Hội đàm cấp cao nhất có thể cứu vãn quan hệ Mỹ - Trung?
Những vấn đề như Đài Loan và chiến tranh thương mại - gốc rễ xung đột trong quan hệ hai nước - nhiều khả năng là tâm điểm hội đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tổ chức hội đàm trực tuyến trong ngày 15/11, nhằm cứu vãn quan hệ ngày càng xuống dốc giữa Mỹ và Trung Quốc, theo Guardian.
Từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền hồi tháng 1, hai nhà lãnh đạo đã 2 lần thảo luận qua điện thoại. Nhưng hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tới đây được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng và thực chất hơn cả, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trên nhiều lĩnh vực then chốt.
Quan hệ liên tục căng thẳng
Cuộc hội đàm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Washington và Bắc Kinh bất ngờ đạt được đồng thuận thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị khí hậu Liên Hợp Quốc COP26.
Nhưng bước tiến nhỏ nhoi này không đủ để che khuất thực tế rằng nhiều xung đột gai góc hơn tồn tại giữa hai nước, như công nghệ cao, an ninh mạng, Biển Đông và đặc biệt là căng thẳng quanh đảo Đài Loan - vấn đề có thể là ngòi nổ chớp nhoáng.
Quân đội Trung Quốc hôm 9/11 kết thúc một loạt cuộc tập trận quy mô lớn ngoài khơi đảo Đài Loan.
Đến hôm 12/11, ngoại trưởng hai nước gửi đi những thông điệp cứng rắn trong một cuộc điện đàm.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh báo mọi nỗ lực ủng hộ Đài Loan độc lập có thể là con dao hai lưỡi với Washington. Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt gây sức ép "quân sự, ngoại giao và kinh tế" với Đài Loan.
Không chỉ Đài Loan, một loạt vấn đề nóng bỏng cũng đang kéo lùi quan hệ song phương như việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc đứng sau các cuộc tấn công mạng nhắm vào nước này.
Bên cạnh đó là xung đột thương mại dai dẳng, tuyên bố chủ quyền phi pháp cùng hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như vấn đề Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.
Sự thiếu hợp tác của Bắc Kinh trong cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 cũng là mục tiêu chỉ trích của Washington trong thời gian qua.
Và mới nhất, việc chính phủ Trung Quốc gây sức ép lên nhiều doanh nghiệp Mỹ, thúc ép các công ty này vận động hành lang để Quốc hội Mỹ không thông qua những đạo luật gây bất lợi cho Bắc Kinh, cũng khiến công chúng Mỹ phẫn nộ.
Trung Quốc giờ đang ở một vị thế khiến quân đội Mỹ không thể coi thường, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đầu tháng 11. Bắc Kinh đang liên tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân, thử nghiệm vũ khí mang đầu đạn hạt nhân phóng từ quỹ đạo, và vừa xây mới thêm 250 hầm phóng tên lửa tầm xa ở nội địa.
Không nhiều kỳ vọng
Kỳ vọng về kết quả đạt được từ hội nghị ngày 15/11 là không cao. Nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ không ra tuyên bố chung. Nhà Trắng cũng úp mở rằng Tổng thống Biden sẽ không trả lời báo giới sau hội đàm, theo South China Morning Post.
"Nhìn chung, với cả Mỹ và Trung Quốc, kỳ vọng trước hội nghị là thấp. Quan hệ giữa hai nước giờ chỉ mang tính mặc cả", Scott Moore, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, nói.
Hội đàm diễn ra trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo chuẩn bị bước vào năm 2022 với những vấn đề riêng trong chính sách đối nội.
Về phía Tổng thống Biden, 2022 là bầu cử giữa nhiệm kỳ, nơi đảng Dân chủ có nguy cơ lớn mất thế đa số ở lưỡng viện. Nếu kịch bản này xảy ra, thời gian nhiệm kỳ còn lại của ông sẽ rất khó khăn khi bị cản trở thi hành những chính sách như mong muốn.
"Thách thức chính trị với ông Biden nằm ở bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Ông ấy bị ràng buộc không thể có bất cứ hành động nào bị xem là nhượng bộ lớn trước Trung Quốc", giáo sư Moore nhận định.
Trong khi đó, Trung Quốc vừa kết thúc kỳ họp cuối cùng Đại hội 19 của đảng Cộng sản, sự kiện chứng kiến quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình được củng cố đáng kể. Đại hội 20 sẽ diễn ra vào năm tới, và ông Tập nhiều khả năng sẽ đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm.
