Hội chứng ngừng tim cầu thủ Eriksen gặp phải là gì, cấp cứu thế nào?
Hội chứng ngừng tim cầu thủ Eriksen gặp phải là gì, cấp cứu thế nào? Hội chứng ngừng tim cầu thủ Eriksen gặp phải trên sân do nhiều nguyên nhân gây ra đòi hỏi phải xử lý nhanh, đúng cách.
Những người yêu bóng đá đêm qua đã phải chứng kiến một khoảnh khắc kinh hoàng, khi tiền vệ Christian Eriksen của Đan Mạch đang thi đấu thì bất ngờ đổ gục xuống sân, nằm bất động khiến trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan tại Euro 2020 phải tạm hoãn.
Đây là một khoảnh khắc đáng sợ xảy đến trước hàng chục nghìn người hâm mộ có mặt trên sân và đang được truyền hình trực tiếp tới người hâm mộ trên khắp hành tinh.
Tuy nhiên, đội ngũ y tế đã có mặt kịp thời, sơ cứu, ép tim ngoài lồng ngực và sốc điện để cứu sống anh ngay trên sân cỏ.
Hội chứng đột ngột ngừng tim là gì?
Theo BS.TS Trần Quốc Khánh - Khoa phẫu thuật cột sống - Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức: "Cầu thủ Christian Eriksen của Đan Mạch đã đổ gục vì một cơn ngừng tim (Cardiac Arrest)".
Đây là một trong những nguyên nhân gây đột tử hằng đầu tại Mỹ với hơn 356.000 ca xảy ra bên ngoài bệnh viện tại Mỹ mỗi năm. Đây là tình trạng tối cấp cứu và cần hồi sinh tim phổi (CPR-Cardiopulmonary resuscitation) ngay lập tức nhằm cố gắng bảo tồn chức năng não nguyên vẹn theo cách thủ công cho đến khi các biện pháp y tế tiếp theo xuất hiện (máy khử nhịp tim). Thời gian vàng ngọc cho sơ cứu chỉ có 3 phút, sau thời gian ấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân tăng lên theo từng giây.
Sau biến cố sức khỏe của Eriksen nhiều người quan tâm và thắc mắc về hội chứng đột ngột ngừng tim này.
BS. Khánh đã chỉ ra sự khác biệt giữa ngừng tim và đột quỵ: "Ngừng tim khác với đột quỵ (Stroke-Tai biến mạch máu não) và ngừng tim (Cardiac Arrest) cũng khác với nhồi máu cơ tim (Heart Attack) mặc dù một cơn nhồi máu cơ tim có thể là nguyên nhân gây ra ngừng tim.
Ngừng tim là tình trạng tim đột ngột ngừng đập dẫn đến mất chức năng do hệ thống điện của tim bị trục trặc dẫn đến tim mất khả năng bơm máu đi nuôi não và cơ thể. Còn nhồi máu cơ tim là do tắc nghẽn hệ thống mạch vành lưu thông máu đến nuôi tim dẫn đến các tế bào cơ tim bị chết dần do thiếu máu nuôi, đây là vấn đề liên quan đến "lưu thông tuần hoàn”"
Nguyên nhân dẫn đến đột ngột ngừng tim
Đột ngột ngừng tim có thể xảy ra ở người không có tiền sử bệnh tim tuy nhiên chúng thường xảy đến ở những người có bệnh tim từ trước (có thể chưa được chẩn đoán) như:
- Bệnh động mạch vành: Hầu hết các trường hợp ngừng tim đột ngột xảy ra ở những người bị bệnh mạch vành (Xơ vữa, tắc nghẽn mạch vành).
- Bệnh cơ tim: Điều này xảy ra chủ yếu khi các thành cơ tim phì đại và dày lên góp phần dẫn đến rối loạn nhịp tim.
- Bệnh hẹp hở van tim.
- Dị tật tim ngay từ khi sinh ra (bệnh tim bẩm sinh): Đây là nguyên nhân hay gặp gây ngừng tim đột ngột ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Những người trưởng thành đã phẫu thuật chỉnh sửa dị tật tim bẩm sinh vẫn có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột.
- Các vấn đề về điện trong tim: Ở một số người, vấn đề nằm ở chính hệ thống điện của tim thay vì vấn đề với cơ tim hoặc các van. Chúng được gọi là bất thường nhịp tim nguyên phát như hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW).
- Sẹo của mô tim: Có thể là kết quả của một cơn nhồi máu cơ tim trước đó hoặc một nguyên nhân khác. Trái tim bị “sẹo” rất dễ bị rối loạn nhịp thất đe dọa tính mạng. Sáu tháng đầu tiên sau khi bị nhồi máu cơ tim là giai đoạn có nguy cơ cao nhất bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột.
- Do dùng thuốc tim mạch: Một số loại thuốc điều trị loạn nhịp đôi khi có thể gây ra loạn nhịp thất ngay cả ở liều bình thường. Đây được gọi là hiệu ứng “loạn nhịp”. Những thay đổi đáng kể về nồng độ kali và magiê trong máu (ví dụ do sử dụng thuốc lợi tiểu) cũng có thể gây loạn nhịp tim và ngừng tim.
