Hơi ấm đêm xuân
Tôi gọi anh là “anh Ba” cho thân tình. Đường khuya. Những ngọn đèn thành phố trổ xuống mặt đường đã bắt đầu nhòe mờ. Đèn lúc nào cũng thế thôi, chẳng có thay đổi gì nhưng có lẽ càng về khuya, phố càng vắng vẻ và sương càng phủ mờ các ngả đường, hẻm nhỏ nên tôi có cảm giác đèn mờ hơn ban nãy.
Ngồi sau lưng anh, tôi cảm thấy ấm. Hình như chiếc áo khoác màu xanh lá cây rộng thùng thình của anh đã che chắn gió cho tôi. Chiếc Dream của anh cũ nhưng vẫn êm, lướt qua những ngã tư đường một cách cẩn thận.
Khuya, thành phố vẫn nhộn nhịp theo một cách riêng. Những xe hủ tiếu mì bên lề đường còn kót két, dưới ánh đèn nhập nhoạng vẫn không che được nỗi lo mưu sinh hằn in trên khuôn mặt của người chủ già. Những người lao công với tiếng chổi xác xao dưới lòng đường. Những người vô gia cư vớ được bậc tam cấp nhà nào hay ghế đá ở công viên rồi nằm ngủ say sưa, mặc kệ nhân tình thế thái.
- Khuya rồi, sao anh Ba không về với chị cho chị vui?
- Tôi hỏi đưa đà, sợ anh buồn ngủ. Anh cười khì, nói giọng hiền khô:
- Quen rồi! Khi nãy tôi có tạt qua nhà thăm hai mẹ con, thấy cả hai ngủ say, tôi không đánh thức. Chạy thêm vài cuốc nữa, gọi là “kiếm thêm”.
Tôi không đáp, lảng đi. Đường vẫn còn xa, từ bến xe sang trung tâm thành phố ban ngày cũng mất hơn giờ đồng hồ, khuya vắng hơn nên độ tầm nửa tiếng sẽ đến. Anh Ba chạy cẩn thận, nhất là ở những ngã tư. “Tết nhất, bọn trẻ chạy xe kinh lắm, cô ơi!”
- Anh dí dỏm. Tôi cười:
- Cứ đổ lỗi cho bọn trẻ suốt. Chẳng phải ngày còn trẻ, anh, tôi hay bất kỳ ai cũng dữ dội vậy sao anh Ba?
Chúng tôi cười ríu ran. Đường về càng thêm ngắn.
Giáp tết, thành phố đẹp ngay cả trong đêm khuya thưa vắng người. Hai bên đường, thoảng tôi lại thấy hàng trăm chậu hoa vạn thọ đặt san sát nhau, những đống dưa hấu, dưa hoàng kim được xếp khéo léo theo hình nón. Người trông hàng đã ngủ gật trên manh chiếu tự bao giờ, tấm chăn mỏng trùm lên kín cổ, chiếc nón lá rách tươm úp xuống mặt là có được một giấc ngủ say. Tự dưng tôi cảm thấy chạnh lòng. Ngày xưa, tôi cũng từng như vậy. Những đêm khuya ba má xếp dưa xuống chiếc ghe cũ chẳng mấy chốc lại róc rách nước, rồi rời bến khi trên trời vẫn còn lấp lánh sao. Anh em tôi ngồi ở khoảng trống sau đống dưa, ngả đầu vào một quả dưa to nào đó rồi ngủ thiếp đi cho đến khi mở mắt ra thì chiếc ghe đã đến chợ. Chợ râm ran trong sớm mai đầy nắng.
Những ký ức đó, tôi không sao quên được.
- Cô nghĩ gì mà đăm chiêu vậy? Buồn ngủ không cô? Sắp đến nơi rồi!
Tôi giật mình, chiếc áo khoác xanh Grab vẫn phồng lên, lồng vào trong đó bao nhiêu là gió xuân se se lạnh.
- Không, tôi chỉ nhớ một vài ký ức vụn vặt. Khi nãy tôi đã ngủ say trên xe.
- Đường từ dưới quê lên thành phố giờ chắc thông thoáng hơn trước, phải không cô? Tôi nhớ ngày bé, tôi đi tuyến đó một vài lần, đường xấu lắm, phải qua nhiều lần phà mới đến.
Tôi “Dạ” nhẹ hẫng, chợt tôi hỏi anh:
- Anh Ba cũng là người quê?
