Hội Chữ thập đỏ Nghĩa Hưng tích cực tham gia phòng ngừa thảm họa, thiên tai
Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Nghĩa Hưng đã tích cực tham gia công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa, thiên tai, từ đó hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. Xã Nghĩa Hùng có 250 hộ dân sinh sống ở bên ngoài đê quốc gia tuyến đê sông Đáy. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Nghĩa Hưng đã tích cực tham gia công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa, thiên tai, từ đó hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.
Xã Nghĩa Hùng có 250 hộ dân sinh sống ở bên ngoài đê quốc gia tuyến đê sông Đáy. Đây cũng là tuyến đê có nhiều điểm xung yếu như cống Văn Giáo, cống Phú Giáo có nguy cơ cao khi thiên tai, bão lụt xảy ra. Người dân ở đây còn thường xuyên phải đối mặt với bão lụt, thủy triều dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất. Trong khi đó, một bộ phận dân cư chưa chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, nhất là các đối tượng yếu thế, người già, trẻ em; nhiều người phải đi làm ăn xa, không chú ý đến thông tin cảnh báo sớm về thiên tai và cũng ít được tiếp cận với thông tin tuyên truyền về biến đổi khí hậu nên không tránh khỏi tâm lý chủ quan. Để nâng cao ý thức phòng ngừa thảm họa, thiên tai cho nhân dân trong xã, được sự hỗ trợ của dự án “Phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu”, Hội CTĐ xã Nghĩa Hùng đã đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh cho 8 xóm của xã với tổng trị giá 56 triệu đồng. Cùng với xã Nghĩa Bình, huyện có 9 xã, thị trấn gồm: Nghĩa Thành, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, Nam Điền, Nghĩa Phúc, trị trấn Rạng Đông được hưởng lợi từ các dự án do Hội CTĐ các cấp phối hợp với các đơn vị thực hiện.
Xác định công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa là việc làm quan trọng và cấp thiết, hàng năm, Hội CTĐ huyện lập kế hoạch phòng, chống thiên tai; chỉ đạo các Hội cơ sở xây dựng quỹ dự phòng và lực lượng sẵn sàng cứu trợ khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các xã ven biển, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão gió các biện pháp tự phòng tránh và ứng phó, huấn luyện kỹ năng phòng ngừa và ứng phó thảm họa, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích, hỗ trợ tâm lý, nước sạch và vệ sinh môi trường liên quan tới thảm họa, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên CTĐ và người dân tại cộng đồng. Hội đã phối hợp mở nhiều lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó thảm họa, thiên tai cho cán bộ, chính quyền, giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn và nhân dân ở các địa phương có nguy cơ cao. Từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn cộng đồng ứng phó với thảm họa cho 240 người là thành viên của đội ứng phó nhanh và 500 thanh niên xung kích CTĐ; phát trên 1.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống thiên tai tới các hộ gia đình; rà soát, nắm chắc những đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp khi có thiên tai, xác định vùng xung yếu, trọng điểm có nguy cơ cao, để chủ động trong phòng, chống, ứng phó thảm họa; thành lập 25 đội ứng phó thảm họa cộng đồng với tổng số 240 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên khi tham gia vào đội ứng phó được trang bị áo phao, đèn pin, ủng, đào tạo kiến thức phòng ngừa thảm họa, tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân gặp rủi ro thiên tai. Ngoài trang bị phương tiện cho Đội ứng phó thảm họa cộng đồng hoạt động, Hội CTĐ huyện cũng cung cấp đèn pin, áo mưa, loa cầm tay dùng pin, máy phát điện… tới các Hội cơ sở để các xã chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ khi có tình huống thiên tai khẩn cấp xảy ra. Cùng với đó, Hội CTĐ từ huyện đến cơ sở đã kiện toàn đội thanh niên xung kích CTĐ; tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên, thanh niên xung kích CTĐ cơ sở và các trường THPT về kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn, các trường THPT trong huyện đã thành lập đội thanh niên xung kích CTĐ, hầu hết các đội viên đã nắm vững các kỹ năng cơ bản, sẵn sàng cùng với lực lượng phòng, chống lụt bão của địa phương tham gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra bão lũ. Từ năm 2013, thực hiện Dự án “Trồng rừng ngập mặn, giảm thiểu rủi ro thảm họa” ở những vùng có nguy cơ cao do Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ, Hội CTĐ huyện đã tổ chức các lớp tập huấn đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng cho cán bộ Hội CTĐ, cán bộ cấp ủy, chính quyền, bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm và cán bộ đoàn thể của 2 xã Nghĩa Thắng và Nghĩa Hùng; tổ chức diễn tập di dời dân về nơi trú ẩn an toàn. Cùng với đó, trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án, Hội CTĐ huyện phối hợp với các đơn vị đã khảo sát, thẩm định và hỗ trợ nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, hệ thống truyền thanh cho một số xã, thị trấn thuộc dự án. Từ đó phục vụ việc cảnh báo sớm, giúp người dân nắm bắt thông tin, góp phần giảm nhẹ những rủi ro, thiệt hại khi xảy ra thiên tai, thảm họa tại địa phương. Cùng với thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, Hội CTĐ các cấp trong huyện còn tích cực triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp cho bà con nhân dân các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, gặp rủi ro. Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội CTĐ trong huyện đã trợ giúp cho 512 người dân với tổng số tiền 275 triệu đồng.
Những kết quả đạt được của các cấp Hội CTĐ huyện Nghĩa Hưng trong công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa, thiên tai đã giúp người dân nâng cao tinh thần phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão. Thời gian tới, các cấp Hội CTĐ trong huyện tăng cường hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ kiểm tra giám sát mạng lưới thông tin liên lạc ở các xã; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, huy động sự tham gia của người dân vào công tác phòng ngừa, nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt, thiên tai để tránh rủi ro khi có thiên tai, thảm họa xảy ra; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên tham gia hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa, kết hợp các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích, nước sạch và vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Duy trì và phát triển lực lượng tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ, huy động nguồn lực kịp thời khắc phục hậu quả khi có thảm họa thiên tai xảy ra; tổ chức các cuộc diễn tập về nội dung sơ tán dân ở một số địa phương nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa, ứng phó thảm họa góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do thảm họa thiên tai có thể gây ra./.