Hội chứng sợ kim tiêm - Rào cản khi tiếp cận tiêm chủng
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết, hội chứng sợ kim tiêm (trypanophobia), được biết đến như một loại ám ảnh về các thủ tục y tế liên quan đến vật sắc nhọn.
Nỗi sợ này ảnh hưởng đến khoảng 25% người trưởng thành. Có tới 7% người lớn thực sự tránh tiêm chủng vì hội chứng này.
Hội chứng sợ kim tiêm là gì?
Hội chứng sợ kim tiêm là nỗi ám ảnh với một loạt các thủ tục y tế, bao gồm tiêm chủng, lấy máu, cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch và gây mê. Không có nhiều tài liệu nói về chứng này bắt nguồn từ đâu, nhưng có một số giả thuyết cho rằng nó có thể liên quan đến bản năng sinh tồn khiến bạn không muốn cơ thể bị đâm thủng bởi bất cứ thứ gì. Nhà tâm lý học lâm sàng, TS. John Mayer, tác giả cuốn Family Fit: Find Your Balance in Life, cho hay, khi có một thứ mà bạn chưa biết đang được đưa vào cơ thể của bạn, điều đó có thể gây sợ hãi cho một số người.
Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, hội chứng sợ kim tiêm cũng được xếp vào nhóm rối loạn lo âu. Theo GS.TS. Petros Levounis, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần học tại Trường Y khoa Rutgers New Jersey, cơ chế nhằm bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn hại này có thể phát triển và cuối cùng chuyển sang chứng rối loạn tâm thần suy nhược.
Các triệu chứng của hội chứng này có thể khác nhau, nhưng một phân tích tổng hợp các dữ liệu khoa học có sẵn được công bố trên tạp chí SAGE Open Nutrition, đã liệt kê những dấu hiệu chủ yếu: Nhịp tim và huyết áp tăng đột ngột khi nhìn thấy kim; ngay lập tức tim đập chậm lại và giảm huyết áp; ngất xỉu; lo lắng tột độ không giải thích được; băn khoăn với một thủ thuật liên quan đến kim tiêm; hoảng loạn...
Ứng phó như thế nào?
Để có thể vượt qua nỗi sợ hãi kim tiêm, nên thực hiện những điều sau:
Trước khi tiêm: Các chuyên gia khuyên, trước khi tiêm chủng, bạn nên đặt lịch hẹn, sau đó, cố gắng không nghĩ về nó. Việc lo lắng, ám ảnh về việc tiêm chủng sẽ không giúp bạn thoát khỏi nỗi sợ hãi. Hãy nhớ trước đây, bạn đã từng tiêm chủng.
Nhà tâm lý học Alicia H. Clark, tác giả của cuốn sách Hack Your Anxiety, cũng cho rằng, việc tập trung vào mục đích tại sao bạn lại làm điều này sẽ giúp bạn bớt sợ hãi về kim tiêm.
Nếu bạn có thể bị ngất xỉu khi nhìn thấy kim tiêm hoặc lo lắng về việc ngất xỉu, TS. Levounis khuyên bạn nên thử một kỹ thuật gọi là liệu pháp áp dụng căng thẳng. Để thực hiện, hãy căng các cơ ở cánh tay, thân mình và chân và giữ căng đó cho đến khi bạn cảm thấy nóng lên. Sau đó, thả lỏng sự các cơ và đợi 20-30 giây để cơ thể trở lại bình thường. Bạn có thể sử dụng cách này nếu bạn bắt đầu cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy kim tiêm.
Bạn cũng cần luôn nhắc nhở bản thân: Chỉ mất khoảng một giây để tiêm chủng thôi.
Khi ở phòng tiêm chủng: Bạn có thể đi cùng một người khác đến phòng tiêm chủng. Nếu không, bạn có thể nghe nhạc và xem video trên điện thoại hoặc bất cứ điều gì bạn có thể làm để khiến bạn không quá tập trung vào việc tiêm chủng.
Ngoài ra, hãy cho y tá biết rằng bạn sợ kim tiêm. Điều này có thể giúp kỹ thuật viên lường trước các vấn đề (có nguy cơ ngất xỉu trong quá trình tiêm) và thực hiện một số thủ thuật khéo léo hơn. Trước khi tiêm, bạn có thể tập thở bằng cơ hoành, nắm bóp một vật gì đó, tiếp tục nghe nhạc hoặc xem video. Đặc biệt, đừng nhìn vào kim tiêm.
Sau khi tiêm: Sau khi tiêm xong, bạn có thể tự động viên bằng cách thưởng cho mình một thứ gì đó thật đặc biệt (như mua sắm). Ngoài ra, bạn cũng nên nghĩ về điều mình đã trải qua mà không bị tổn thương. Và bắt đầu lập kế hoạch ngay bây giờ cho lần tiêm vắc-xin tới.
Các chuyên gia nhấn mạnh: “Vắc-xin là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh truyền nhiễm, và hiện nay là COVID-19. Không nên để chứng sợ kim tiêm là rào cản đối với sức khỏe và hạnh phúc của bạn.
Nam Hà
((Theo health.com))