Hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Trung - Ấn thất bại, hai bên sử dụng người Tây Tạng trong cuộc chiến
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh hôm 5/9 đã tiến hành hội đàm tại Moscow trong thời gian tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở đây. Đây là cuộc gặp nhau lần đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của hai nước đã sau khi xung đột chết người nổ ra ở Thung lũng Galwan, khu vực Ladakh.
Theo các nguồn tin, cuộc gặp diễn ra trong 140 phút tại một khách sạn ở Moscow dưới sự thu xếp của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu, nhưng đã không mang lại kết quả gì.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Ấn Độ nói gì?
Theo hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa xã, tại cuộc hội đàm ông Ngụy Phượng Hòa đã nhấn mạnh: “Gần đây, quan hệ giữa hai nước và hai quân đội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn đề biên giới. Việc hai bộ trưởng quốc phòng trực tiếp trao đổi thẳng thắn về các vấn đề liên quan là rất quan trọng. Nguyên nhân và sự thật gây nên tình tình căng thẳng hiện nay trên biên giới Trung Quốc và Ấn Độ đã rất rõ ràng, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ. Trung Quốc quyết không để mất dù chỉ một tấc lãnh thổ; quân đội Trung Quốc hoàn toàn có quyết tâm, có năng lực và lòng tin bảo vệ được chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ”.
Các Bộ trưởng Quốc phòng chụp ảnh chung, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu đứng giữa hai bộ trưởng Trung Quốc và Ấn Độ (Ảnh: Tân Hoa xã).
Trong cuộc gặp, ông Ngụy Phượng Hòa kêu gọi phía Ấn Độ “thiết thực tăng cường việc kiểm soát có hiệu quả các lực lượng ở tuyến trước, không vượt qua ranh giới tuyến kiểm soát thực tế hiện tại để khiêu khích, không tiến hành bất cứ hành động gì có thể khiến tình hình nóng lên, không cố tình cường điệu và phổ biến những thông tin tiêu cực. Hai bên cần chú trọng đại cục quan hệ Trung - Ấn và hòa bình ổn định của khu vực, thúc đẩy nhanh chóng hạ nhiệt tình hình hiện nay, duy trì hòa bình và an ninh khu vực biên giới Trung - Ấn”. Đồng thời, ông kêu gọi hai bên duy trì các kênh đối thoại quân sự và ngoại giao thông suốt, "giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và hiệp thương”; đồng thời thúc giục Ấn Độ nhanh chóng cách ly tiếp xúc hoàn toàn binh lính ở tuyến trước để tránh tình hình leo thang hoặc biến bất đồng thành tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh viết trên tài khoản mạng xã hội Twitter chính thức của ông rằng ông và Ngụy Phượng Hòa đã tổ chức một cuộc gặp không chính thức vào ngày 4/9 và cuộc gặp kéo dài trong 2 giờ 20 phút. “Hai bộ trưởng quốc phòng đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn và sâu sắc về tình hình biên giới Trung Quốc - Ấn Độ và quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ”.
Bộ trưởng Rajnath Singh đặc biệt nhấn mạnh rằng việc tụ tập hành động quy mô lớn của quân đội Trung Quốc, cũng như các hành động tấn công và đơn phương thay đổi hiện trạng của phía Trung Quốc, đã vi phạm các thỏa thuận song phương vốn có. “Quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ là không thể nghi ngờ.” Ông đồng thời kêu gọi hai bên sớm nỗ lực cách ly tiếp xúc hoàn toàn lực lượng ở tuyến trước, hạ nhiệt cuộc xung đột ở biên giới, trong đó có khu vực hồ Pangong Tso (Pangong Tso Lake).
Một người lính Ấn Độ trước đám đông lính Trung Quốc (Ảnh: AFP).
Học giả Bắc Kinh: Ấn Độ muốn ép Trung Quốc nhượng bộ
Các học giả Trung Quốc cho rằng sự khác biệt giữa xung đột biên giới từ tháng 6 đến nay với vụ xung đột xảy ra ở khu vực Doklam năm 2017 là lần này Ấn Độ đã đưa thêm quân và thể hiện tư thế tấn công, trong khi giới lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ dường như đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này liên quan đến việc phía Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ ở các khu vực như eo biển Đài Loan và Biển Đông. Phía Ấn Độ tin rằng đây là cơ hội để gây sức ép buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.