Giọng anh Grab trầm buồn:
- Dạ, nhưng tôi đã xa xứ mấy chục năm rồi, cô ơi! Từ khi tôi còn nhỏ xíu.
- Ba má anh vẫn còn khỏe mạnh hả anh Ba?
Anh lắc đầu:
- Tôi không nhớ rõ. Ký ức của tôi về quê nhà là một vùng sông nước êm đềm, một xóm nhỏ giữa bốn bề ruộng rẫy. Gần tết, người ta trồng đầy dưa hấu, hoa vạn thọ. Chỉ bấy nhiêu thôi!
Tôi bàng hoàng, im lặng.
Nơi tôi được sinh ra cũng là vùng quê như anh miêu tả. Từ đó đến thành phố cũng phải mất hơn nửa ngày đường mới đến. Quê tôi đẹp và trù phú, nhất là những khi sắp tết, từ đầu làng đến cuối xóm trải rực một màu hoa vạn thọ. Những luống hoa được người dân tỉ mẩn cho vào chậu, dưa hấu ngoài rẫy được thu hoạch chất đống trước sân nhà rồi phủ lên một lớp rơm mỏng. Hương xuân thoang thoảng khắp vùng.
Kể từ ngày nhỏ, tôi đã nghe mẹ nhắc về anh tôi. Ký ức trong tôi về anh không quá nhiều, có lẽ vì hồi ấy tôi còn bé xíu. Tôi chỉ nhớ những đêm theo ghe chở dưa hấu, chở hoa vạn thọ đi chợ, tôi hay gối đầu mình lên đùi anh tôi và ngủ say. Mặc cho trên trời trăm ngàn vì sao cứ thỏa sức sáng soi xuống trần gian, mặt sông cũng lung linh sao sáng. Rồi một ngày tôi thức dậy trên bến chợ, chiếc ghe vẫn còn đầy dưa hấu, tôi thấy má ngồi khóc thút thít sau lái ghe. Má ôm choàng lấy tôi, nói rằng đã để lạc mất anh tôi trong chợ tết đông đúc năm ấy. Má không tìm được, ba tôi chạy khắp hang cùng ngõ hẻm trong chợ cũng không sao tìm được.
Năm ấy, má tôi đã khóc rất nhiều.
Chúng tôi quyết định ở lại bến chợ vài hôm nữa với hy vọng tìm được anh tôi. Cho đến đêm giao thừa, bên kia sông người ta bắn pháo hoa giòn tan rộn rã. Cho đến mùng một, mùng hai, mùng ba rồi mai vàng bắt đầu rụng lá. Ba má tôi bỏ hết dưa lại trên bến sông, thất thểu trở về xóm trong nỗi buồn trĩu nặng. Không có anh tôi tưới nước, cây vạn thọ trong cái khạp bể ở ngoài mũi ghe chết rũ tự bao giờ...
Đó là cái tết buồn nhất của gia đình chúng tôi. Những hôm ngồi ngoài bờ ruộng, dưa hấu đương hồi xanh lá, ngước mắt lên nhìn trời xanh có áng mây trắng bay ngang qua, tôi thầm mong ở chốn xa, anh tôi được bình an.
Câu chuyện ấy, đến bây giờ, tôi giấu kín trong tim. Những ký ức về anh, tôi trân trọng giữ gìn trong tim. Thời gian dần trôi, nỗi buồn trong tôi và nỗi đau trong tim má cũng dần nguôi ngoai. Ba tôi về với gió trời, ngủ yên giữa rẫy dưa mùa nào cũng xanh mơn mởn.
Những chuyến ghe của chúng tôi vẫn ngược xuôi trên dòng sông quê hương qua mấy mùa tết nữa, cho đến khi tóc má tôi phai màu. Chiếc ghe được kéo lên bờ, trở thành một kỷ niệm mà tôi và má không thể nào quên được.
Lần nào về quê, tôi cũng ra ngắm chiếc ghe. Mưa nắng khiến nó mục ruỗng, sụp xuống, mối mọt ăn vài tấm ván gỗ. Tôi lần tay trên từng mảnh ván, chợt cảm nhận được vị mặn mòi của dòng nước sông mà chiếc ghe chở đầy dưa, hoa vạn thọ năm nào đi qua. Má nói:
- Nhanh quá, mới đó mà má đã già, con đã lớn. Thằng Hai, nếu nó còn sống chắc cũng đã thành gia lập thất. Được vậy, má vui cho nó!