- Bất thường mạch máu: Những trường hợp hiếm gặp này đặc biệt xảy ra ở động mạch vành và động mạch chủ. Adrenaline được giải phóng khi hoạt động thể chất cường độ cao có thể gây ngừng tim đột ngột.
- Do sử dụng ma túy: Điều này có thể xảy ra ở cả những người khỏe mạnh.
Một số yếu tố nguy cơ gây ngừng tim đột đột có thể kể đến như tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành hoặc bệnh rối loạn nhịp tim, hút thuốc kéo dài, huyết áp cao, cholesterol máu cao, béo phì, hội chứng ngưng thở khi ngủ, tiểu đường, người lớn tuổi (nguy cơ ngừng tim đột ngột tăng lên theo tuổi), nam giới hay gặp hơn nữ, mất cân bằng dinh dưỡng dẫn đến mức kali hoặc magiê trong máu thấp.
Khi nào cần nghĩ đến ai đó đang bị ngừng tim?
Theo BS. TS Trần Quốc Khánh: "Đột ngột đổ gục, mất ý thức, không bắt được mạch và ngừng thở là hình ảnh thường gặp nhất. Tuy vậy, đôi khi bệnh nhân cũng có các dấu hiệu gợi ý như cảm giác khó chịu ở ngực, khó thở, hồi hộp tim đập nhanh (đánh trống ngực)".
Cách xử trí khi đột ngột ngừng tim
Ngừng tim là tình trạng nguy hiểm tối cấp cứu đòi hỏi mọi người phải nhận ra kịp thời và triển khai hô hấp nhân tạo (CPR) cùng máy khử rung tim (Defibrillator) ngay khi có thể.
Hồi sinh tim phổi (CPR) là một hoạt động sơ cứu kết hợp giữa ép tim ngoài lồng ngực thường xuyên với thông khí nhân tạo nhằm cố gắng bảo tồn chức năng não nguyên vẹn theo cách thủ công cho đến khi có sự hỗ trợ từ ekip cứu hộ y tế đến. Đây là “Kỹ năng sinh tồn” mà hầu hết chúng ta nên học cách thực hiện vì trong cuộc sống có rất nhiều tình huống xảy đến đòi hỏi chúng ta cần đến nó.
Khi chứng kiến tình huống bất tỉnh ngừng tim, phản xạ để bệnh nhân nằm ngửa, hô hoán gọi người trợ giúp hoặc bấm cấp cứu 115 mang theo máy khử rung tim tự động (AED) đến ngay và song song tiến hành ép tim ngoài lồng ngực với tốc độ từ 100 đến 120 lần ấn mỗi phút và lực ép đủ mạnh. Độ lún thành ngực tầm 5cm, đừng sợ bệnh nhân gãy xương sườn vì nếu có gãy mà cứu sống được bệnh nhân cũng là tốt.
Hãy duy trì ép tim liên tục cho đến khi có máy khử rung tim di động hoặc nhân viên cấp cứu đến.
Tiên lượng cho những người sống sót sau cơn ngừng tim?
Đa số những người sống sót sau cơn ngừng tim đều bị chấn thương sọ não và suy giảm ý thức ở một mức độ nào đó. Việc tiên lượng dựa trên nhiều biến số (nhiều trong số đó chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng) như: Tuổi tác, sắc tộc, tình trạng sức khỏe đi kém do tiểu đường, ung thư, nhiễm trùng, bệnh thận và đột quỵ..., các yếu tố trong quá trình ngừng tim như thời gian từ khi đổ gục đến khi bắt đầu cấp cứu ngừng tuần hoàn và dùng máy khử rung tim, những thiếu hụt chức năng thần kinh sau khi tỉnh lại.
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được kiểm tra đánh giá bằng rất nhiều những thăm dò tân tiến như xét nghiệm máu hoặc dịch não tủy, điện thế gợi cảm giác não (SSEP), điện não đồ (EEG), CT scanner và MRI sọ não, quang phổ cộng hưởng từ và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để xác định tổn thương cấu trúc não… Trước khi đưa ra tiên lượng cuối cùng.
Liệu Erikson có thể trở lại chơi bóng?
Về câu hỏi nhiều người quan tâm này BS. Khánh cho rằng: "Rất khó để trả lời lúc này vì phụ thuộc vào sự hồi phục và những di chứng có thể Eriksen phải đón nhận sau cơn ngừng tim. Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia y tế thể thao đều nhận định: “Christian Eriksen khó có thể chơi bóng chuyên nghiệp trở lại."
Sanjay Sharma, giáo sư tim mạch thể thao tại London’s St George’s University cho biết tùy thuộc vào cả cầu thủ và câu lạc bộ để đánh giá rủi ro của việc tiếp tục thi đấu.
Qua biến cố sức khỏe của Eriksen trên sân cỏ BS. Khánh chỉ ra:
Trước mỗi sự kiện thể thao cần chuẩn bị những gì để dự phòng tốt nhất?
- Với vận động viên: Cần được thăm khám sức khỏe sàng lọc kỹ lưỡng, đặc biệt là vấn đề tim mạch. Tránh sử dụng chất kích thích, dinh dưỡng đảm bảo và tránh thức quá khuya.
- Với ban tổ chức: Luôn có ekip sơ cứu được đào tạo chuyên nghiệp và diễn tập thường xuyên cũng như những trang thiết bị cần thiết đi kèm, được biệt là máy khử nhịp tim.