Ông Lâm Dân Vượng (Lin Minwang), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, cho rằng điều mà Ấn Độ muốn là đàm phán chứ không phải chiến tranh. Mục đích của việc áp dụng tư thế tấn công quân sự là duy trì căng thẳng ở biên giới để buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp.
Xô xát giữ lính hai bên (Ảnh: Đông Phương).
Hai bên sử dụng người Tây Tạng để đấu nhau
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông hôm thứ Sáu (4/9), người liên lạc của Văn phòng Cơ quan Hành chính Tây Tạng lưu vong ở Australia, Gesang Jiancan nói rằng thể chất của các binh sĩ PLA không thích hợp để chiến đấu ở vùng cao nguyên trên biên giới Trung - Ấn, vì vậy họ đã được lệnh tuyển chọn, đưa các đô vật Tây Tạng và Mông Cổ khỏe mạnh và giỏi võ ra mặt trận để đối phó với binh sĩ Ấn Độ và các lính người gốc Tây Tạng trong quân đội Ấn Độ.
Gesang Jiansan nói rằng các tin tức từ Tây Tạng cho thấy tại các vị trí tiền tiêu ở biên giới Trung - Ấn đã xuất hiện số lượng lớn dân binh là dân biên ở biên giới Trung-Ấn, hoặc là sinh viên các trường thể thao và thành viên các đội tuyển thể thao võ, vật của Tây Tạng, Thành Đô, Tứ Xuyên được đưa tới bổ sung cho các đơn vị biên phòng PLA.
Ông Gesang Jiansan nhấn mạnh, quân hai bên đang chiến đấu tay bo với nhau ở khu vực biên giới, binh sĩ Ấn Độ có lợi thế nhưng nếu sử dụng vũ khí rất khó để phân định thắng bại; tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã đưa các vận động viên Tây Tạng đến để đối phó với lính Ấn Độ hoặc lính Ấn gốc Tây Tạng. “Đưa người Tạng làm bia ở phía trước là một thủ đoạn xảo quyệt”.
Tenzin Nyim, thành viên lực lượng đặc biệt SFF người Tây Tạng bị tử trận tại khu vực ven hồ Pangong đang tranh chấp (Ảnh: Reuters).
Theo Reuters hôm thứ Tư (2/9), một số quan chức chính phủ Ấn Độ và người thân trong gia đình tiết lộ, một thành viên của Lực lượng biên phòng đặc biệt người Tây Tạng (Special Frontier Forces, SFF) trong quân đội Ấn Độ đã thiệt mạng bởi một quả mìn gần nơi xảy ra xung đột biên giới Trung-Ấn, trong khi nguồn tin khác cho AFP biết, người này bị chết vì một viên đạn bắn tỉa trúng vào cổ .
Được biết, người lính 53 tuổi này tên là Tenzin Nyima đã chết gần bờ hồ Pangong ở phía tây dãy Himalaya và một thành viên khác của lực lượng biệt kích bị thương nặng.
Giới thông tấn Ấn Độ cho biết, lực lượng SFF bí mật ở địa phương được thành lập sau cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 và có rất ít thông tin công khai về họ. Nhưng ước tính lực lượng này có hơn 3.500 thành viên, hầu hết là người Tây Tạng chạy sang Ấn Độ tị nạn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh cùng ngày 2/9 rằng bà không biết liệu có người Tây Tạng lưu vong trong quân đội Ấn Độ hay không, nhưng Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào tạo điều kiện cho thể lực “Tây Tạng độc lập”.
Cảnh binh sĩ người Tây Tạng trong lực lượng SFF Ấn Độ ăn mừng chiến thắng hôm 31/8.
Theo trang tin Hoa ngữ Creaders, hôm 31/8 các binh sĩ SFF người Tây Tạng đã đẩy lui binh lính Trung Quốc và chiếm được một cao điểm quan trọng ở phía Nam hồ Pangong. Trang này đã đăng tải một đoạn video cảnh binh lính SFF nhảy múa mừng chiến thắng, trong đó thấy xuất hiện cờ của người Tây Tạng lưu vong.