Hội chứng bệnh lạ ở trẻ
Trong lúc số người nhiễm COVID-19 trên thế giới vẫn ngày càng gia tăng thì tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục ra khuyến cáo về việc phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhi ở Mỹ, Anh, Canada, Pháp mắc COVID-19 bị viêm đa hệ thống - triệu chứng tương tự với bệnh viêm mạch máu cấp tính Kawasaki hiếm gặp.
Cảnh báo của CDC và NHS
Trung tuần tháng 5, Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ban bố cảnh báo một hiện tượng hiếm gặp nhưng gây tử vong ở trẻ em, được cho là có liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện tượng trên được CDC gọi là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), được ghi nhận lần đầu tiên tại Anh từ cuối tháng 4.
Các triệu chứng bao gồm sốt dai dẳng, viêm đa cơ quan dẫn đến suy nhược phải nhập viện. Hiện nay, MIS-C được báo cáo phát hiện tại ít nhất 19 tiểu bang và Washington, D.C ở Mỹ.
Hãng CNN viết: "Ít nhất 110 trường hợp đã được báo cáo ở New York, và 3 đứa trẻ 5, 7 và 18 tuổi đã chết. New Jersey có ít nhất 17 trường hợp; California có sáu trường hợp. Các tiểu bang khác, như Connecticut, Georgia, Kentucky, Ohio và Washington cũng báo cáo số lượng nhỏ các trường hợp mắc MISC. Cảnh báo sức khỏe của CDC đã cung cấp hướng dẫn chẩn đoán MIS-C. Tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm sốt cao trong ít nhất 24 giờ, viêm trong cơ thể và nhập viện với các vấn đề ở ít nhất hai cơ quan gồm tim, thận hoặc phổi. CDC cũng yêu cầu có xét nghiệm COVID-19 với những trường hợp này".
Các bác sĩ đã điều trị các trường hợp nói trên nhận định căn bệnh này phản ánh nhiều triệu chứng của hội chứng sốc độc tố hoặc bệnh Kawasaki, bao gồm viêm động mạch vành nghiêm trọng. Nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết.
"Hiện tại có thông tin hạn chế về các yếu tố nguy cơ, sinh bệnh học, diễn biến lâm sàng và điều trị MIS-C. CDC đang yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe báo cáo các trường hợp nghi ngờ cho các cơ quan y tế công cộng để mô tả rõ hơn tình trạng mới được công nhận này trong số bệnh nhi bị nhiễm", CDC cảnh báo và cho hay, những bệnh nhân dưới 21 tuổi đều có nguy cơ gặp biến chứng này và chưa có kết luận về việc liệu người lớn cũng có thể bị phát triển theo tình trạng này khi mắc COVID-19 hay không.
Chia sẻ thêm về căn bệnh lạ này, bác sĩ nhi khoa Sunil Sood - công tác tại Trung tâm Y tế Nhi Cohen ở New York cho biết, một số trẻ em có dạng bệnh rất nhẹ, nhưng có đến một nửa bệnh nhân mà ông cùng đồng nghiệp gặp phải đều phải điều trị tích cực vì viêm tim.
Trong trường hợp bệnh nhân bị giảm huyết áp đột ngột, hay còn gọi là "sốc" thì việc điều trị sẽ thêm việc tiêm kháng thể và sử dụng steroid và aspirin. Việc này xảy ra khi trẻ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 từ 4 đến 6 tuần.
Đồng quan điểm trên, TS James Schneider, Trưởng khoa chăm sóc sức khỏe nhi khoa tại mạng lưới chăm Northwell Health, New York (Mỹ) trả lời phỏng vấn trong một cuộc họp báo: "Điều đáng báo động là trong những trường hợp này, khoảng một nửa số trẻ em bị viêm động mạch vành. Những đứa trẻ này trước đây hoàn toàn khỏe mạnh, vì vậy tôi nghĩ rằng vấn đề này là do hội chứng MIS-C gây ra, đây có thể là kết quả của một phản ứng miễn dịch bị trì hoãn do virus SARS-CoV-2. Bất kỳ đứa trẻ nào có triệu chứng sốt, đau bụng, phát ban hoặc viêm kết mạc cần được đưa tới bác sĩ nhi khoa ngay lập tức".
