Hỏi-Đáp pháp luật: Cấp độ phòng thủ dân sự được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc Trần Hạnh ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết cấp độ phòng thủ dân sự được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 7 Luật Phòng thủ dân sự. Cụ thể như sau:

1. Cấp độ phòng thủ dân sự là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.

2. Căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự bao gồm:

a) Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm họa;

b) Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa;

c) Diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra;

d) Khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng phòng thủ dân sự.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Ảnh minh họa / qdnd.vn

3. Cấp độ phòng thủ dân sự được quy định như sau:

a) Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã;

b) Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện;

c) Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

* Bạn đọc Phạm Thanh Phương ở xã Hoài Phú, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về hành vi chống mệnh lệnh trong Quân đội?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 15 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:

1. Không chấp hành mệnh lệnh hoặc không thực hiện nhiệm vụ khi người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp có thẩm quyền giao thì bị kỷ luật cảnh cáo.

2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.

a) Là chỉ huy;

b) Lôi kéo người khác tham gia;

c) Trong sẵn sàng chiến đấu;

d) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-cap-do-phong-thu-dan-su-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-783024