Học viện Ngoại giao: Vì sao điều chỉnh quy mô đào tạo?
Đại diện Học viện Ngoại giao đã thông tin về việc tăng quy mô đào tạo và nguồn thu nghiên cứu khoa học không có thu.
Ngành Ngôn ngữ Anh từ tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp nhất đến đạt tỷ lệ 100%
Theo báo cáo ba công khai trong 4 năm học (từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022), ngành Ngôn ngữ Anh từ tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp thấp nhất đã vượt lên top cao.
Cụ thể, theo báo cáo 3 công khai năm học 2018-2019, ngành Ngôn ngữ Anh có tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp nhất với 80%, tiếp đó là ngành Kinh tế quốc tế 85%; Quan hệ quốc tế đạt 90%; Ngành Truyền thông quốc tế và Luật quốc tế đều đạt 95%.
Năm học 2021-2022, ngành có tỷ lệ việc đứng cuối danh sách là Luật quốc tế với 91,4%; Quan hệ quốc tế: 95,6%; Truyền thông quốc tế: 96,9% và Kinh tế quốc tế: 97,8%.
Ngành Ngôn ngữ Anh theo dữ liệu tại báo cáo 3 công khai năm học này cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm đã ở mức 100%.
Tại cuộc làm việc với phóng viên liên quan đến các nội dung trong báo cáo 3 công khai và đề án tuyển sinh, Học viện Ngoại giao có giao cô Nguyễn Thị Thìn - Trưởng Ban Đào tạo; cô Hoàng Mai Hương – Quyền Trưởng phòng Đào tạo đại học; thầy Nguyễn Tuấn Hiệp – Quyền Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên.
Lý giải tỷ lệ sinh viên có việc làm của ngành Ngôn ngữ Anh bứt phá sau 4 năm, thầy Nguyễn Tuấn Hiệp - Quyền Trưởng phòng Công tác Chính trị và Quản lý sinh viên cho biết, hiện nay các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Đó là một trong những chỉ số thể hiện chất lượng, tạo dựng sự tín nhiệm cho phụ huynh và thí sinh khi lựa chọn đăng ký tuyển sinh. Từ việc công khai trên, các trường sẽ có những điều chỉnh trong chương trình và hình thức đào tạo nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu của xã hội.
“Trước đây, nhiều người thường quan niệm học ngành Ngôn ngữ Anh khi ra trường chủ yếu làm việc liên quan đến giảng dạy tiếng Anh. Tuy nhiên quan niệm này có phần hạn chế. Trên thực tế, các sinh viên của Học viện ngoại giao với kiến thức chuyên môn nền tảng, không chỉ trong lĩnh vực Ngôn ngữ Anh mà còn trong lĩnh vực liên ngành và kỹ năng đa dạng đã được đào tạo bài bản, có nhiều cơ hội việc làm phù hợp trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, thầy Hiệp nói.
Bên cạnh đó, nhằm tạo sức cạnh tranh cho sinh viên trên thị trường lao động, trong những năm qua, Học viện đã chú ý đầu tư cho học phần hướng nghiệp trong chương trình đào tạo.
Theo đó, hàng năm, sinh viên tham gia học phần hướng nghiệp để được trang bị thêm nhiều kỹ năng thiết yếu chuẩn bị cho quá trình hội nhập vào môi trường việc làm: từ những kỹ năng mang tính kỹ thuật như cách trả lời phỏng vấn và chuẩn bị hồ sơ xin việc chuyên nghiệp đến những kỹ năng chuyên sâu như kỹ năng soạn thảo các loại văn bản, kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng quản lý và lãnh đạo hay nghiệp vụ lễ tân áp dụng cho các cơ quan, doanh nghiệp …
Nhờ vậy, sinh viên Học viện Ngoại giao nói chung, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng có thêm được lợi thế và tự tin đón nhận các cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ trong lĩnh vực công như các Ban, Bộ, ngành, mà còn ở các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức tài chính, ngân hàng, các tổ chức quốc tế…
Quy mô đào tạo của Học viện Ngoại giao liên tục tăng
Theo Đề án tuyển sinh của nhà trường cho thấy, năm học 2021-2022, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy là 3.084 và đào tạo sau đại học là 232. Năm học 2022-2023, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy là 4.506 và đào tạo sau đại học là 265. Đến năm học 2023-2024, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy là 5.932 và sau đại học là 322.