Trước đó, vào cuối tháng 4, Bệnh viện Nhi Evelina ở thủ đô London (Anh) đã thông báo về trường hợp một thiếu niên 14 tuổi không có bệnh nền đã tử vong do bệnh giống như bệnh Kawasaki có liên quan đến COVID-19. Bệnh nhân đã được điều trị 6 ngày tại khoa tích cực do xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo tờ Guardian (Anh) dẫn một số nguồn tin từ Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) khẳng định, hội chứng này cũng đồng thời xuất hiện tại Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Cụ thể, nhiều trường hợp tử vong trẻ em tại châu Âu do COVID-19 gặp hai biến chứng viêm hiếm gặp gồm hội chứng sốc độc (TSS) và bệnh Kawasaki.
Hiệp hội Chăm sóc Nhi khoa Chuyên sâu Anh (PICS) nhấn mạnh, tuy biến chứng rất nhỏ song lại cực kỳ nguy hiểm và đáng lo ngại, nhất là các ca viêm đa hệ thống này ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng và lại không hề có dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm.
Cuộc điều tra trên khắp thế giới
Sau Anh, Pháp, Đức, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả Canada cũng đã lên tiếng về triệu chứng hiếm gặp này ở trẻ em nhiễm COVID-19. Hôm 16-5, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Timone ở thành phố Marseille (Pháp) Fabrice Michel cho biết, một bé trai 9 tuổi đã tử vong do hội chứng viêm hiếm gặp này sau 7 ngày được điều trị vì có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đây là trường hợp tử vong đầu tiên ở Pháp trong số gần 130 bệnh nhi dưới 14 tuổi mắc hội chứng viêm hiếm gặp này.
Hôm 13/5, Canada và Australia đã đồng thời kêu gọi các chuyên gia sức khỏe nghiên cứu để tìm mối liên hệ giữa COVID-19 với bệnh Kawasaki. Hai quốc gia này cũng đang nâng cao cảnh giác về khả năng xuất hiện các ca bệnh Kawasaki ở trẻ em khi số người nhiễm COVID-19 tăng lên trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát...
Trước vấn đề sức khỏe nói trên, hôm 15-5, WHO tuyên bố mở cuộc điều tra về khả năng mối liên quan giữa COVID-19 và MISC. Người đứng đầu WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Các báo cáo ban đầu đưa ra giả thuyết rằng hội chứng này có thể liên quan đến COVID-19. Điều quan trọng là phải khẩn trương và cẩn trọng nhận định triệu chứng lâm sàng để tiến hành can thiệp, điều trị. WHO đang điều tra xem liệu virus SARS-CoV-2 có gây ra bệnh viêm hiếm gặp ở một số trẻ không".
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi nhân viên y tế trên toàn thế giới cảnh giác và hiểu rõ hơn về bệnh. Người đứng đầu nhóm khoa học chống COVID-19 của WHO, TS Maria Van Kerkhove thì nói: "Báo cáo của chúng tôi dựa trên những thông tin, tư liệu mà Anh cung cấp về một số ít trường hợp trẻ em có phản ứng viêm này. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu thêm về các trường hợp trẻ em mắc bệnh khác ở Mỹ, Pháp...".
Hãng AP thông tin, ngoài cuộc điều tra của WHO, 15 tiểu bang của Mỹ cùng với CDC cũng đang mở cuộc điều tra riêng về các trường hợp bệnh nhi mắc bệnh viêm bí ẩn. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 13-5, Thống đốc New York nhấn mạnh: "Các trường hợp nhiễm COVID thường là hô hấp. Đây không phải là chủ yếu hô hấp. Đó là tình trạng viêm mạch máu, có thể ảnh hưởng đến tim. Từ đầu dịch, các bác sĩ vẫn tin rằng hầu hết trẻ em mắc COVID-19 đều bị bệnh nhẹ. Nhưng với biến chứng viêm lạ thường này, chúng ta không thể chủ quan".
Lý giải của các chuyên gia
Mặc dù hội chứng MISC rất nghiêm trọng nhưng theo TS David Kimberlin, một nhà nghiên cứu và là bác sĩ nhi khoa nổi tiếng ở Mỹ, cũng không nên quá hoảng sợ.
"Căn bệnh này hiếm nhưng đã được phát hiện ở nhiều tiểu bang. Cha mẹ sẽ nhận ra nếu con mình bị bệnh. Nhưng không cần quá lo lắng bởi chỉ sau 3 tuần khi phát hiện trường hợp đầu tiên, chúng ta đã có những sàng lọc khá chặt chẽ. Một phụ huynh sẽ biết liệu con họ có bị mắc bệnh này hay không và khi đến bệnh viện, bệnh nhi sẽ được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt", TS David Kimberlin nói.
