Hồi âm vệt bài 'Tắc nghẽn pháp lý cản dòng phát triển - Tại sao, khơi thông cách nào?'

LTS: Để khơi thông tình trạng tắc nghẽn pháp lý ảnh hưởng đến sự vận hành, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và nền kinh tế nói chung hiện nay, các ý kiến hồi âm của đại biểu Quốc hội, cán bộ quản lý, chuyên gia pháp lý, đại diện hiệp hội doanh nghiệp cho rằng cần phải nhanh chóng rà soát, bãi bỏ những quy định rườm rà, bất hợp lý, đồng thời cần nâng cao chất lượng công tác đánh giá tác động chính sách. Các ý kiến cũng đề nghị phảiluật hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Nên tập trung rà soát, bãi bỏ nhanh các quy định bất hợp lý

Tại sao trong thời điểm hiện nay lại xuất hiện nhiều tắc nghẽn pháp lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội như vậy? Theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng có mấy nguyên nhân cốt lõi sau đây: 1-Thực tiễn kinh tế-xã hội thay đổi rất nhanh, đặc biệt trong thời gian gần đây. Do đó, nhiều quy định truyền thống đã trở nên không còn phù hợp trong bối cảnh mới, thậm chí còn trở thành rào cản, hạn chế đổi mới sáng tạo, gia tăng chi phí, thời gian cho hoạt động kinh tế-xã hội. 2-Cách xây dựng chính sách theo nguyên tắc quản lý ngành, lĩnh vực... có thể dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc xung đột vì nhìn vào từng luật, quy định có vẻ hợp lý, nhưng nếu đặt vào địa vị một chủ thể phải thực thi đồng thời nhiều luật đối với một hoạt động kinh doanh nào đó thì không hợp lý. 3-Chất lượng đánh giá tác động chính sách, chất lượng tham vấn và trách nhiệm giải trình còn hạn chế...

Về cách xây dựng luật pháp của chúng ta hiện nay, ở đây có hai vấn đề là thủ tục, quy trình và tính thực chất, chất lượng của công việc. Việc xây dựng chính sách có thể bảo đảm về quy trình, thủ tục nhưng thiếu thực chất, kém chất lượng, từ đó tạo ra sản phẩm pháp luật không tốt. Do vậy, rất nhiều quốc gia nhấn mạnh đến thúc đẩy thực tiễn tốt, thực hành tốt trong xây dựng chính sách, pháp luật.

 Cần giải quyết hiện tượng tắc nghẽn pháp lý trong nhiều ngành, lĩnh vực . Ảnh minh họa/TTXVN

Cần giải quyết hiện tượng tắc nghẽn pháp lý trong nhiều ngành, lĩnh vực . Ảnh minh họa/TTXVN

Vậy để giải quyết hiện tượng tắc nghẽn pháp lý trong nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay cần phải làm gì? Không phải chúng ta chưa có giải pháp. Cải cách thể chế luôn là một ưu tiên, trọng tâm, trụ cột trong các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Tựu trung lại vẫn là việc phải nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành và sẽ ban hành. Theo tôi, trước mắt nên tập trung làm nhanh và rà soát bãi bỏ các quy định bất hợp lý-ở đây là bãi bỏ. Việc sửa đổi nếu cần sẽ là nhóm việc tiếp theo. Đối với nâng cao chất lượng quy định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cần tập trung vào kiểm soát chất lượng công tác đánh giá tác động chính sách-mà hiện nay, theo quan sát của tôi, chưa được chú trọng. Có thể cần nghiên cứu để bổ sung thêm cơ chế, cơ quan chuyên nghiệp, độc lập kiểm soát chất lượng công tác này như một số quốc gia đã làm, đó là có cơ quan kiểm soát báo cáo đánh giá tác động.

QUANG HƯNG (ghi)

----------------

TS MẠC QUỐC ANH, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp:

Một cửa nhưng vẫn phải xin ý kiến từng đơn vị

Có thể thấy, hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta đã có nhiều đổi mới, chất lượng văn bản pháp luật đã từng bước được nâng cao nhưng thực tế vẫn còn tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các văn bản luật và các văn bản dưới luật. Thực trạng này gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện pháp luật của người dân, doanh nghiệp cũng như thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, thực tế hoạt động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hiện nay, mặc dù đã có cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính nhưng hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Vì nhiều sở, ngành quản lý một nội dung nên khi doanh nghiệp xin ý kiến vẫn phải xin ý kiến từng đơn vị. Điều này gia tăng chi phí và hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Câu chuyện này cũng xuất phát một phần từ việc sợ trách nhiệm của một số cán bộ các sở, ngành. Có thực tế, một sự việc làm theo luật này thì đúng, luật khác lại sai, nay được đánh giá là đúng nhưng có thể ngày mai là sai.

Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang gặp nhiều khó khăn nên cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Trước tiên là tiếp tục tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi với những giải pháp hỗ trợ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí; hỗ trợ lãi suất cho vay... Các cơ quan liên quan cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông để tiết giảm thời gian, chi phí và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh. Về dài hạn, cần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo, xung đột trong các luật và văn bản dưới luật. Đặc biệt, cần có cơ chế đánh giá chất lượng thực thi công vụ của cán bộ công chức, từ đó có cơ chế đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tránh áp dụng theo phương pháp cào bằng. Điều này cũng góp phần gia tăng trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức cũng như chất lượng thực thi pháp luật.

