Học viện Quốc phòng phải nắm vững vấn đề, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi đến thăm, làm việc tại Học viện Quốc phòng, học viện cao nhất trong hệ thống nhà trường quân đội, sáng 26/11.
Nói chuyện với cán bộ, giảng viên của Học viện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, Học viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao. Học viện đã cải cách, đổi mới phương thức đào tạo.
Nhân dịp này, Thủ tướng trao đổi về các vấn đề lớn mang tính thời sự về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của nước ta trong thời điểm chuẩn bị kết thúc năm 2020, một năm có nhiều biến động lớn trên toàn cầu, khu vực và kết quả của Hội nghị ASEAN lần 37 vừa kết thúc mà Việt Nam là nước Chủ tịch.
Năm nay, chúng ta hứng chịu đợt thiên tai lịch sử, “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, gây thiệt hại rất lớn mà chưa thể khắc phục được ngay trong nhiều năm. Trong tình hình đó, lực lượng quân đội “đã lăn xả để hỗ trợ cứu giúp nhân dân”, tìm kiếm người mất tích”. Thiên tai, bão lũ tiếp tục “thử thách” tấm lòng, trách nhiệm của quân đội đối với nhân dân. Hiện nay, nhiều đơn vị quân đội đang cùng chính quyền địa phương, nhân dân khắc phục từng bước hậu quả bão lũ. “Tôi đã yêu cầu Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Quân khu 4 có những phương án cụ thể cùng các địa phương khắc phục”, Thủ tướng nói. Giúp dân chống bão lũ, hạn mặn là thể hiện tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”.
Thủ tướng cũng nhắc lại “câu chuyện” chống dịch COVID-19 và tại cuộc họp vào ngày mùng 3 Tết Canh Tý, Thủ tướng đã tuyên bố “chống dịch như chống giặc”, áp dụng các phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong quân đội đối với dịch này. Chúng ta đã triển khai sớm, trong đó huy động lực lượng quân đội, các doanh trại, các trường quân sự sẵn sàng phương án để làm nơi cách ly tập trung. Nhiều nơi các chiến sĩ phải ngủ võng, nhường giường, nhường doanh trại để làm nơi cách ly tập trung.
Ngay từ đầu, chúng ta xác định chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh. Và đến nay, cơ bản thực hiện thành công mục tiêu kép.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Đời sống người dân được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra (dưới ngưỡng 4%). Xuất siêu ở mức kỷ lục, trên 20 tỷ USD.
Một ví dụ Thủ tướng đưa ra là trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã xây dựng được 60 nhà máy chế biến nông sản (riêng năm 2020, đã xây dựng 12 nhà máy chế biến quy mô lớn) để hạn chế tối đa tình trạng “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa”. Năng lực sản xuất của chúng ta được nâng lên rất đáng mừng. Phong cách làm việc chúng ta cũng thay đổi, chuyển sang làm trực tuyến nhiều hơn. “Với sự phấn đấu toàn diện như vậy, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố”, Thủ tướng bày tỏ và dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay”.
Về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng cho biết, đây là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của nước ta, là hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 và “có thể nói năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công tốt đẹp, toàn diện”, chúng ta đã chuyển đổi nhanh từ trực tiếp thành trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì và đồng chủ trì, điều hành 15 hội nghị cấp cao, 10 hội nghị cấp cao bên lề. Hội nghị đã thông qua hơn 80 văn kiện, số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Hội nghị đã nhất trí thông qua các biện pháp mới về phòng, chống dịch của COVID-19 với các sáng kiến của Việt Nam như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Kế hoạch phục hồi tổng thể trong phòng, chống dịch cũng như sau đại dịch…
Hội nghị cũng đã thông qua con đường đi tới tương lai của ASEAN, Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước Cộng đồng ASEAN. Vấn đề Biển Đông được nâng lên tầm mức cao, với đầy đủ các nội hàm quan trọng: hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế (UNCLOS 1982), bảo đảm tự do hàng không, hàng hải, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tiến tới đạt COC thực chất, hiệu quả, đúng pháp luật.
Tại Hội nghị, 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác đã ký Hiệp định RCEP, hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng, tại Hội nghị vừa qua, các ưu tiên kế hoạch đề ra đều đạt, thậm chí ngoài dự kiến, tạo tiền đề cho ASEAN tiếp tục phát triển trong thời gian đến. Hội nghị đã khẳng định các xu thế chung, đó là xu thế đoàn kết ASEAN là điều kiện tiên quyết trong đa phương, độc lập, tự chủ. Đối thoại và hợp tác là cơ sở cho hòa bình, ổn định. Việt Nam đã kiên quyết, khéo léo, hài hòa, có vai trò quan trọng trong thành công hội nghị.
Thủ tướng nêu rõ, Học viện cần phải tiếp tục nắm vững bản chất của vấn đề có liên quan, đặc biệt lợi ích cốt lõi của từng đối tác để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và những vấn đề quan trọng mà Đảng ta đã đưa ra. Tiếp tục có phương án đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là thời điểm các sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, bầu cử Quốc hội khóa XV.
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 31 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tới Học viện và “khẳng định rằng Đảng, Nhà nước và quân đội ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới để đưa đất nước chúng ta phát triển nhanh, bền vững”.