Lý giải của các chuyên gia y tế khác cũng chỉ rõ: Hội chứng sốc độc là một tình trạng hiếm gặp, đe dọa đến tính mạng do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và giải phóng các độc tố có hại. Các triệu chứng bao gồm nhiệt độ cao, phát ban giống như bị cháy nắng và các triệu chứng giống cúm như đau đầu và đau họng.
Còn bệnh Kawasaki thì gây sưng mạch máu tim và chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Các triệu chứng bao gồm phát ban, sưng hạch ở cổ, môi khô hoặc nứt và ngón tay hoặc ngón chân đỏ. Bệnh này được báo cáo đầu tiên ở trẻ em Nhật Bản năm 1967 rồi sau đó xảy ra trên toàn thế giới. Mỗi năm, ít nhất 3.000 trẻ em Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh Kawasaki.
Bệnh này đi kèm với các triệu chứng: sốt; phát ban; sưng tấy bàn chân và bàn tay; xốn và đỏ mắt; kích thích ở màng nhầy vùng miệng, môi, và cổ họng; và sưng hạch bạch huyết ở cổ. Hậu quả tức thời của bệnh Kawasaki có thể không nghiêm trọng, tuy nhiên, trong một số trường hợp, các biến chứng lâu dài bao gồm cả tổn thương động mạch vành có thể xảy ra. Do nhiều nguyên nhân chưa biết rõ, tỉ lệ mắc bệnh ở bé trai thường cao hơn gấp hai lần so với ở bé gái.
Về nguyên nhân của căn bệnh hiếm gặp, các chuyên gia chưa lý giải được tại sao lại gặp biến chứng ở bệnh nhi mắc COVID-19. Nhưng có một điều chắc chắn là bệnh Kawasaki lây nhiễm do virus và vi khuẩn. Vì thế, nhiều khả năng, hệ miễn dịch của bệnh nhi nhiễm COVID-19 bị suy giảm dẫn tới dễ mắc các loại virus, vi khuẩn khác gây bệnh.
Bác sĩ Charles L. Schleien, Chủ nhiệm khoa Nhi tại Trung tâm Y tế trẻ em Steven & Alexandra Cohen ở New York (Mỹ) tiết lộ, các bác sĩ đang kết hợp khám lâm sàng và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán MISC, kể cả bài kiểm tra dựa trên X-quang.
"Thật khó để nói nếu một đứa trẻ bị MISC chỉ do sốt và phát ban vì nhiều bệnh nhiễm trùng khác có thể gây sốt và phát ban. Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyên các gia đình đưa con đến gặp bác sĩ ngay khi có triệu chứng. MISC có thể thể điều trị được - không giống như COVID-19, vốn không thể điều trị trực tiếp", bác sĩ Charles L. Schleien nhấn mạnh.
"Hiện, hầu hết các bác sĩ điều trị MISC bằng immunoglobulin (IV) tiêm tĩnh mạch và aspirin. Steroid cũng có thể được sử dụng", bác sĩ Audrey R. Odom John, Trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ) nói: "Trẻ em bị MISC cũng thường yêu cầu hỗ trợ trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, thường là để giúp duy trì huyết áp. Bắt kịp điều này sớm có thể mang lại kết quả tốt hơn. Nhiều trẻ đã về nhà và khỏe mạnh sau khi điều trị. Nhưng các trường hợp bỏ lỡ có nhiều khả năng gây ra các vấn đề dài hạn".
Theo một nghiên cứu trên JAMA Pediatrics, trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ bị biến chứng nặng từ COVID-19 cao hơn so với suy nghĩ trước đây và những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn thậm chí còn có nguy cơ cao hơn nữa. Nghiên cứu cũng ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 ở trẻ em bị bệnh nặng ở Bắc Mỹ nhưng cụ thể không bao gồm MISC.
Nghiên cứu đã theo dõi 48 trẻ em được điều trị COVID-19 trong khoảng thời gian 3 tuần từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 với hơn 80% bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường, béo phì hoặc ức chế miễn dịch. Kết quả cho thấy 40% trường hợp phải dựa vào hỗ trợ công nghệ; 20% bị suy nội tạng ở hơn hai cơ quan, và gần 40% cần máy thở và hỗ trợ ống thở. Vào cuối cuộc nghiên cứu, khoảng 33% trong số các bệnh nhi vẫn phải nhập viện vì virus và hai đứa trẻ đã chết.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/hoi-chung-benh-la-o-tre-596314/