Hội Cựu chiến binh huyện Lương Sơn: Thi đua làm kinh tế giỏi
Tận dụng tiềm năng, lợi thế cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) huyện Lương Sơn sôi nổi thi đua làm kinh tế giỏi. Năng động, sáng tạo, tìm tòi phát triển các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,08%; hội viên CCB thu nhập khá, giàu chiếm 68,4%.
Hội CCB huyện có 6.849 hội viên, sinh hoạt tại 14 cơ sở Hội. Thực hiện phong trào thi đua "CCB gương mẫu”, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, cán bộ, hội viên CCB tích cực thi đua lao động sản xuất, áp dụng các mô hình hay, cách làm sáng tạo để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế. Theo thống kê, toàn huyện có 126 trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi; 5 doanh nghiệp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, vật liệu xây dựng; 2 HTX phát triển hiệu quả do hội viên CCB làm chủ. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, trong đó có nhiều đối tượng là con, em CCB.
Ông Hoàng Văn Thủy là hội viên CCB tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại xóm Rụt, xã Tân Vinh. Với diện tích vườn 3 ha, gia đình ông cải tạo đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, gồm các giống bưởi, na, chanh...Trong đó, có khoảng 700 gốc bưởi Diễn. Năm 2020, gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng từ kinh doanh các giống cây ăn quả. Toàn bộ sản phẩm được tư thương thu mua tại vườn. Ngoài ra, gia đình ông tạo việc làm cho 6 - 7 lao động, với mức công nhật 200.000 đồng/ngày.
Ông Thủy chia sẻ: "Tôi xuất ngũ trở về địa phương năm 1982, thời điểm đó kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Phát huy phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”, vợ chồng tôi bươn trải đủ nghề để mưu sinh, trang trải cuộc sống. Từ nguồn vốn tích góp, gia đình mạnh dạn cải tạo diện tích đất vườn để trồng bưởi và nhiều giống cây ăn quả. Mục đích lấy ngắn nuôi dài, mỗi thứ một tí để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Gia đình tôi thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT áp dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất".
Phát huy tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái” trong phát triển kinh tế, cán bộ, hội viên CCB toàn huyện đã xây dựng nguồn quỹ Hội hàng năm bình quân 670.000 đồng/hội viên. Hùn vốn trên 400 triệu đồng để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn không lãi suất. Ngoài ra, Hội CCB huyện phối hợp Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho hội viên được tiếp cận vốn vay, tổng dư nợ 6,6 tỷ đồng. Hàng năm, duy trì tổ chức từ 3 - 4 buổi tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao KHKT áp dụng vào sản xuất.
Đồng chí Đặng Hữu Chiến, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: "Trong thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên CCB thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Tập trung phát triển các mô hình tiềm năng, thế mạnh như chăn nuôi, trồng trọt quy mô sản xuất tập trung, sinh vật cảnh, gỗ lũa. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, giúp đỡ hội viên CCB xây dựng mô hình kinh tế mới phù hợp điều kiện thực tế tại cơ sở. Hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao KHKT. Qua đó, phấn đấu trong năm 2021 xóa trắng hộ nghèo, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.