Hơi ấm mùa đông
'Chị ơi, trên này trời trở lạnh rồi!'- 'Ừ, chị biết rồi!'- 'Chỉ thương mấy đứa nhỏ thôi. Trời lạnh mà chỉ phong phanh cái áo mỏng tang, da dẻ cứ tái nhợt đi chị ạ'.- 'Chị chờ gom thêm ít nữa. Cuối tháng này chị gửi lên'.
***
Kết thúc cuộc nói chuyện với Thắm - một cô giáo mầm non tại một bản vùng núi cao, lòng Như nóng như lửa đốt. Như với tay lật cuốn lịch để bàn. Nay mới là giữa tháng. Cuối tháng thì lâu quá mà trời thì ngày càng lạnh. Như nhìn lại những túi đồ quyên góp được. Cũng kha khá rồi. Cô soạn một bài viết ngắn đăng lên face book: “Cả nhà ơi, trên đó lạnh rồi. Lẽ ra đúng dự định thì cuối tháng này Như sẽ đóng đồ gửi lên. Nhưng hôm nay nhắn tin với bạn, Như quyết định sẽ gửi sớm vào cuối tuần này. Vậy nên, ai còn quần áo ấm, chăn mền còn lành lặn và cả đồ chơi không dùng tới nữa thì cho Như xin nhé. Tiện thể, chiều thứ sáu bạn nào rảnh đến giúp Như một tay nhé. Như muốn phân loại các thứ đồ trước khi gửi lên đó ạ!”.
Ðã 5 năm, Như đều “xin” quần áo, đồ dùng như vậy để gửi “tặng” các em nhỏ và người dân một xã vùng cao. Chuyến đi năm ấy Như tình cờ quen Thắm, rồi biết được cuộc sống của người dân nơi đây. Như thương lắm. Trong sâu thẳm tâm hồn cô muốn làm việc gì đó giúp họ. Bạn bè ngoài đời cũng như trên Facebook đã quen với việc làm này của Như nên có khi mới sang thu, có người đã nhắn hỏi cô có quyên góp quần áo ấm nữa không?
Tin vừa đăng lên đã có nhiều người vào bình luận. Người hỏi địa chỉ mang đồ đến, người cảm kích việc làm của Như, chúc cô luôn có sức khỏe và tấm lòng nhân hậu. Mấy em học trò muốn giúp cô phân loại đồ. Như vòng hai tay ôm lấy ngực. Một cảm giác ấm áp, hân hoan dâng lên trong lòng. Ai bảo rằng xã hội hiện đại ngày càng vô cảm, lạnh lùng? Như thấy tại họ chưa chịu mở lòng và quá hoài nghi thôi. Xã hội vẫn ngày càng đẹp thêm và con người vẫn rất tình nghĩa, chân thành, tốt bụng đấy chứ. Bằng chứng là việc làm của Như luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người.
***
Chuyến xe xuất phát từ bốn rưỡi sáng. Nhóm có bốn người, Như và bạn cô. Xe lắc lư, trong làn sương sớm mờ mờ, những cung đường uốn lượn khiến anh tài xế phải chạy chậm lại hết sức thận trọng. Qua cửa kính xe, Như thấy hai bên đường đồi núi bắt đầu hiện dần ra. Những chiếc lá còn đẫm sương đêm, rủ mình cong xuống. Những loài cây không chịu được cái lạnh của mùa đông đang chuyển từ màu xanh dần sang bộ áo vàng phai. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, những chiếc lá vàng kia sẽ rụng hết, để lộ những thân cây khẳng khiu, gầy guộc. Cây có biết lạnh không nhỉ? Như nghĩ vậy rồi chợt nhớ đến những đứa trẻ trên bản. Thiên nhiên có cách riêng để tồn tại qua những mùa đông lạnh giá. Như những loài chim sẽ bay đi tránh rét; những loài ếch, nhái sẽ nằm trong hang, xây kín cửa hang lại mà ngủ đông; những cái cây thì trút sạch lá để dành nhựa sống cho những mầm non chờ những hạt mưa xuân đầu tiên rơi xuống đánh thức, chồi non sẽ cựa mình, đội lớp vỏ cứng xù xì lớn dậy. Qua mùa đông, cây sẽ lại xanh tốt, ếch nhái sẽ lại chui ra khỏi hang và chim sẽ bay về làm tổ, ca hót. Nhưng những đứa trẻ trên bản thì không đi tránh rét được, nhà chúng ở đây, cha mẹ chúng ở đây. Chúng cũng chẳng thể ở mãi trong nhà, còn đi học, đi làm giúp cha mẹ nữa chứ. Những bộ quần áo phong phanh, ngắn trên, hở dưới không đủ ấm. Cái lạnh sẽ làm chúng run rẩy, đôi môi tái nhợt vì rét, những khuôn mặt tím tái. Chúng sẽ bị ho, bị viêm phổi… Như lắc đầu, xua đi mớ ý nghĩ hỗn độn. Cảnh vật đã sáng rõ. Mấy người bạn đi cùng còn đang gục đầu ngủ mơ màng. Như hỏi anh tài xế còn bao lâu thì đến bến xe? Chừng hai tiếng nữa. Như nhắn cho Thắm.
