Hơi ấm mùa xuân
Ở ngôi làng ven sông Thương của tôi, việc đón Tết là một nghi lễ thiêng liêng. Dẫu nơi nào thờ ơ với Tết cổ truyền, thì làng tôi vẫn coi việc đón Tết, nhất là đón giao thừa là thời khắc rất đặc biệt.
Qua mấy ngày Tết, người người, nhà nhà hối hả vào xuân, người làng tôi lại chuẩn bị cho một cái Tết khác của năm tới. Nào là chọn giống lúa cấy trồng, cho đến việc chăm nuôi từ con lợn bột, trồng những rau quả gì để Tết sang năm được đủ đầy hơn.
Dù ai đi đâu, làm gì, bất kể lý do gì đều trở về nhà muộn nhất chiều 30 Tết quây quần cùng ông bà, bố mẹ, con cháu. Bỏ quê, bỏ cội nguồn là tội khó mà tha thứ. Vì vậy, hầu như với người quê tôi, mọi cái hẹn hàn huyên đều nói rất cụ thể “đến Tết nhé”. Không gian quanh làng những ngày này nó trở nên linh thiêng khác lạ.
Vào Chạp, khi rét ngọt thấu xương, sương muối phủ trắng cánh đồng là bắt đầu thu hoạch hành, tỏi. Khắp đường làng, ngõ xóm mùi hành cay nồng. Tầm 20 tháng Chạp trở ra là hầu như những con thuyền lẻ thả rọ tôm trên sông đã chụm về ngủ yên trên bến. Người làng rục rịch mang hành, tỏi phơi được vài nắng ra chợ bán sắm Tết. Chợ Tết xôn xao từ tinh mơ đến sang chiều. Hàng mật mía, hàng lá dong chật cứng. Người làng tôi mua lá dong, lá chít (quê tôi gọi là lá ỏng) về rồi luộc đi để gói bánh cho trắng, cho rền, để lâu thiu. Hồi nhỏ, tôi cũng theo chân các mẹ các chị ra bến sông rửa lá.
Mẹ tôi chọn chỗ bến sông có cát bằng phẳng, nước trong, úp cái rổ sâu lòng xuống rồi ngúi khom mà kê lá lên rửa. Tôi được mẹ cho ngồi cái ghế cao, một tay cầm khăn, một tay cầm lá chuốt trong nước sông cho sạch. Rửa lá xong, các chị quay sang kỳ cọ xoong nồi cho sạch. Cả năm nấu bếp củi nhọ nhem. Những vệt nhọ nồi đen xám trôi lênh phênh. Bây giờ sông ô nhiễm hơn xưa, người làng không ai rửa lá như vậy nữa. Có hôm về qua bến cũ, nhìn hoa cải nở vàng trong nắng lại rưng rưng nhớ cái vệt nhọ nồi trôi trên mặt nước năm nao. Bọn trẻ con chúng tôi thích đi chợ để la cà khắp các hàng.
Mấy cậu em trai thích “chén” quà nên ngó hàng bánh rán, kẹo kéo. Tôi thích ngắm những xanh đỏ kỳ lạ ở hàng vàng mã. Những chú voi giấy vàng, ngựa giấy đỏ cài đầy cờ xí bày la liệt. Nón, mũ, lược, gương, quần áo xinh xinh đều bằng giấy. Có cả hình nhân nam nữ môi đỏ áo xanh. Bà nội bảo, họ mua về đốt thế mạng người trần. Phạm tội gì, hình nhân chịu thay cho vơi đỡ đi chút ít. Nghe vừa sợ vừa cuốn hút. Thật kỳ lạ, có lúc tôi chỉ thích làm cô hàng xén bán vàng mã cho vui. Sau này, có dịp đi nhiều nơi, xem hầu đồng, nghe hát văn mê lăn lóc, giấc mơ chứa đầy xanh đỏ giấy màu cùng bao trăn trở phận người trên trang viết tôi mới thấy, hóa ra những ẩn ức văn hóa đã ở trong mình từ thơ bé.