Theo đề án án tuyển sinh năm 2022, về số lượng giảng viên, Học viện có 201 giảng viên (3 giáo sư, 19 phó giáo sư- tiến sĩ, 53 tiến sĩ và 126 thạc sĩ).
Theo đề án tuyển sinh năm học 2023, Học viện có sự gia tăng về số lượng giảng viên, nhà trường có 243 giảng viên (4 giáo sư, tăng 1; 17 phó giáo sư - tiến sĩ, giảm 2; 53 tiến sĩ, tăng 25 và 169 thạc sĩ, tăng 43).
Lý giải về việc tăng quy mô đào tạo liên tục trong các năm gần đây, đại diện các phòng ban của Học viện cho biết, việc gia tăng quy mô đào tạo nằm trong một đề án tổng thể, trong đó xem xét đến nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế của đất nước ngày một đa dạng hơn, đi vào chiều sâu và mở rộng ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Bên cạnh những thành tựu truyền thống trong việc đào tạo cán bộ/chuyên gia tham gia vào lĩnh vực đối ngoại của khối bộ ngành trung ương và địa phương, Học viện Ngoại giao có trọng trách tiên phong đóng góp cho quá trình hội nhập sâu rộng và toàn diện này.
Tăng quy mô đào tạo theo lộ trình trở thành một cơ sở đào tạo công thực hiện chủ trương tự chủ về tài chính của Học viện Ngoại giao dựa trên những đánh giá cụ thể về nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, dựa trên sự chuẩn bị cả về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực của Học viện.
Về cơ sở vật chất, Học viện đã xây dựng thêm một tòa nhà 7 tầng mới với các phòng học, phòng hội thảo với phương tiện hiện đại, chỉnh trang tòa nhà thư viện rộng lớn, xây dựng Thư viện số, cải tạo lại tòa nhà 7 tầng cũ và ký túc xá… Có thể nói, đây là những thay đổi vượt bậc của Học viện so với trước.
Nhiều ngành mới được mở
Năm học 2022-2023, Học viện Ngoại giao tuyển sinh một số ngành học mới như ngành Châu Á - Thái Bình Dương học (160 chỉ tiêu chia đều cho các lớp Hàn Quốc học - Trung Quốc học, Nhật Bản học và Hoa Kỳ học); ngành Luật thương mại quốc tế với 100 chỉ tiêu.
Trả lời câu hỏi về việc nhà trường mở một số ngành học mới nêu trên, đại diện nhà trường cho hay, việc mở các các ngành học trên được thực hiện dần từng bước trong 10 năm qua. Đó đều là những ngành thuộc về thế mạnh của Học viện và có nhu cầu cao trên thị trường lao động.
Trên thực tế, hằng năm số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường và điểm trúng tuyển đầu vào của Học viện Ngoại giao đều rất cao cũng phần nào cho thấy hướng đi đúng đắn của Học viện đã được xã hội tiếp nhận tích cực.
Đội ngũ giảng viên của Học viện Ngoại giao được đào tạo bài bản, rất nhiều người tốt nghiệp bậc đại học và sau đại học ở các trường danh tiếng ở nước ngoài, có kinh nghiệm thực tiễn công tác trong lĩnh vực đối ngoại là một ưu thế của Học viện.
Bên cạnh đó, Học viện đặc biệt coi trọng và xây dựng chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt với các đối tác từ các nước có nền giáo dục và đào tạo tiên tiến, coi đây là lĩnh vực ưu tiên, mở ra các chương trình trao đổi học thuật và giao lưu văn hóa cho sinh viên và giảng viên Học viện, đồng thời là cơ hội để Học viện học tập kinh nghiệm nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, vươn tới chuẩn khu vực và quốc tế.
Học viện cũng rất quan tâm đến công tác hướng nghiệp cho sinh viên, đẩy mạnh việc đưa sinh viên đi thực tập ở các đơn vị của Bộ Ngoại giao, đồng thời tìm kiếm và ký kết các văn bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các hãng thông tấn, phát thanh, truyền hình, một mặt mở ra nhiều cơ hội để các nhà tuyển dụng tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo tại Học viện, mặt khác tạo nhiều điều kiện cho sinh viên thực tập tại các đơn vị tuyển dụng, để từ đó sinh viên có thể định hình được con đường phát triển sự nghiệp của bản thân, đồng thời nỗ lực hành động để đạt được mục tiêu đó.
