Hội chứng khiến người bệnh luôn mặc cảm về ngoại hình
Những người mắc hội chứng Quasimodo thường bị ám ảnh bởi những khuyết điểm trên cơ thể của mình và không muốn người khác nhận ra những khiếm khuyết ấy. Do đó, bệnh nhân thường tự ti, mặc cảm mỗi khi ra ngoài. Thậm chí, họ sẵn sàng làm mọi thứ để mình có thể đẹp hơn.
Hội chứng Quasimodo là gì?
Theo Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết, hội chứng Quasimodo còn có tên tiếng Anh là Body dysmorphic disorder, viết tắt là BDD là một hội chứng mặc cảm về ngoại hình.
Có thể, đây là lần đầu tiên bạn nghe nói về một hội chứng kỳ lạ như vậy. Tuy nhiên, trên thực thế, khoảng 2,4% dân số thế giới đã và đang mắc phải hội chứng Quasimodo.
Bệnh xảy ra ở cả nam và nữ, tuy nhiên nữ mắc phải hội chứng này nhiều hơn và thường nghiêm trọng hơn. Bệnh thường gặp trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Những trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng kỳ lạ này thường có tâm lý rất tiêu cực. Họ dành nhiều thời gian để ngắm nhìn bản thân và cố tìm hoặc tưởng tượng ra những khuyết điểm về ngoại hình của mình, có thể là tình trạng tóc thưa, mũi tẹt, mụn trên mặt,…
Bên cạnh đó, có những khuyết điểm không tồn tại lâu dài cũng có thể khiến bệnh nhân lo lắng thái quá và luôn mặc cảm nên không thể xuất hiện trước mặt mọi người xung quanh.
Đây còn là một hội chứng tâm lý có thể khiến bệnh nhân phóng đại nhược điểm của chính mình và cũng chính bởi sự lo lắng không thực tế, không tương xứng này đã khiến bệnh nhân gặp phải những rào cản tâm lý nhất định.
Sau một thời gian, có thể dẫn đến suy giảm chức năng xã hội và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, công việc, học tập của người bệnh. Trong một số những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân còn cách ly bản thân khỏi xã hội.
Người bệnh cũng dễ bị kích động khi ai đó chú ý hay tỏ thái độ với những khuyết điểm của họ. Bệnh nhân Quasimodo có xu hướng từ chối, không chấp nhận với ngoại hình của mình.
Nguyên nhân nào dẫn đến hội chứng Quasimodo
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào có thể chỉ ra nguyên nhân chính xác dẫn đến hội chứng tâm lý đặc biệt này. Theo một số giả thuyết, sự rối loạn dẫn đến mất cân bằng những chất dẫn truyền thần kinh nào đó trong não có thể là nguyên nhân khiến cho các tế bào não không hoạt động hiệu quả và gây bệnh. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học lại cho rằng, tâm lý là một yếu tố quan trọng dẫn tới căn bệnh kỳ lạ này.
Với những ca mắc bệnh được ghi nhận trên thực tế thì sự mặc cảm thái quá về ngoại hình thường xuất hiện kèm theo một số rối loạn về tâm lý khác, nhất là tình trạng rối loạn lo âu và trầm cảm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra một số yếu tố có thể tác động đến tâm lý và gây bệnh, bao gồm:
Người bệnh đã từng trải qua một tuổi thơ có nhiều cảm xúc hoặc đã từng phải đối mặt với những sự kiện gây ra những ảnh hưởng lớn về vấn đề tâm lý.
Lòng tự trọng cao.
Người bệnh đặt ra những tiêu chuẩn quá cao, yêu cầu về sự hoàn hảo về ngoại hình.
Thường xuyên bị cha mẹ hoặc mọi người xung quanh chê cười vì ngoại hình.
Do gặp phải những áp lực về tiêu chuẩn hình thể được đưa ra từ những ý kiến xã hội và truyền thông.
Gắn kết hạnh phúc với yếu tố ngoại hình.
Triệu chứng của hội chứng Quasimodo
Hội chứng rối loạn tâm thần này có thể xảy ra ở bất cứ ai và từ thời điểm người bệnh bắt đầu có nhận thức rõ ràng. Tuy nhiên, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là thanh thiếu niên từ 16 đến 17 tuổi. Đây chính là nhóm tuổi rất dễ nhạy cảm với những đánh giá về ngoại hình.
Dưới đây là một số triệu chứng của hội chứng Quasimodo:
- Chẳng ai có được ngoại hình hoàn hảo, tuy nhiên người bệnh Quasimodo lại luôn muốn mình trở nên hoàn hảo, mang một vẻ đẹp không tì vết, quá ám ảnh bởi những khuyết điểm trên cơ thể, dù nó không đáng chú ý với người đối diện. Đôi khi họ đau khổ, bi lụy chỉ vì một vết sẹo nhỏ trên mặt.
- Người bệnh thường lo sợ, ám ảnh khi mình quá béo, quá gầy, chân quá to, ngực quá nhỏ,… Phần lớn thời gian trong ngày được dùng để tìm ra những khiếm khuyết trên cơ thể. Điều này luôn khiến họ cảm thấy vô cùng bực bội.
- Bệnh nhân hạn chế giao tiếp với mọi người xung quanh, không muốn rời khỏi những vùng an toàn của mình, đó chính là nhà ở, phòng ngủ.
- Luôn so sánh mình với người khác, luôn mắc cảm vì mình xấu xí, nhưng thực tế không phải vậy.
- Cầu kỳ và điệu đà quá mức.
- Coi trọng các phụ kiện như quần áo, mỹ phẩm một cách quá mức để có thể che khuyết điểm và giúp bản thân tự tin hơn. Mỗi lần đi ra ngoài, người bệnh phải mất hàng giờ để trang điểm.
- Nghiện phẫu thuật thẩm mỹ.
- Luôn muốn được mọi người đánh giá về ngoại hình, khuyết điểm của mình để có thể lấy lại niềm tin, loại bỏ mặc cảm nhưng lại không muốn tin những đánh giá ấy. Bất kỳ lời đánh giá về ngoại hình nào của người khác cũng khiến họ rất buồn phiền và suy nghĩ quá mức.
- Quá nghiêm ngặt trong việc tập thể dục và ăn kiêng.
Hội chứng Quasimodo có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Vì quá lo lắng đến ngoại hình của mình, người bệnh rất dễ bị khủng hoảng và cáu gắt vô cớ với những người xung quanh. Theo thời gian, họ sẽ không còn tự tin khi giao tiếp, cách li mình khỏi xã hội, dẫn đến trầm cảm. Thậm chí người bệnh còn có ý nghĩ tự sát.
Ở một mức độ phức tạp hơn, người mắc hội chứng sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm do không muốn đi ra ngoài, không muốn xuất hiện trước bất kỳ ai. Khi không biết về hội chứng này, nhiều người dù đã đối mặt và nhận ra những tâm lý bất thường của người bệnh nhưng chỉ nghĩ đơn giản rằng họ đang quá “điệu”.