Người quê đi chợ đa phần gánh đôi quang gánh, giờ hiện đại có xe máy, xe đạp. Người bán người mua cứ hỏi han chuyện trò tíu tít, dường như chuyện tâm tình quan trọng hơn mua bán. Ai cũng có rổ, có làn đựng đồ mang về, ít dùng túi nilong. Nhà tôi hay các gia đình con trưởng trong làng hầu như đều thịt lợn để ăn Tết. Gọi là đụng lợn. Các cô chú cùng với nhà tôi thịt và chia nhau một con lợn của nhà. Bố mẹ dậy sớm đun nước từ gà gáy. Mọi người đến sớm thịt lợn, nhặt rau nấu cháo lòng ăn một bữa cơm nóng sốt rồi mới chia phần. Tôi nhát gan nên chúi vào xó cây rơm khi lợn kêu eng éc. Sau đó thì xem các chú làm thịt lợn, chia phần trên cái nong lớn. Năm bảy phần thịt được chia đều, mỗi loại thịt một miếng, không ai nhiều hơn ai. Quả là tài tình.
Hai chú trẻ khỏe được phân công giã giò. Giã chày tay trong cối đá. Tôi được phân công rót nước mắm, chế hạt tiêu vào cối nếu chú cần. Nhìn mồ hôi túa ướt đẫm lưng áo chú mới thấy công việc chuẩn bị cho ăn Tết không đơn giản. Bố giao cho tôi canh nồi luộc giò, nước sôi phải gọi bố để còn ước lượng thời gian giò vừa chín, không bị kỹ quá. Món nem nướng Liên Chung vị chua bùi, thơm mùi thính gạo giờ là đặc sản. Bánh chưng là vật được dâng cúng trên bàn thờ gia tiên ngay khi vừa chín, người làng gọi là bánh sốt (ý là còn nóng). Các con cháu đều mang đến nhà thờ họ hoặc nhà bác trưởng những cặp bánh đẹp nhất của gia đình mình để dâng cúng tổ tiên. Nét đẹp này vẫn duy trì cho đến hôm nay.
Tôi luôn nhớ không gian chiều Ba mươi Tết. Nó bảng lảng khói sương và có gì bâng khuâng khó tả. Khi mâm cúng tất niên đã xong, mọi công việc trong nhà, ngoài đồng đã gọn ghẽ, người làng lại ra mộ người thân làm lễ mong muốn những người đã khuất về ăn Tết. Vàng hương bay lả tả trong chiều muộn dễ gợi người ta nghĩ rằng, có lẽ, tất cả những người đã mất sẽ trở về làng mùa xuân này bằng một cách nào đó. Bây giờ cuộc sống hiện đại, bận rộn, tục lệ này chỉ còn rất ít gia đình thực hiện. Thay vào đó là đi tảo mộ trước Tết để khấn mời người thân trở về với con cháu. Mấy ngày Tết là dịp quây quần các thế hệ trong gia đình cùng nhau ăn cơm, cùng nhau trò chuyện, hàn huyên mọi điều.
Ai cũng hồi tưởng về thời thơ ấu, về những kỷ niệm ấm áp tình thân. Nhìn ra lối đi ngoài vườn, bụi cây, bờ ao dường như vẫn thấy bóng dáng những người ruột thịt năm nảo, năm nào... Nhớ thương người không còn để rồi chăm sóc tốt hơn cho những người đang hiện hữu. Ngày Tết đã nhóm được mồi lửa lớn từ những đốm lửa nhỏ nhoi ở mỗi người. Giao thừa xong, đêm xuân khe khẽ đến, nằm lặng im nghe tiếng mưa phùn rắc lay phay trên mái ngói, nghe tiếng thở đều đều của lũ trẻ, mới thật sự thấy gia đình là thứ quý giá nhất trên đời. Tình thân là thứ hơi ấm có giá trị lâu bền suốt cõi sống của mỗi cá nhân. Mùa xuân ấm áp hơn vì như thế.
Bình minh ngày mồng Một đầu tiên của năm mới, cái rét cuối cùng chạy qua mái hiên là lúc thèm ngồi bên một ấm trà. Hơi trà nóng bốc lên bỗng dịu dàng khác lạ. Dường như hương thơm có gì đó dịu ngọt, đậm đà, thi vị hơn. Người ngồi uống trà bên ta cũng sẽ là một người đặc biệt. Người tri kỷ là hợp nhất. Hai người có thể lặng im bên nhau, không nói một lời nào đi nữa, thì cũng như đã thấy cả, hiểu cả tâm tư. Khi nhấp chén trà đầu tiên, nếu dành tâm trí ở đây, tại chỗ này, với bạn, thì nó có đủ vị của mùa xuân; ngũ hành luân chuyển, sự sống tươi xanh, cả nhịp đập của những gì tinh khiết và mới mẻ.
