Hội chứng Raynaud khiến tay bị tím tái, đau buốt vào mùa đông

Hội chứng Raynaud xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn so nam giới, triệu chứng phổ biến là các đầu ngón tay có màu xanh tím, đau buốt, bệnh thường khởi phát vào mùa đông và có thể gây ra biến chứng hoại tử.

Bệnh Raynaud (ray-NOSE) khiến một số vùng trên cơ thể, chẳng hạn như ngón tay và ngón chân cảm thấy tê và lạnh khi phản ứng với nhiệt độ lạnh hoặc căng thẳng. Khi mắc bệnh Raynaud, các động mạch nhỏ cung cấp máu cho da bị hẹp lại. Điều này hạn chế lưu lượng máu đến các khu vực bị ảnh hưởng, được gọi là co thắt mạch máu.

Hội chứng Raynaud bao gồm 2 loại là nguyên phát và thứ phát. Hội chứng Raynaud thứ phát có thể gây biến chứng nghiêm trọng như hoại tử đầu ngón tay hoặc chân. Vì vậy, khi có các dấu hiệu của bệnh, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra để hướng điều trị phù hợp.

1. Triệu chứng của hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud xảy ra theo từng đợt, một số vùng cơ thể có thể bị ảnh hưởng như lưỡi, mũi, tai. Tuy nhiên, ngón tay và ngón chân là vùng xuất hiện nhiều triệu chứng hơn.

Dấu hiệu của bệnh trải qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Khu vực bị ảnh hưởng trở nên nhợt nhạt hoặc trắng do thiếu lưu lượng máu.

- Giai đoạn 2: Khu vực bị ảnh hưởng chuyển sang màu xanh, cảm thấy lạnh và tê liệt do mô bị mất oxy.

- Giai đoạn 3: Khi cơ thể ấm lên và tuần hoàn phục hồi, bạn có thể bị mẩn đỏ, sưng tấy và khó chịu.

Hội chứng này không xảy ra gần các khớp bàn ngón tay mà thường ảnh hưởng đến 3 ngón giữa, ít khi gây triệu chứng ở ngón cái.

Triệu chứng của hội chứng Raynaud trải qua 3 giai đoạn từ nhợt nhạt sáng xanh tím và cuối cùng là đỏ sưng (Ảnh: ST)

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud

Theo các chuyên gia, một số nguyên nhân sau có thể dẫn tới hội chứng Raynaud:

- Do di truyền: Ước tính 50% những người mắc bệnh Raynaud có những thành viên trong gia đình mắc bệnh tương tự.

- Thời tiết lạnh và căng thẳng làm các động mạch ở ngón tay và ngón chân bị thu hẹp, hạn chế lưu lượng máu. Theo thời gian, những động mạch nhỏ này có thể dày lên và hạn chế lưu lượng máu nhiều hơn.

Ngoài ra, nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud thứ phát có thể do một số bệnh lý như bệnh mô liên kết, bệnh về động mạch, hội chứng ống cổ tay,… hoặc do chấn thương ở tay chân, hút thuốc,…

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Raynaud

Theo Viện Quốc gia về Viêm khớp và Bệnh Cơ xương và Da, một số trường hợp sau có nguy cơ mắc hội chứng Raynaud cao hơn bình thường:

- Gia đình có người mắc hội chứng Raynaud

- Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới. Một nghiên cứu năm 2020 (1) cho thấy bệnh Raynaud ảnh hưởng đến 2-20% phụ nữ nhưng chỉ 1-12% nam giới mắc hội chứng này.

- Thanh thiếu niên và thanh niên bị ảnh hưởng nhiều nhất, chủ yếu những người dưới 30 tuổi mắc hội chứng thứ phát. Trên 40 tuổi thường mắc hội chứng Raynaud nguyên phát.

- Thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, chẳng hạn những người sống trong môi trường có nền nhiệt thấp

- Những người làm việc thường xuyên với máy móc hoặc công cụ có rung động, chẳng hạn như máy khoan và những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất.

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh Raynaud cao hơn so với nam giới (Ảnh: Internet)

4. Điều trị hội chứng Raynaud như thế nào?

Một số biện pháp thường được sử dụng trong quá trình điều trị hội chứng Raynaud như:

- Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là một phần quan trọng trong quá trình điều trị hiện tượng Raynaud. Tránh các chất gây co mạch máu là phương pháp điều trị đầu tiên, chẳng hạn như các sản phẩm chứa caffeine và nicotine.

Giữ ấm và tập thể dục cũng có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế các đợt tái phát của bệnh. Ngoài ra, tập thể dục tốt cho việc thúc đẩy tuần hoàn và kiểm soát căng thẳng, phòng ngừa hội chứng hiệu quả.

Đối với những người bị co thắt mạch điều cần thiết là giữ ấm cho bản thân như đeo tất và găng tay, hạn chế ra gió lạnh, ngâm tay chân bằng nước ấm, xoa bóp tứ chi, giữ cho tinh thần thoải mái.

Thay đổi lối sống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh Raynaud, nhưng thường không đủ để kiểm soát mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị khác cần thiết bao gồm thuốc, phẫu thuật và truyền dịch.

Giữ ấm cơ thể là cách kiểm soát và dự phòng hội chứng Raynaud (Ảnh: ST)

- Dùng thuốc

Người bệnh cần dùng theo những loại thuốc được bác sĩ chỉ định. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc có tác dụng làm giãn hoặc mở rộng các mạch máu, chẳng hạn thuốc chẹn kênh canxi, thuốc prazosin, thuốc nitroglycerine dán tại chỗ, thuốc pentoxifylline,…

Lưu ý, các thuốc chẹn beta, clonidin và các chế phẩm từ nấm ergot đều bị chống chỉ định vì chúng gây co mạch và có thể gây nên hoặc trầm trọng thêm các triệu chứng.

Ngoài ra, đối với những người bị Raynaud thứ phát, cần tập trung vào điều trị bệnh nền - nguyên nhân gây bệnh, thì mới làm giảm triệu chứng một cách hiệu quả.

- Dịch truyền

Bác sĩ có thể đề nghị truyền prostaglandin khi tình trạng thiếu oxy cung cấp cho các mô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Liệu pháp tiêm tĩnh mạch của thuốc có tác dụng làm giãn mạch máu của bạn và ngăn ngừa cục máu đông.

- Phẫu thuật

Trong những trường hợp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ giao cảm. Nhưng biện pháp này vẫn còn nhiều tranh cãi và ít khi được thực hiện.

Có thể nói, hội chứng Raynaud khiến cho người bệnh cảm thấy đau nhức, khó chịu, một số trường hợp bị Raynaud thứ phát sẽ có nguy cơ biến chứng hoại tử ngón tay hoặc chân. Để dự phòng Raynaud, các chuyên gia khuyến cáo cần giữ ấm cho bản thân, đặc biệt vào những ngày có nền nhiệt lạnh nên hạn chế ra ngoài.

Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ Raynaud, mọi người không nên chủ quan, cần đến bệnh viện để được tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Nguồn: Healthline.com

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoi-chung-raynaud-khien-tay-bi-tim-tai-dau-buot-vao-mua-dong-20221215141406354.htm