"Với ông Tập, rủi ro nhất lúc này là mặt trận kinh tế. Bởi vậy, Bắc Kinh đã đánh tiếng ưu tiên đạt được tiến bộ về thương mại. Những bình luận mới nhất từ các quan chức chính quyền Mỹ cho thấy hai bên mong muốn hợp tác về vấn đề thương mại, nhưng hiển nhiên vẫn có những ràng buộc chính trị", ông Moore cho hay.
Trong bối cảnh có những ưu tiên nội trị riêng trong năm tới, hội đàm ngày 15/11 sẽ là dịp để hai nhà lãnh đạo kiềm chế căng thẳng, không để cạnh tranh vượt ngoài tầm kiểm soát, South China Morning Post nhận định.
Trong một thông điệp gửi tới Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung, ông Tập cho biết quan hệ song phương đang ở "ngã tư lịch sử trọng yếu".
"Hai nước sẽ đều có lợi khi hợp tác và chịu tổn thất nếu đối đầu. Hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất. Từ ứng phó đại dịch Covid-19 cho tới giải quyết đe dọa hiện hữu do khủng hoảng khí hậu, quan hệ Mỹ - Trung có tác động tới cả thế giới", ông Tập nhấn mạnh.
Vấn đề Đài Loan sẽ là ưu tiên?
Nói về cuộc hội đàm sắp tới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay Tổng thống Biden sẽ "rõ ràng và thẳng thắn" về những quan tâm của Mỹ, đồng thời tìm cách "kiểm soát cạnh tranh một cách có trách nhiệm, phối hợp trong những vấn đề có lợi ích tương đồng".
Trong khi đó, Bắc Kinh gửi đi tín hiệu rằng cuộc hội đàm có thể giúp cải thiện chiều hướng quan hệ song phương.
"Hai bên nên cùng cho thấy thiện chí, bảo đảm cuộc họp suôn sẻ và thành công, thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ trở lại quỹ đạo lành mạnh và phát triển ổn định", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết.
Chủ tịch Tập nhiều khả năng sẽ nêu ra vấn đề một số nước phương Tây kêu gọi tẩy chay Olympic mùa đông Bắc Kinh, dự kiến khai mạc từ 4/2/2022.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể mời ông Biden tham dự Olympic Bắc Kinh nhằm thể hiện thiện chí hòa giải.
Tuy nhiên, vấn đề Đài Loan nhiều khả năng sẽ nằm ở ưu tiên hàng đầu trong phát biểu của ông Tập, đặc biệt sau khi chính quyền Tổng thống Biden có hàng loạt động thái nâng tầm vị thế của Đài Loan. Bắc Kinh coi hành động của Washington vi phạm nguyên tắc "Một Trung Quốc".
"Vấn đề Đài Loan sẽ được nêu ra, sẽ có cảnh báo từ cấp cao nhất của Trung Quốc yêu cầu chấm dứt đối đầu về vấn đề Đài Loan", Lu Xiang, chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Global Times.
Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình châu Á tại tổ chức tư vấn chính sách German Marshall Fund, cho rằng Bắc Kinh đang hoài nghi liệu chính quyền Biden có ý định phá vỡ nguyên tắc "Một Trung Quốc" hay không.
"Bắc Kinh muốn có bảo đảm chắc chắn hơn về những gì Mỹ định làm hoặc không định làm với Đài Loan", bà Glaser nói.
Trong khi đó, Mỹ sẽ thúc đẩy những trao đổi thường xuyên hơn giữa giới chức ngoại giao, quốc phòng hai nước. Tuy nhiên, ông Tập nhiều khả năng sẽ cự tuyệt mọi thỏa thuận có thể diễn giải là Bắc Kinh chấp nhận vai trò của lực lượng Mỹ tại các khu vực lân cận Trung Quốc.
"Đây là điều Trung Quốc kiên quyết phản đối, Bắc Kinh không muốn nhìn thấy quân đội Mỹ hoạt động quá gần bờ biển của họ", bà Glaser nhận định.
Về kiểm soát vũ khí hạt nhân, đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối tham gia đàm phán song phương như cách Mỹ và Nga đang tiến hành.
Vũ khí hạt nhân ít có khả năng là chủ đề được quan tâm. Mỹ đến nay chưa có bất cứ đề xuất nào mà Trung Quốc muốn thảo luận, trong khi Trung Quốc không có ý định đàm phán ngoài các khuôn khổ đã có của Liên Hợp Quốc.
"Hai nhà lãnh đạo có thể đưa ra một số tuyên bố mơ hồ như mong muốn kiểm soát chạy đua vũ trang, nhưng kết quả thực chất thì không khả khi", Gregory Kulacki, chuyên gia tổ chức vận động khoa học Union of Concerned Scientists, nhận định.