Học viện Y-Dược học cổ truyền VN: Hàng loạt thông tin không được kê theo TT08
Theo Đề án tuyển sinh 2024, năm nay Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam sẽ tăng 50 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước.
Theo thông tin đăng tải trên website, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam có sứ mạng đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, chuyên sâu về Y học cổ truyền, Y khoa, Dược học và các ngành khác thuộc khối ngành sức khỏe; nghiên cứu khoa học, thừa kế, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; chuyển giao tri thức, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại, dịch vụ khác đáp ứng yêu cầu phục vụ xã hội và đất nước.
Về tầm nhìn là trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trong nước và khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại góp phần phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam hiện có địa chỉ trụ sở tại số 2, đường Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông (Hà Nội). Hiện Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Huy làm Giám đốc Học viện; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Bình làm Chủ tịch hội đồng Học viện.
Ngày 16/5/2024, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1522/QĐ-HVYDCT ban hành Đề án tuyển sinh năm 2024 và đăng trên website của trường.
Năm nay, Học viện dành 500 chỉ tiêu đối với ngành Y học cổ truyền; 250 chỉ tiêu đối với ngành Y khoa và 250 chỉ tiêu đối với ngành Dược học.
Qua tìm hiểu của phóng viên, tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được trường công khai trong Đề án tuyển sinh 2024.
Truy cập theo đường link được nêu cho thấy kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 được nhà trường tổng hợp trong báo cáo vào ngày 30/11/2023.
Với kết quả từ báo cáo này, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm/tổng số sinh viên tốt nghiệp là y hệt nhau. Cụ thể đạt 98,95% đối với ngành Dược học; 98.81% đối với ngành Y khoa; 96,90% đối với ngành Y học cổ truyền.
Từ bảng số liệu trên cũng cho thấy, số sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo của trường chiếm 59,9%; số sinh viên có việc làm liên quan đến ngành đào tạo là khoảng 9,8%; không liên quan đến ngành đào tạo là khoảng 3%; số sinh viên tiếp tục học là 24,9% và chưa có việc làm là 2,4%.
Đối chiếu theo thông tin trong Đề án tuyển sinh 2024 của Học viện, phóng viên cũng thấy rằng, 2 năm gần đây, ngành Y dược cổ truyền có số nhập học ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh; ngành Dược học và ngành Y khoa có số nhập học nhiều hơn chỉ tiêu.
Về điều kiện bảo đảm chất lượng, Đề án tuyển sinh 2024 thông tin, việc công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam thực hiện theo đường link http://vutm.edu.vn/vi/cong-khai-theo-thong-tu-36.nl.html.
Đối sánh thông tin công khai của Học viện so với biểu mẫu về các điều kiện đảm bảo chất lượng tại Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT cũng nhìn thấy rõ những điểm khác biệt.
Về quy mô đào tạo, có thể thấy rằng, theo bảng công khai của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam sẽ chỉ thấy được thông tin về quy mô đào tạo của khối ngành. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT sẽ thấy rõ được thông tin quy mô đào tạo về từng lĩnh vực, từng ngành của trường tính đến 31/12 của năm liền kề trước.
Về các thông tin cần nêu về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, nếu theo quy định biểu mẫu báo cáo các điều kiện chất lượng cần nêu trong đề án tuyển sinh theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT, cần phải có các thông tin về "Hội trường, phòng học lớn trên 200 chỗ"; "Phòng học từ 100-200 chỗ"; "Phòng học từ 50-100 chỗ"; "Phòng học dưới 50 chỗ"; Phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên của cơ sở đào tạo", tuy nhiên báo cáo công khai thông tin về cơ sở vật chất của Học viện lại không biểu thị được thông tin này.
Đặc biệt, về đội ngũ giảng viên, báo cáo công khai của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, phóng viên chỉ thấy thông tin công khai về đội ngũ giảng viên cơ hữu, không có giảng viên thỉnh giảng.
Đáng nói, theo yêu cầu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì nhà trường phải kê khai chuyên môn đào tạo, ngành tham gia giảng dạy của giảng viên cơ hữu nhưng 2 nội dung này không có trong bảng kê của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng, Đề án tuyển sinh 2024 của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam không kê khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo mẫu quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.
Đối chiếu theo các báo cáo 3 công khai theo đường link nhà trường nêu trong Đề án tuyển sinh 2024, về quy mô đào tạo hiện tại (dữ liệu tháng 05/2023), phóng viên thấy rằng, Học viện có 8 người học đối với hệ đào tạo trình độ tiến sĩ; 83 người học đối với hệ đào tạo thạc sỹ và 5.173 sinh viên đại học chính quy. Thông tin về sinh viên tốt nghiệp trong báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm 2023 cũng cho thấy, năm vừa qua, trường không có sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc; có 2.63% số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi; 54.27% số sinh viên tốt nghiệp loại khá.
Thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam tại báo cáo công khai nêu, hiện trường có tổng số 519 giảng viên cơ hữu, trong đó không có giảng viên nào là giáo sư, có 42 phó giáo sư; 164 tiến sĩ; 321 thạc sỹ; 13 người trình độ đại học và 19 người trình độ khác (bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, bác sĩ nội trú).
Bên cạnh đó, theo số liệu từ báo cáo công khai thông tin cơ sở vật chất của Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam năm 2023, diện tích đất/sinh viên của học viện hiện đạt 4,09 m2.
Tiêu chí 3.1, Tiêu chuẩn 3 tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nêu rõ “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.
Đối với tài chính, theo báo cáo công khai tài chính cơ sở giáo dục năm 2023, tổng thu năm của Học viện là 109,718 tỷ đồng, trong đó, từ ngân sách chi thường xuyên là 20,466 tỷ đồng; thu từ học phí là 77,900 tỷ đồng; thu từ hoạt động đào tạo là 9,606 tỷ đồng; thu khác là 1,746 tỷ đồng; không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, tại Đề án tuyển sinh 2024, phóng viên thấy rằng, sau mục "Thời gian dự kiến tuyển sinh các đợt trong năm" tại phần II. Tuyển sinh đào tạo chính quy, Học viện không nêu thông tin về các mục: Việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro; Thông tin tuyển sinh các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Thông tin về doanh nghiệp hợp tác đào tạo; Các thông tin triển khai áp dụng cơ chế đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học (không trái các quy định hiện hành) mà đi thẳng sang mục Tài chính.
Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;...
Về mức học phí, Đề án tuyển sinh 2024 nêu rõ, từ năm học 2024-2025, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam thực hiện thu học phí theo lộ trình quy định tại Điều 11 Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Cụ thể, năm học tới, các ngành học của trường (Ngành Bác sĩ Y Khoa; Ngành Bác sĩ Y học cổ truyền; Ngành Dược sĩ đều áp dụng mức học phí là 2.760.000 đồng/tháng (tương ứng 27.600.000 đồng/năm học).
Về tài chính, theo Đề án tuyển sinh 2024 của Học viện thông tin, tổng nguồn thu hợp pháp/năm 2023 của Học viện là 146,5 tỷ đồng. Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh là 29 triệu đồng.