Học viên Lào về cơ sở 'ba cùng' với dân

Với phương châm 'Học đi đôi với hành', gắn lý luận với thực tiễn, từ ngày 15/9 đến ngày 6/10, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đưa các học viên Lào, Khóa D37 xuống cơ sở tham gia đợt hoạt động thực tế chính trị - xã hội. Trong thời gian 3 tuần, học viên Lào D37 đã được 'ba cùng' cùng ăn, cùng ở, cùng làm tại các gia đình ở xóm Xối Tây, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Cơ hội để trải nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam

Tại địa phương, học viên Lào được nghe báo cáo về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh trật tự tại xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Bên cạnh đó, cũng như học viên các lớp tham gia thực tế chính trị xã hội, mỗi học viên Lào được sinh hoạt với người dân như những người trong gia đình, tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, dọn dẹp đường sá, nhà văn hóa, nghĩa trang, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tham gia chương trình tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC&CNCH; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông và phòng, chống ma túy trong học đường cho học sinh trên địa bàn; tham gia các hoạt động thể dục thể thao và được bổ túc thêm Tiếng Việt với người dân nơi đây.

Thông qua những hoạt động thiết thực này, đã góp phần giúp học viên Lào hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, hiểu về tình hình chính trị - xã hội địa phương cũng như hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, tinh thần vì nhân dân phục vụ của lực lượng CAND.

Giảng viên trường Đại học PCCC và học viên Lào tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông, PCCC cho học sinh xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Nam Định.

Giảng viên trường Đại học PCCC và học viên Lào tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông, PCCC cho học sinh xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Nam Định.

Đặc biệt, trong thời gian tham gia thực tế chính trị - xã hội của học viên cũng là thời điểm tại địa phương diễn ra nhiều lễ hội, nhiều công việc liên quan đến phong tục tập quán đặc trưng của người dân tại xã Nam Thanh, huyện Nam Trực như Hội làng truyền thống thôn Xối Tây, Tết Trung thu… là điều kiện thuận lợi cho học viên Lào tham gia, trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người dân địa phương.

Học viên Kẹo-nạ-khon Sụ-lị-vông-sả, Lớp D37- Lào cho biết: “Ở nước em không có lễ hội Trung thu, lần đầu tiên em được tham dự lễ hội này, em rất vui và háo hức vì được biết thêm một phong tục của Việt Nam. Trong buổi giao lưu văn nghệ, chúng em tham gia một bài hát và một điệu múa cổ truyền của Lào, mọi người xem và cổ vũ rất nhiệt tình”.

Học viên Pa-lin-nha Thếp-phạ-vông-sả, Lớp D37-Lào thì chia sẻ: “Chúng em về đây được các bác, cô chú tiếp đón rất nhiệt tình. Biết chúng em là học viên ngoại quốc, mọi người hướng dẫn tận tình cho chúng em từ cách phát âm Tiếng Việt, cách ăn, ở, sinh hoạt của người dân địa phương nơi đây. Mặc dù có nhiều phong tục lạ đối với chúng em nhưng những tình cảm ấm áp, thân thiện của người dân cho chúng em cảm giác như được về nhà của mình vậy”.

“Đi dân nhớ, ở dân thương”

Hằng ngày, ngoài các hoạt động tập thể, học viên Lào còn giúp các gia đình ở cùng những công việc nhà như nấu ăn, quét dọn nhà, dọn dẹp vườn, tưới cây, nhổ cỏ… Biết có học viên ngoại quốc tham gia thực tế chính trị xã hội, mỗi tối người dân trong xóm thường sang quầy quần, giao lưu trò chuyện với học viên Lào. Sự nhiệt thành, thân thiện của học viên Lào đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng mỗi người dân xã Nam Thanh.

Chị Đào Thị Huyền, người dân tại xóm Xối Tây, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Nam Định cho biết: “Từ ngày có các em ấy ở cùng, không khí gia đình rôm rả hẳn. Cả nhà mình ai cũng coi các em như con cháu trong nhà. Hằng ngày, các em rất chăm chỉ giúp đỡ, hỗ trợ một số công việc trong gia đình. Những hôm chuẩn bị Trung thu, các em còn tập múa điệu múa Lào để tham gia giao lưu văn nghệ, bà con trong xóm biết sang xem và cổ vũ rất đông vui. Thế nên lúc chia tay, cả nhà ai cũng bịn rịn vì không biết bao giờ mới có cơ hội được gặp lại”.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn, giáo viên chủ nhiệm lớp D37-Lào, Trường Đại học PCCC chia sẻ: “Đợt thực tế này, các em được sinh hoạt với các hộ gia đình người Việt giúp học viên Lào học thêm được ngôn ngữ giao tiếp Tiếng Việt, có cơ hội tìm hiểu về vùng đất, con người Việt Nam, có sự so sánh, nhận thức sự đa dạng trong văn hóa vùng miền, tránh bỡ ngỡ sau này khi phân công công tác. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để học viên Lào rèn luyện nhân cách nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật và các kỹ năng trong cuộc sống, đặc biệt là kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các làng nghề Việt Nam”.

Minh Nguyệt - Nguyễn Nhung

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/hoc-vien-lao-ve-co-so-ba-cung-voi-dan-i709551/