Hội chứng thích ăn... tóc ở trẻ hình thành như thế nào?
Các bác sĩ cho biết, thói quen giật tóc, nhặt tóc để ăn thường gặp ở những đứa trẻ chậm phát triển tâm thần hoặc bị rối loạn về nhân cách.
Gần đây, tại Đồng Nai có trường hợp một bé gái 6 tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói. Bác sĩ phát hiện trong dạ dày bé gái này có một búi tóc lớn với chiều dài 40cm. Khi biết có búi tóc trong dạ dày con, mẹ của bệnh nhi này không khỏi bất ngờ và cho biết thỉnh thoảng có thấy bé bứt tóc bỏ vào miệng nhưng không hay để ý.
Đồng thời, bé gái này đang trong tình trạng suy dinh dưỡng, 6 tuổi nhưng chỉ nặng 13 kg. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc chứng Rapunzel - thích ăn tóc.
Theo ông Cao Vũ Hùng – Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) thì đây là một bệnh lý tâm thần, có thể là một trong các hội chứng rối loạn hành vi (bao gồm hành vi ăn uống, hành vi thói quen). Trẻ nhỏ mắc bệnh này vẫn ăn cơm bình thường nhưng lại có thêm thói quen thích ăn tóc, chứ không phải là ăn tóc thay cơm.
Ông Hùng cho biết, đây không phải là căn bệnh phổ biến, thỉnh thoảng mới gặp ở vài đứa trẻ. Điều này có thể nằm trong một số bệnh lý rối loạn, có thể do lo âu hoặc ám ảnh…, tuy nhiên, ở mỗi người bệnh phải có giải pháp khác nhau, phải xem bản chất căn bệnh do đứa trẻ mắc phải. Ví dụ, có thể do lo lắng hoặc sợ hãi điều gì đó…
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bác sĩ Lê Đào Nghĩa (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết: Trong tâm thần thì những triệu chứng này thường được gọi là chứng "ăn bậy". Người bệnh thường ăn những thứ không phải là thức ăn như đất, thủy tinh, gỗ, tóc… Những đứa trẻ mắc hội chứng này thường chậm phát triển về tâm thần hoặc rối loạn về nhân cách. Tuy nhiên, hội chứng này có thể gặp phải ở nhiều lứa tuổi, thậm chí cả người lớn.
Trường hợp của em bé tự giật tóc mình để ăn thuộc hội chứng rối loạn kiểm soát xung động. Người bệnh mắc hội chứng này thường có thói quen giật tóc, lông mày, lông chân, tay… Khi giật, bệnh nhân dù biết là không tốt nhưng lại thấy khoái cảm, tạo xung động và lặp đi lặp lại thành thói quen. Đồng thời, trường hợp nếu bệnh nhân gặp căng thẳng thì bệnh sẽ càng nặng.
Ông nhấn mạnh, do trẻ con thích khám phá nên càng dễ mắc phải hội chứng này. Nói về phương pháp điều trị, theo bác sĩ Nghĩa thì điều căn cốt là phải khám xem nguyên nhân do trẻ bị chậm phát triển hay rối loạn nhân cách, hoặc có thể là do gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc.
Ví dụ như có trường hợp do người mẹ ít trò chuyện, ít giao tiếp với con thì lâu ngày trẻ cũng có thể mắc phải chứng bệnh như vậy. Có nhiều biện pháp nhưng trước hết thì gia đình phải chú ý quan tâm, kiểm soát trẻ hơn, kết hợp với thuốc điều trị.
"Những bệnh nhân này thường phải điều trị lâu dài, nếu không thì có thể vì lý do nào đó, như stress thì bệnh sẽ lại tái phát" – ông Nghĩa cho biết.