Không còn ngân sách nhà nước cấp từ năm 2021
Cũng theo tìm hiểu qua báo cáo 3 công khai, mức học phí đối với các chương trình đào tạo chính quy có tăng. Nhưng tăng nhiều nhất là chương trình đào tạo tiến sĩ năm học 2021-2022 có mức học phí là 43,1 triệu đồng, tăng 22,9 triệu đồng so với năm học 2018-20219 (tổng học phí là 129,3 triệu đồng/khóa học, tăng 68,6 triệu đồng/khóa học so với năm học 2018-2019)...
Liên quan đến mức học phí áp dụng cho các chương trình đào tạo trên, đại diện Nhà trường chia sẻ: “Kể từ năm 2021, nhà trường thực hiện tự chủ và cũng từ năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí, trong đó có quy định cụ thể đối với các trường đại học tự chủ. Khi Chính phủ có chỉ đạo các trường không tăng học phí đối với các bậc đào tạo để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 và chia sẻ khó khăn với người dân, Học viện đã thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo này”.
Thực tế là tất cả các trường khi triển khai chủ trương tự chủ đều gặp phải không ít khó khăn khi không còn nguồn ngân sách từ nhà nước. Trong bối cảnh đó, khó khăn đối với Học viện là phải có chính sách, nguồn lực phù hợp để thu hút các giảng viên giỏi trong nước và quốc tế; Tiếp tục cải thiện môi trường, trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ cho công tác đào tạo; Đầu tư sâu sắc và toàn diện để cải tiến các chương trình đào tạo; Phát triển thư viện, giáo trình, học liệu; Đầu tư bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực thường xuyên và lâu dài; Đầu tư phát triển theo hướng số hóa; Tiến hành kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế… Tất cả những biện pháp và đầu tư này đều nhằm mục tiêu ngày một nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ cho lợi ích của người học, đáp ứng chuẩn đầu ra và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội".
Không có nguồn thu từ khoa học công nghệ
Theo báo cáo 3 công khai cho thấy, những năm qua, phần thông tin nguồn thu từ các hoạt động từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Học viện Ngoại giao đều bỏ trống. Theo tính toán của phóng viên qua số liệu từ báo cáo 3 công khai, Học viện ngoại giao không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Theo phần công khai thông tin về các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn, năm học 2018-2019, nhà trường có 4 dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 2 dự án về truyền thông có kinh phí thực hiện tổng là 230 triệu đồng.
Năm học 2019-2020, nhà trường có 8 dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó 6 dự án có tổng số kinh phí thực hiện là 3,030 tỷ đồng.
Đơn cử như Dự án Cơ sở lý thuyết về hợp tác kinh tế toàn diện giữa một số quốc gia Liên kết kinh tế khu vực chiếm 2,5 tỷ đồng.
Năm học 2020-2021, nhà trường có 17 dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ có tổng số kinh thực hiện là 1,87 tỷ đồng.
Năm học 2021-2022, nhà trường có 19 dự án,nhiệm vụ khoa học công nghệ có tổng kinh phí thực hiện là 2,1 tỷ đồng.
Về nội dung trên, cô Hoàng Mai Hương – Quyền Trưởng phòng Đào tạo đại học lý giải: "Đào tạo là một trong các mảng công tác chính của Học viện Ngoại giao. Là đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao, Học viện có các Viện nghiên cứu như Viện nghiên cứu chiến lược và ngoại giao, Viện Biển Đông, thực hiện các chức năng nghiên cứu, dự báo, tham mưu chính sách cho Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao và Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại phục vụ cho nhu cầu nâng cao năng lực cán bộ đối ngoại cho tất cả các bộ ngành trung ương và địa phương. Ở những mảng này, nguồn chi cho các hoạt động là từ ngân sách của nhà nước", cô Hương cho hay.
Sứ mạng, Tầm nhìn và Văn hóa của Học viện Ngoại giao ban hành Theo Quyết định 1269/QĐ-HVNG ngày 27/12/2018 Học viện Ngoại giao nêu rõ:
"Sứ mạng: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế chuyên sâu của đất nước.
Tầm nhìn: Giữ vững vị trí số một tại Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế một cách toàn diện, phấn đấu tới 2030 vươn lên nhóm dẫn đầu khu vực
Văn hóa: Năng động - Sáng tạo - Tầm nhìn; Chất lượng - Toàn diện - Hội nhập".