Hội An: Loay hoay bán vé tham quan
Hội An, một khu phố cổ, nhỏ - nếu so với Malacca của Malaysia thì khác xa. Malacca với con đường đi bộ xuyên qua những ngôi nhà cổ, vào ngôi chùa cổ và đi tiếp theo dòng sông. Tại Trung tâm là những kiến trúc, là pháo đài cổ và có những anh cảnh sát chỉ có nhiệm vụ chặn xe cho du khách qua đường.
Với Malacca, du khách đi trên những chiếc xe đạp trang trí lộng lẫy, mua những sản vật địa phương hay đi thuyền trên sông là chính là doanh thu. Họ cần du khách.
Ở Hàn Quốc có nhiều khu làng cổ thật đẹp và chẳng thấy ai bán vé. Là làng cổ dưới chân tháp Nam San vào mùa thu cây vàng lá, đỏ lá cực đẹp. Nằm ở thành phố Asan của Hàn Quốc, làng cổ Oeam đẹp tựa như bức bích họa của tỉnh Chungnam. Ngôi làng cổ đẹp ngất ngây này có độ tuổi khoảng 500 năm. Ở Seoul, Hàn Quốc cũng vậy, có một khu phố cổ lại nằm không xa giữa một đô thị phồn hoa, hiện đại với tên gọi: Insadong. Insadong ở Seoul khác với Hội An của Việt Nam hay Malacca ở Malaysia, đây là con phố chỉ để đi bộ và chụp hình với trang phục cổ truyền Hàn Quốc là Hanbok.
Tôi đã đến những nơi đó và hiểu lý do tại sao người ta không bán vé mà còn tạo những điểm nhấn để thu hút du khách đến tham quan. Bởi khách đến là cộng hưởng tiêu dùng, việc mua sắm hay sử dụng dịch vụ giúp người dân hưởng lợi. Bên cạnh đó, khách góp phần quảng bá hình ảnh của nơi đến, dẫu chỉ là một tấm ảnh trên Facebook. Cũng nói rõ thêm, hiếm ai bán vé để vào xem một khu dân cư đang sinh sống.
Hội An cách Đà Nẵng chừng 40 km, khi đến Hội An du khách thường tham quan: Làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, đi thuyền trên sông Hoài, đến bãi biển Cửa Đại hoặc tận hưởng chương trình đêm Hội An. Làng gốm Thanh Hà là điểm du lịch gây ấn tượng với du khách bới dẫu phải mua vé, nhưng có xe trung chuyển từ bãi đậu xe, sau khi ra về được tặng một con tò he làm kỷ niệm.
Trở lại với phố cổ Hội An. Ngoại trừ đường Phan Chu Trinh là con đường vành đai, khu phố cổ nằm trọn trong phường Minh An, diện tích khoảng 2 km², với những con đường ngắn và hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy dọc ngang theo kiểu bàn cờ. Nằm sát với bờ sông là đường Bạch Đằng, tiếp đó tới đường Nguyễn Thái Học rồi đường Trần Phú nối liền với Nguyễn Thị Minh Khai bởi Chùa Cầu. Khách vào phố cổ chủ yếu ngồi cà phê hoặc ăn cái gì đó, mua vài món quà lưu niệm. Nói chung sự hấp dẫn của phố chính là hơi thở của cuộc sống tại đây: Các quán ăn, gánh chè, hàng tò he, thư pháp hoặc quán cà phê hay lên thuyền dạo chơi. Tất nhiên là giá cả cao hơn bên ngoài nhưng khách vui, và sẵn sàng trả thêm. Khách thuê xe đạp hoặc đi xích lô, đôi khi vào may đồ hoặc mua chiếc lồng đèn. Tôi đã từng tự tạo ra một “tour” cho bạn bè đi Hội An: Ghé bánh mì Phượng, ghé giếng Bá Lễ, len vào đường Trần Phú cà phê ở quán cà phê của người khiếm thị, sau đó thuê taxi ra Cửa Đại.
Nói chung, khách đến là nguồn thu của cư dân tại đây chứ không phải là loay hoay tìm cách bán vé tham quan.
Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/hoi-an-loay-hoay-ban-ve-tham-quan-682183.html