Hỏi - đáp chính sách, pháp luật: Đối tượng nào gọi là người có công, người hưởng chính sách?

Vừa qua, Báo Khánh Hòa nhận được đơn của bà Lê Vân Dung (huyện Vạn Ninh) đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ, tư vấn về chính sách - pháp luật, gồm những nội dung: Đối tượng nào gọi là người có công; đối tượng nào gọi là người hưởng chính sách; chính quyền địa phương bán ô tô (công sản) thì cơ quan nào định giá, khi bán có phải đấu giá và trước khi bán có phải thông tin trên báo chí địa phương?

Vấn đề này, trên cơ sở lấy ý kiến phối hợp của Sở Nội vụ, Sở Tài chính - thành viên Hội đồng Giáo dục phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Tư pháp tổng hợp trả lời như sau:

1. Văn bản? đối tượng nào gọi là người có công?

Người có công với cách mạng được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng, gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31-12-1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.

2. Văn bản? đối tượng nào gọi là người hưởng chính sách?

Người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

3. Chính quyền địa phương bán ô tô (công sản) thì cơ quan nào định giá? Khi bán có phải đấu giá không? Trước khi bán có phải thông tin trên báo chí địa phương không?

- Tại khoản 1, khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26-7-2017 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP ngày 15-9-2024; sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 50/2025/NĐ-CP ngày 28-2-2025), Chính phủ quy định:

1. Việc bán tài sản công phải thực hiện công khai theo hình thức đấu giá, trừ các trường hợp được bán theo hình thức niêm yết giá hoặc bán chỉ định quy định tại khoản 1 Điều 26, khoản 1 Điều 27 nghị định này.

2. Xác định giá khởi điểm:

a) Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định tại khoản 3 Điều 23 nghị định này quyết định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá bảo đảm phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ tương đương tại thời điểm xác định giá.

b) Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định tại khoản 3 Điều 23 nghị định này thành lập hội đồng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá để làm cơ sở quyết định giá khởi điểm.

Việc thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện theo pháp luật về giá. Việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

c) Giá tài sản được xác định tại khoản này không bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).

4. Cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định tại khoản 3 Điều 23 nghị định này thuê tổ chức hành nghề đấu giá tài sản để tổ chức đấu giá; việc lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan. Trường hợp không thuê được tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thì thành lập Hội đồng đấu giá tài sản để đấu giá;

Việc thành lập và hoạt động của Hội đồng đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

5. Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Thông tin về việc đấu giá tài sản công được niêm yết, thông báo công khai theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản thực hiện giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá và các quyền, nghĩa vụ khác của người có tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

- Tại khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17-11-2016 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 37/2024/QH15 ngày 27-6-2024) quy định: “Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 ngày và ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá”.

Theo các quy định trên thì khi bán tài sản công là xe ô tô phải công khai theo hình thức đấu giá; việc xác định giá khởi điểm do người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản thành lập hội đồng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá để làm cơ sở quyết định giá khởi điểm; thông tin về việc đấu giá tài sản công được thông báo công khai hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 ngày và ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của tỉnh.

BÁO KHÁNH HÒA

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/ban-doc-viet/van-de-ban-doc-quan-tam/202505/hoi-dap-chinh-sachphap-luat-doi-tuong-nao-goi-la-nguoi-co-cong-nguoi-huong-chinh-sach-4823969/