Tôi thích thú chơi trà hơn là uống. Đó là chế ra nhiều loại trà thảo mộc khác nhau rồi tùy theo thời tiết, tâm trạng mà hãm uống. Còn không cất vào đủ loại lọ, bình thủy tinh để ngắm. Nếu trời lạnh, lòng vui vẻ sẽ thắp nến lên, đốt một nụ trầm trong phòng, rồi ngồi im một góc nghĩ thứ gì đó và nhẩn nha uống trà hoa hồng táo đỏ. Nếu không vui sẽ hãm bồ công anh và trà búp. Vị của bồ công anh sẽ làm thư giãn tâm trí, trà búp giúp tỉnh táo hơn. Trời nóng sẽ uống trà thanh mát như matcha, mướp đắng, bí đao, gạo lứt, cúc chi.
Mùa xuân, tha hồ thử các loại trà mà không chán. Vị nào cũng sẽ hợp kiểu thời tiết hơi ẩm ướt và không nóng hay lạnh quá. Nhưng có lẽ không có vị trà nào đáng nhớ bằng thứ trà mà bố tôi đã làm ra. Việc chế biến từ búp chè tươi thành khô ông gọi là “sao chè”. Búp chè xanh hái về, sao lên chảo gang lớn, lửa nhỏ, đảo đều tay liên tục hàng mấy tiếng sẽ ra sản phẩm. Nước chè không xanh mà ngả vàng, nhưng thơm ngon khác lạ. Mùi lửa, mùi đất sỏi cơm, mùi nắng gió, mùi lao động nhọc nhằn... quện cả vào hương vị của trà. Hễ uống là nhận ra ngay “chè của bố”. Nhiều vị khách của gia đình tôi đi tận nước ngoài cũng về xin vài ấm trà tự chế mang đi uống. Họ bảo, khi uống, họ tìm thấy vị quê, tìm thấy hơi ấm tình người.
Tết này, bà con ở quê vui vì bán được nhiều hoa sâm (làm trà), củ sâm. Thứ sâm Nam núi Dành nổi tiếng khi xưa đã hồi sinh trở lại, làm giàu cho rất nhiều người. Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung và Hợp tác xã sâm núi Dành Đức Hạnh cùng nhiều trang trại, mô hình sâm ở các xóm đang đưa sản phẩm sâm Nam đến với cộng đồng nhiều hơn. Cái nghèo cái khổ cũng đã vơi đi kha khá khi đường mở rộng, cơ sở vật chất thay đổi. Trẻ em giờ đi học không còn vất vả như thời chúng tôi khi xưa.
Việc ăn Tết đã khác. Bà con cũng mua nhiều thứ ngoài thị trường, nhưng việc đụng lợn, gói bánh chưng, làm chè lam (loại kẹo từ bột nếp, lạc, vừng, ngũ vị) vẫn duy trì. Tôi sống xa làng, nhưng mỗi Tết đều cùng chị họ nấu rất nhiều chè lam để bán. Hầu như mỗi lần ngồi quấy mật là một lần sống lại tuổi thơ bên mẹ. Hồi đó chị em tôi chỉ mong sao chè lam chín, mỗi đứa véo một miếng nóng hổi để ăn. Mẹ có mắng cũng chỉ cười trừ.
Tôi có những vị khách hàng đặc biệt. Mua chè lam ăn vì nhớ mẹ, nhớ bà, nhớ làng, nhớ quê. Có ông giám đốc giàu có mãi Sài Gòn, năm nào cũng đặt mấy chục cân chè lam vị truyền thống để làm quà biếu, ông chia sẻ, ăn vào cảm giác như mẹ mình vẫn sống, vừa làm cho cả nhà món này... Nghe vậy là thấy cảm động, thấy vui... Thức ăn ngày Tết ở quê cũng là thứ nhớ mãi.
Lần nữa thêm khẳng định, hơi ấm mùa xuân sẽ vĩnh hằng, bởi mùa xuân là Tết, là có đủ món ăn ngon, là nồng nàn tình thân sum họp.
Tùy bút Nguyễn Thị Mai Phương
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/418683/hoi-am-mua-xuan.html