thời gian thực tập tại đơn vị cùng học viên.
Học viện triển khai đào tạo theo định hướng ứng dụng và nghiên cứu đối với học viên cao học, bám sát các nội dung nghiên cứu và thực tập theo yêu cầu của tình hình mới. Tăng cường mời chỉ huy các đơn vị trong toàn quân, các giảng viên có nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm đối với các đối tượng đào tạo chức vụ và sau đại học.
Đẩy mạnh gắn kết nhà trường với đơn vị thông qua việc tăng tỷ lệ cán bộ ở các đơn vị đề xuất đề tài, hướng dẫn đồ án tốt nghiệp và tham gia hội đồng bảo vệ đồ án tốt nghiệp, luận văn; tăng cường cử cán bộ, giảng viên đi luân chuyển thực tế đơn vị, đưa học viên đi thực tập tại các đơn vị. Tổ chức tốt diễn tập cuối khóa sát với thực tế chiến đấu của đơn vị, tăng cường cho cán bộ, giảng viên tham quan diễn tập ở các đơn vị phù hợp với nội dung diễn tập của Học viện.
PV: Chất lượng GD-ĐT được nâng lên là “quả ngọt” sau quá trình miệt mài phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên. Vậy, Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” được triển khai thực hiện như thế nào ở Học viện, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Trần Văn Thưởng: Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, trước hết là tập trung chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Học viện đã cử nhiều giảng viên đi học tập nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tế ở trong nước và nước ngoài. Nhiều giảng viên nỗ lực phấn đấu trở thành giảng viên dạy giỏi, giảng viên dạy tốt cấp Học viện và cấp Bộ Quốc phòng.
Đi liền với thi đua dạy tốt của đội ngũ giảng viên, hoạt động thi đua học tốt của học viên cũng được đẩy mạnh. Các học viên đều có ý thức tốt, động cơ phấn đấu đúng đắn, nỗ lực học tập, rèn luyện, tham gia nghiên cứu, sáng tạo. Những năm qua, Học viện tổ chức tốt việc tham gia thi Olympic cấp toàn quân, toàn quốc và giành thành tích cao, giữ vững vị trí tốp đầu so với các học viện, nhà trường trong cả nước.
PV: Hoạt động NCKH cũng góp phần khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu của Học viện. Đồng chí cho biết Phong trào Thi đua Quyết thắng đã góp phần thúc đẩy các hoạt động NCKH phát triển như thế nào để chiếm lĩnh những đỉnh cao mới?
Thiếu tướng Trần Văn Thưởng: Hoạt động NCKH luôn bám sát định hướng phát triển về khoa học-công nghệ, các hướng hiện đại hóa, chương trình, dự án lớn của Quân đội và Nhà nước. Đến nay, Học viện đã thành lập 18 nhóm nghiên cứu chuyên sâu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động nghiên cứu, phát triển.
Phong trào thi đua NCKH đã tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các sản phẩm lưỡng dụng sử dụng rộng rãi cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự, được các cơ quan, đơn vị sử dụng. Tiêu biểu như: Bệ quay cho đài ra-đa cảnh giới tầm trung sóng mét RV; thiết bị rung khử ứng suất dư ứng dụng cho các chi tiết cơ khí dạng hàn và đúc có trọng lượng, kích thước lớn; thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái Flycam; thiết bị kiểm tra chẩn đoán các bảng mạch nhớ trong máy tính số chuyên dụng của tổ hợp điều khiển vũ khí trên máy bay Su-27; thiết bị tập bắn súng TBS-19 dùng cho huấn luyện bắn súng tiểu liên; hệ thống dẫn đường quán tính cho tàu hải quân sử dụng cảm biến sợi quang...
Các cơ quan, đơn vị khuyến khích cán bộ, giảng viên, học viên tham gia các cuộc thi về khoa học-công nghệ cấp toàn quân, toàn quốc tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều đề tài gắn với ứng dụng thực tế.
PV:Hướng mục tiêu thi đua vào nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH, Học viện tiếp tục lựa chọn thực hiện những nội dung gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Trần Văn Thưởng: Nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện và cấp ủy, chỉ huy các cấp, trước hết là cán bộ chủ trì cấp ủy, đơn vị; là một trong những khâu then chốt, đột phá, quyết định đến chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự; gắn liền với chiến lược phát triển GD-ĐT của Quân đội và đất nước, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Vì vậy, cùng với tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, đề án về GD-ĐT, KHCN, Học viện nỗ lực đổi mới toàn diện, đồng bộ quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH. Gắn kết chặt chẽ giữa NCKH với đào tạo, với thực tiễn Quân đội và đất nước.
Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định đến chất lượng GD-ĐT. Do đó, Học viện luôn quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác GD-ĐT. Bên cạnh đó, Học viện đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành hoạt động GD-ĐT, NCKH; đồng thời mở rộng hợp tác trong và ngoài nước về GD-ĐT, khoa học-công nghệ, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GD-ĐT, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!