Hội An thu phí tham quan khu phố cổ: Cần ưu tiên người dân bản địa
Theo KTS Lê Quang, du lịch bền vững cần ưu tiên người dân bản địa. Làm thế nào để sự có mặt của khách du lịch khiến người dân địa phương sống tốt hơn.
Nên có city card
Dự kiến thu phí tham quan khu phố cổ Hội An đối với tất cả du khách tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận, gây tranh cãi trái chiều.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, KTS Lê Quang (đang làm việc tại CHLB Đức) cho rằng, Hội An nên làm city card (citypass) giống như Berlin citypass hoặc Newyork citypass. Thẻ này chính là vé dành cho du khách, trong đó đã bao gồm một loạt các tiện ích.
Ví dụ, nếu mua citypass thì được miễn phí vào xem các di tích lịch sử, được mua hàng trong các cửa hiệu truyền thống với giá ưu đãi, được đi thuyền trên sông, đi xe sightseeing ngắm cảnh, được tham gia các hoạt động truyền thống làng nghề theo kiểu living museum...
Tại Berlin, citypass hoạt động rất hiệu quả. Với những người tới Berlin ngắn ngày (5-7 ngày), citypass là lựa chọn tốt, nó cho phép người ta đi xem bảo tàng, đi tàu đi xe thoải mái, đi thuyền trên sông... Điều đáng nói, sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc mua vé lẻ vào từng bảo tàng hoặc mua vé tàu xe theo từng chuyến.
Citypass ra đời để vừa làm lợi cho thành phố, vừa làm lợi cho khách du lịch. Theo đó, du khách có thể thực hiện chuyến tham quan với giá cả phải chăng và khuyến khích họ đi nhiều nhất có thể (nhằm kích thích tiêu dùng tại các cửa hiệu địa phương).
Còn những ai không muốn mua citypass, có thể họ đi du lịch dài ngày thì cứ để họ vào nhà hát, bảo tàng nào thì mua vé ở đó. Cuối cùng thành phố cũng vẫn thu được chi phí cao (cao hơn citypass).
“Vấn đề ở đây là phải làm sao để khách du lịch thấy họ được thoải mái chi tiêu vào các khoản mà họ thấy cần thiết, bên cạnh đó tạo tâm lý an tâm khi chi tiêu tại các cửa hàng địa phương”, ông Quang nói.
Du lịch bền vững cần ưu tiên người dân bản địa
KTS Lê Quang cho hay, qua chia sẻ từ các sở, ban, ngành Hội An, ông thấy Hội An đang đặt vấn đề của khu phố cổ theo mô hình Theme park, giống như Disney land hoặc thân thuộc hơn với người Việt Nam là Vin Pearl, Bà Nà hill, Thiên đường Bảo sơn…
Theme park (amusement park) là loại hình công viên theo chủ đề, phải mua vé mới được vào cửa. Trong phim, Jurassic Park (Công viên khủng long) hay Westworld (miền viễn Tây-series của HBO) đều là loại công viên như thế. Tuy nhiên, Theme park không có dân địa phương sinh sống.
Trong Theme park như kiểu Disney land hoặc Vin pearl, về quy hoạch và phân loại sử dụng chỉ có khách du lịch và người lao động (là những người làm việc, nhân viên của khu công viên) chứ hoàn toàn không có dân địa phương sống trong đó. Tất cả các Theme park đều có thể có khu lưu trú, khách sạn, resort nhưng chúng là bất động sản cho thuê du lịch chứ không được coi là nhà ở, tức là không có sở hữu tư nhân bản địa.
Đó chính là lí do vì sao mà Theme park phải làm tường rào kiên cố hoặc không thì cũng phải mang ra ngoài đảo kiểu như Công viên Khủng long hay Vin Pearl để có thể quản lý lượng ra vào.
Coi Hội An như Theme park là sai về quy hoạch và phân loại sử dụng bởi vì người dân sống trong khu phố cổ, họ là dân chứ không phải là người làm công/ nhân viên của khu phố ấy. Tức là họ phải được tự do ra vào trong và ngoài giờ hành chính, bạn bè, người thân của họ cũng được quyền tới thăm hỏi mà không phải thông qua chốt kiểm soát nào.
Người dân Hội An, họ có thể có cửa hàng buôn bán, quán ăn phục vụ khách du lịch nhưng về bản chất họ không làm công ăn lương cho khách du lịch và cũng không ký hợp đồng công nhân viên với đối tượng quản lý khu vực ấy.
Do đó Hội An không phải là Theme park, xét trên mọi phương diện. Nếu có người dân sinh sống thì dù là một thành phố, một con đường, một xóm nhỏ hay một mái nhà, đều không được coi là Theme park.
Theo ông Quang, vấn đề chính của Hội An là quá tải khách du lịch. Nhiều khách quá dẫn tới điểm vỡ kế hoạch về cơ sở hạ tầng. Nhiều thành phố cũng từng đối diện với vấn đề này, như Amsterdam...
Tăng giá vé vào các điểm tham quan là một trong số những giải pháp kiềm chế số lượng khách du lịch nhưng ở góc độ quy hoạch và quản lý đô thị thì chưa phải là giải pháp lâu dài. Điều này dễ tạo ra chỉ trích về văn hóa tinh hoa, tệ nhất còn là rào cản khiến người dân địa phương khó tiếp cận chính di sản của họ. Nó có thể dẫn tới tình trạng di tích đầy du khách nước ngoài, nhưng dân địa phương cả đời chẳng có dịp vào xem vì “vé đắt”.
Nếu nhìn vào các đô thị đang gặp phải vấn đề này, ta thấy họ có hướng xử lý nhất quán là “tập trung ưu tiên vào người dân bản địa”. Ví dụ tăng thuế máy bay tới đây lên một chút, tăng thuế khách sạn và lưu trú để chọn lọc khách du lịch, sử dụng tiền thuế đó phục vụ bảo hành, bảo trì hạ tầng địa phương.
Quan trọng nhất, là tạo ra độ dàn trải về các điểm đến để khách du lịch dàn mỏng bớt ra. Giới hạn số lượng khách sạn mới được xây (Barcelona từng làm) để ưu tiên nhà ở cho dân địa phương. Giới hạn số ngày cho thuê Airbnb (90 ngày/năm như Helsinki, Berlin)...
“Điều quan trọng về tính cân bằng của các thành phố du lịch không phải là làm thế nào để khách du lịch thoải mái hơn hoặc các cấp chính quyền thu được nhiều tiền hơn, mà là làm thế nào để sự có mặt của khách du lịch khiến cho người dân địa phương sống tốt hơn. Đó mới chính là ý nghĩa bền vững của thành phố du lịch, cần đặt trọng tâm vào người dân ở đó chứ không phải ai khác”, KTS Lê Quang cho hay.