Hội chợ CICPE lần thứ 5: Doanh nghiệp ASEAN đặt cược vào sức mạnh tiêu dùng của Trung Quốc

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Hàng Tiêu dùng quốc tế Trung Quốc lần thứ 5 (CICPE) diễn ra từ ngày 13 - 18/4 tại Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam, Mel Essentials, một thương hiệu thời trang Việt Nam, đã thu hút khán giả bằng một buổi trình diễn thời trang độc đáo, giới thiệu những thiết kế kết hợp giữa chủ nghĩa tối giản, linh hoạt và thẩm mỹ phương Đông.

 ASEAN tăng cường khai thác tiềm năng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh minh họa: doanhnghiephoinhap.vn

ASEAN tăng cường khai thác tiềm năng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh minh họa: doanhnghiephoinhap.vn

“Phong cách của họ thích hợp với môi trường công việc, cuộc sống và các dịp lễ, cho thấy sự hội tụ những nét văn hóa của các quốc gia phương Đông”, Shang Liuqinshu, Giám đốc trình diễn thời trang tại CICPE chia sẻ.

Bên cạnh hợp tác và tham gia vào các sáng kiến khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), những nước láng giềng gần gũi ở châu Á, gồm: Trung Quốc, Campuchia, Malaysia và Việt Nam… đã và đang tăng cường quan hệ kinh tế thông qua nhiều hoạt động thương mại nổi bật. Các quy tắc thương mại được đơn giản hóa và thuế quan giảm theo nội dung của hiệp định RCEP đã tạo điều kiện cho sự hợp tác xuyên biên giới sâu sắc hơn về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Điều này được thể hiện rõ nhất khi Tập đoàn Rong De của Campuchia, một công ty kinh doanh nông sản lớn đã ký thỏa thuận tạm thời với một nhà buôn có trụ sở tại Phật Sơn (Trung Quốc) tại hội chợ để mua 400.000 tấn hạt điều thô.

Với CICPE, hội chợ được nhận định là nền tảng không thể thiếu cho sự tăng trưởng và là cơ hội để các doanh nghiệp Đông Nam Á nắm bắt và tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Tại hội chợ CICPE, bên cạnh các doanh nghiệp từ Việt Nam, Campuchia…, đoàn đại biểu của Malaysia tham dự hội chợ cũng càng nhấn mạnh thêm sự lạc quan của khu vực khi 18 công ty Malaysia trưng bày các sản phẩm từ thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm và chăm sóc da đến đồ trang sức. Ngoài ra, nhiều công ty Malaysia cũng để mắt đến việc nhập khẩu các thiết bị gia dụng, thực phẩm, bao bì và phần cứng từ Trung Quốc với giá cả cạnh tranh.

Trả lời phỏng vấn, ông Fong Suk Wah, Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Kinh doanh Quốc tế Malaysia cho biết: “Các công ty Malaysia đang nắm bắt mọi cơ hội để ký kết hợp đồng thương mại các hội chợ tại Trung Quốc, đặc biệt là CICPE”.

Theo nhận định của nhiều công ty và doanh nghiệp Đông Nam Á, có thể nói rằng “sức mạnh tiêu dùng của Trung Quốc là vô song”. Do đó, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, cũng như tăng cường trao đổi thương mại giữa doanh nghiệp của Đông Nam Á để gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường lớn này là điều vô cùng cần thiết.

Tham gia sự kiện CICPE lần này, lãnh đạo các doanh nghiệp Đông Nam Á cho rằng, giữa những cơn gió ngược đang xảy ra đối với thương mại toàn cầu, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế như “quan hệ họ hàng”, nơi không có tranh chấp cá nhân nào có thể phá vỡ mối liên kết rộng lớn, mà chỉ có thể gắn kết với nhau chặt chẽ hơn.

Điều này được nhìn nhận rõ hơn khi thương mại song phương Trung Quốc-ASEAN đạt 982,3 tỷ USD vào năm 2024, tăng gấp đôi so với con số năm 2013, với hai bên vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong 5 năm liên tiếp.

Từ sàn diễn thời trang đến các thỏa thuận được thực hiện trong phòng họp, hiện nay các doanh nghiệp ASEAN tiếp tục đặt cược vào thị trường đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, qua thể hiện sự tin tưởng vào tương lai chung của tăng trưởng toàn diện.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ Xinhua Net)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/hoi-cho-cicpe-lan-thu-5-doanh-nghiep-asean-dat-cuoc-vao-suc-manh-tieu-dung-cua-trung-quoc-152751.html