VŨ DUNG (ghi)

-------------------

Ông NGUYỄN NHƯ VIỆT, Chủ tịch UBND phường 5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng:

Cần quy định cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW về bảo vệ cán bộ dám làm

Phát huy trách nhiệm, tinh thần tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức là việc rất quan trọng, thúc đẩy nền nếp thực thi công vụ, bảo đảm kết quả, chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực tiễn hiện nay, đâu đó vẫn còn biểu hiện tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Theo tôi, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm có thể do nhiều nguyên nhân, từ việc thiếu rèn luyện bản lĩnh, không thường xuyên củng cố năng lực chuyên môn của người cán bộ đến môi trường làm việc chưa thật sự khuyến khích cán bộ bộc lộ hết tài năng, nhiệt huyết. Bên cạnh đó, quy định pháp luật ở một số nội dung, lĩnh vực chưa thật sự rõ ràng sẽ khiến cho cán bộ sợ sai, không dám đột phá. Để khắc phục tình trạng này cần tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích tinh thần làm việc năng động, sáng tạo, đúng chuyên môn, đúng chức danh cho cán bộ, công chức cùng với bảo đảm về thu nhập. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần có những cơ chế khen thưởng, biểu dương kịp thời những ý tưởng, cách làm hay, đột phá của cán bộ, công chức, nhất là những việc làm bám sát thực tiễn, hỗ trợ thiết thực cho nhân dân. Các cấp lãnh đạo phải tin tưởng, giao nhiệm vụ và theo dõi, hướng dẫn cán bộ trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời thường xuyên đánh giá, đào tạo để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ.

Vừa qua, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung là điều kiện tốt để thúc đẩy, phát huy năng lực, tinh thần dấn thân, cống hiến của cán bộ, công chức các cấp. Tuy nhiên, cũng rất cần những quy định, cơ chế, chính sách cụ thể, luật hóa Kết luận số 14-KL/TW để thực hiện được thống nhất, đồng bộ, hiệu quả cao. Một vấn đề cốt lõi khác để phát huy cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn là trên dưới phải đồng lòng. Người lãnh đạo phải tiên phong, nêu gương, bám sát cấp dưới, cùng bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ, đấu tranh kiên quyết với cái sai, khuyết điểm.

HÙNG KHOA (ghi)

------------

Ông LÊ TUẤN NGHĨA, Chuyên viên pháp lý Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco):

Nhiều vướng mắc trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Hiện nay, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn những vướng mắc dẫn đến số vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra nhiều. Cụ thể, những năm qua, Công ty Busadco đã phải xử lý hơn 20 vụ việc các doanh nghiệp khác làm giả, làm nhái sản phẩm của công ty. Quá trình công ty xử lý các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn, có những vụ kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại cho công ty hàng tỷ đồng. Nguyên nhân những vụ việc xử lý kéo dài bởi các cơ quan thực thi tại địa phương chưa có kinh nghiệm trong xử lý những vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhiều thủ tục còn rườm rà, Luật Sở hữu trí tuệ chưa hoàn thiện. Việc yêu cầu các đơn vị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bồi thường thiệt hại chưa khả thi. Tính đến nay, trong hơn 20 vụ việc, Busadco mới duy nhất nhận được tiền bồi thường khoảng 20 triệu đồng từ một đơn vị vi phạm-một con số quá ít so với chi phí và công sức công ty bỏ ra để theo đuổi vụ việc.

Để nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng, tôi đề nghị tăng mức xử phạt và mức giá trị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để có tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, khi các đoàn thanh tra, cán bộ tòa án tiến hành thanh tra, xác minh không nên thông báo trước thời gian làm việc, tránh trường hợp đơn vị vi phạm thực hiện hành vi tẩu tán những sản phẩm vi phạm, gây khó khăn cho việc xác minh hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Đồng thời, các cơ quan thực thi cần rút ngắn thời gian xử lý đơn kiện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, phải có thời hạn cụ thể, không để tình trạng những vụ việc kéo dài từ năm này qua năm khác. Cùng với đó, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực cho các cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

QUANG ĐỨC (ghi)

------------

Ông Phạm Anh Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tech Harmony:

Doanh nghiệp nhỏ đang chịu lãi suất cao hơn doanh nghiệp lớn

Việc tiếp cận vốn vay đối với doanh nghiệp đang gặp khó khăn do lãi suất cao, cùng với nhiều thủ tục pháp lý phức tạp. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang chịu mức lãi suất vay trung bình gần 13%, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện những doanh nghiệp công nghệ lớn đang được hưởng vốn vay ngân hàng khoảng 11%, thấp hơn những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, theo chính sách chung thì doanh nghiệp vừa và nhỏ phải được ưu tiên hơn. Do vậy, cơ quan chức năng cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp lãi suất, thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đang thực hiện siết chặt hạn mức tín dụng. Do đó, khi doanh nghiệp cần vay tiền, dù không vướng bất kỳ thủ tục nào vẫn phải xếp hàng chờ có suất mới vay được. Cùng với đó, vẫn đang tồn tại thực trạng có ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải mua bảo hiểm mới được cấp vốn vay.

Việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng sẽ gây khó khăn trong mở rộng sản xuất, kinh doanh, gia tăng chi phí sản xuất, dẫn đến việc phải tăng giá thành sản phẩm. Mặt khác, việc khó tiếp cận nguồn vốn vay cũng ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng của doanh nghiệp, bởi chính bản thân khách hàng cũng không có đủ vốn để tiến hành các đơn hàng lớn. Việc thiếu hụt các đơn hàng đồng nghĩa doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động.

Vì vậy, theo tôi, trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý lãi suất, giảm thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn.

HOÀNG CHUNG (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hoi-am-vet-bai-tac-nghen-phap-ly-can-dong-phat-trien-tai-sao-khoi-thong-cach-nao-726232