Rồi tôi thấy mắt má chớp chớp. Má quay mặt về sông. Chắc má không muốn tôi thấy má khóc. Tết mà, người ta chỉ muốn nói với nhau những chuyện vui vẻ, sum vầy.
Chiếc xe máy vừa rời khỏi đại lộ, đi trên con đường hàng me. Còn không lâu nữa sẽ đến nhà tôi. Căn nhà không rộng, không sang trọng như những căn nhà khác giữa lòng thành phố nhưng ấm áp và đầy yêu thương. Tôi thỏ thẻ với anh Grab:
- Anh Ba này, tết này anh có định đưa vợ con về quê ăn tết hay ở lại thành phố?
Anh đưa một tay vịn hai mép áo khép lại, chắc lạnh. Gió cuối năm lồng lộng trong lòng phố sắt se. Anh khe khẽ:
- Muốn về lắm, cô ạ! Nhưng ở quê tôi chẳng còn ai thân thuộc, à, nói đúng ra thì tôi chẳng nhớ quê mình ở đâu. Tôi trố mắt:
- Trời, quê mình mà anh không biết ở đâu là sao hả anh Ba? Lặng đi một nhịp, anh trầm ngâm đáp:
- Thú thật với cô, tôi lạc mất gia đình từ khi tôi còn bé xíu. Đời đẩy đưa, cuối cùng tôi lên tận thành phố này mưu sinh, chạy Grab và làm thêm vài việc khác để sống qua ngày, nuôi vợ, nuôi con. Chứ ai mà chẳng có quê hương, đúng không cô?
Tim tôi như lặng đi trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba.
Trong nồng nàn hương hoa vạn thọ thoang thoảng từ hàng hoa bên đường, tôi thoáng thấy mắt mình ươn ướt. Nếu không kìm nén được lòng mình, chắc là tôi sẽ bật khóc. Không hiểu vì lý do gì. Nhưng anh Grab mang lại cho tôi một xúc cảm gia đình, yêu thương chan chứa mà bấy lâu tôi thiếu vắng.
Tôi lau nước mắt rồi im lặng trong thoáng chốc. Có lẽ anh Ba nhận ra được sự kỳ lạ nơi tôi.
Những kỷ niệm năm xưa bất chợt ùa về. Mỗi lần nghĩ về má, về anh, trong đầu tôi đều vang vang câu nói của má:
“Con có đi đâu cũng phải nhớ rằng mình còn một người anh nữa, cũng phải giúp má tìm gặp anh con, nghe út! Bao giờ tìm gặp, lòng má mới yên ổn, mới thanh thản suốt quãng đời ngắn ngủi còn lại”... Câu nói nhẹ nhàng nhưng đầy ám ảnh. Câu nói ẩn chứa khát khao tìm gặp người anh thất lạc năm xưa của tôi, để má bù đắp phần nào những thiếu thốn mà anh tôi phải trải qua trong những tháng năm xa cách.
Xe đã đến đầu ngõ nhà tôi, tôi nói anh Grab dừng lại, tôi lấy trong túi xách tờ 500 ngàn đồng đưa cho anh, nói lì xì bé nhóc nhân dịp năm mới. Anh từ chối. Tôi lại dúi tờ tiền vào tay anh, cuối cùng anh phải nhận. Nhưng tôi thấy anh có vẻ ngần ngại lắm. Tôi nói:
- Cảm ơn anh, anh Ba. Tờ tiền này chẳng đáng gì so với những gì mà anh mang lại cho em trong suốt chuyến đi.
Anh nhìn tôi khó hiểu. Tôi mỉm cười, lí nhí:
- Chúc anh chị và bé nhóc có một năm mới tràn đầy niềm vui và sức khỏe! Anh cảm ơn tôi. Xe nổ máy. Nhưng tôi chợt nghe lời má vang vọng bên tai. Lời má thiết tha, ngọt ngào và trầm ấm đến lạ.
Tôi ngoái lại, gọi vống:
- Anh Ba ơi, anh Ba! Chờ em với!
Tiếng gọi của tôi vang lên trong đêm phố. Tôi sợ anh đi mất, tôi sẽ lạc mất điều quý giá thêm lần nữa.
Và anh Ba ngoái lại. Anh cười hiền. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tự dưng tôi thấy thân thương, thấy đâu đó bóng dáng của ba tôi, má tôi, của người anh trong ký ức tuổi thơ tôi.
Nước mắt tôi tuôn trào...
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hoi-am-dem-xuan-a189004.html