Hồi âm: Về đề nghị hưởng trợ cấp đặc thù của Thượng tá Phạm Văn Tú

Phúc đáp Công văn số 137/PCĐ-PBĐCTV ngày 22-8-2024 của Phòng Bạn đọc và Cộng tác viên, Báo Quân đội nhân dân về đơn của đồng chí Phạm Văn Tú, cấp bậc: Thượng tá; chức vụ: Nguyên Chủ nhiệm Pháo binh Sư đoàn 395, Quân khu 3; đã nghỉ hưu từ tháng 6-2019, đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23-2-2009 của Chính phủ, Cục Chính trị Quân khu 3 đã có Công văn số 2249/CT-CS do Đại tá Đoàn Hoài Nam, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu ký. Nội dung công văn cho biết:

1. Quy định về việc quy đổi thời gian công tác ở các ngành nghề, công việc có tính chất đặc thù để hưởng trợ cấp một lần khi thôi phục vụ tại ngũ trong Quân đội: Theo quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23-2-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì sĩ quan có thời gian công tác ở các ngành nghề có tính chất đặc thù được quy đổi thời gian để hưởng trợ cấp một lần khi thôi phục vụ tại ngũ, thôi phục vụ trong Quân đội.

Theo đó, sĩ quan trực tiếp làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong Quân đội thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo các Quyết định số 1085/LĐTBXH-QĐ ngày 6-9-1996, Quyết định số 03/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 7-3-2006 và Thông tư số 20/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28-6-2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì được quy đổi thời gian làm nghề, công việc đó để hưởng trợ cấp một lần khi thôi phục vụ tại ngũ, thôi phục vụ trong Quân đội.

2. Về nguyên tắc, điều kiện xem xét hưởng trợ cấp một lần do quy đổi thời gian làm nghề, công việc đặc thù: Việc xác định đối tượng, chức danh, thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để quy đổi thời gian tính hưởng trợ cấp một lần khi thôi phục vụ tại ngũ theo nguyên tắc đơn vị phải có biên chế chức danh nghề, công việc trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, đồng thời đối tượng phải có quyết định hoặc được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp làm nghề, công việc đó bằng văn bản.

Từ nguyên tắc, điều kiện nêu trên, cơ quan đã tiến hành tra cứu hồ sơ lưu trữ nhưng không có hồ sơ nào chứng minh đồng chí Phạm Văn Tú được giao làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong danh mục quy định. Quá trình công tác tại Lữ đoàn 454 và Sư đoàn 395 (Quân khu 3) qua các chức vụ Trung đội trưởng, Phó đại đội trưởng, Đại đội trưởng, Phó tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng và Trưởng ban Pháo binh của đồng chí Phạm Văn Tú là các chức danh chỉ huy, quản lý đơn vị, không phải là chức danh nghề, công việc trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để quy đổi thời gian hưởng trợ cấp một lần theo Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23-2-2009 của Chính phủ khi thôi phục vụ tại ngũ.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-am-ve-de-nghi-huong-tro-cap-dac-thu-cua-thuong-ta-pham-van-tu-795661