- “Ðể em ra đón chị nhé!”
- “Thôi, để chị đi xe ôm vào. Có cả mấy người bạn cùng đi nữa, mình em đón sao được”.
***
Thắm và hai cô giáo nữa, có cả mấy đứa nhỏ đón nhóm của Như ở đầu bản. Bốn chiếc xe máy dừng lại.
- Ðể chúng tôi chở các cô vào tận nơi luôn.
- Dạ, các anh cho tụi em xuống đây được rồi ạ!
- Nhiều đồ thế này, xách nặng lắm đấy.
- Không sao đâu ạ, đường đi vào cũng không còn xa. Với lại có mọi người phụ giúp rồi mà.
Như xuống xe, khệ nệ bưng mấy túi đồ đặt xuống đất. Vừa lấy tiền trong túi ra vừa hỏi xem bao nhiêu để trả. Anh xe ôm xua tay:
- Bọn tôi không lấy đâu. Chở giúp các cô thôi. Lúc ở bến xe, nghe các cô nói chuyện, tôi biết các cô ở dưới thành phố, mang quần áo ấm lên đây cho các cháu, anh em tôi cũng muốn giúp một tay. Các cô từ dưới đó, lặn lội đường xa lên đây được thì một cuốc xe ôm có đáng là bao. À, cô lưu số điện thoại của tôi nhé, khi nào về gọi chúng tôi đến đón ra bến xe.
Như cảm ơn anh xe ôm, trong lòng không giấu nổi cảm giác ngỡ ngàng và xúc động. Vậy mà lúc đầu Như còn ngài ngại, ngờ vực khi lên xe. Suýt chút nữa, cô đã hiểu nhầm ý tốt của các anh rồi. Như chợt nghĩ, con người thật lạ, khi gặp một chuyện xấu nào đó là bắt đầu hoài nghi, sợ sệt tất cả. Ðến nỗi lòng tốt cũng không dám thể hiện, không dám cho đi và nhận lại.
***
Buổi trưa, lũ trẻ trong bản được thông báo, rủ nhau đến trường mầm non. Vì là thứ bảy, nên trường không học. Một số cha mẹ đưa con mình đến. Số quần áo đã được phân loại ở nhà. Ðồ của người lớn riêng, trẻ em riêng. Khăn mũ, tất len riêng. Như và các bạn phát đồ cho các em nhỏ. Cô hạnh phúc nhìn chúng xuýt xoa sung sướng, ánh mắt long lanh khi mặc vào người những chiếc áo len, áo bông ấm. Bọn nhỏ mặc xong thích thú ngắm nghía, rồi thì thầm:
- Thích quá! Ấm quá!
- Từ nhỏ đến giờ mình chưa được mặc cái áo nào ấm và đẹp như thế này.
Như lấy điện thoại, chụp mấy tấm hình các em nhỏ với nụ cười tươi, rạng rỡ trong những chiếc áo ấm. Những ánh mắt long lanh như xua tan đi cái lạnh mùa đông. Mấy người lớn cũng đến nhận áo, khăn len vừa với mình. Họ cười hiền lành, thèn thẹn nói lời cảm ơn Như và các bạn. Còn Như, cô muốn cảm ơn những người bạn đồng hành; cảm ơn những người đã chung tay với cô để có chuyến đi ngày hôm nay; cảm ơn cả những anh xe ôm không hề quen biết nhưng tốt bụng. Cảm ơn tất cả vì đã cho Như thấy cuộc đời thật đẹp bởi những tấm lòng nhân hậu. Như nhận ra, giữa mùa đông giá rét, hơi ấm tình người đang lan tỏa.
Truyện ngắn của Trương Thị Thúy
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/174815/hoi-am-mua-dong