Hỏi - đáp pháp luật: Những trường hợp nào được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến?
* Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, với công dân đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành y tế, những trường hợp nào được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 14/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai. Cụ thể như sau:
- Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng khoa bệnh viện tuyến Trung ương, khu vực, tỉnh và các chức vụ tương đương; Giám đốc bệnh viện tuyến huyện và các chức vụ tương đương;
- Người có danh hiệu thầy thuốc nhân dân;
- 80% số người làm việc trong các bệnh viện, viện tuyến Trung ương; 70% số người làm việc trong các bệnh viện tuyến tỉnh; 60% số người làm việc trong các bệnh viện tuyến huyện và tương đương không nằm trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có lệnh động viên.
* Hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị lần đầu như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 78/2020/NĐ-CP ngày 6-7-2020 của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:
a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này (gồm: Sĩ quan, cán bộ là QNCN khi thôi phục vụ tại ngũ còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện của sĩ quan dự bị; QNCN, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị đã được đào tạo sĩ quan dự bị; cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên, sinh viên khi tốt nghiệp đại học đã được đào tạo sĩ quan dự bị; những người tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã ngành quân sự cơ sở đã được phong quân hàm sĩ quan dự bị) về nơi cư trú hoặc nơi lao động, làm việc (theo giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền) phải mang giấy giới thiệu và thẻ sĩ quan dự bị đến Ban CHQS cấp xã hoặc Ban CHQS cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc Ban CHQS cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị. Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban CHQS thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho các đối tượng nêu trên đến Ban CHQS cấp xã tại nơi cư trú để đăng ký;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Ban CHQS cấp xã hoặc Ban CHQS cơ quan, tổ chức tổng hợp danh sách sĩ quan dự bị đã đăng ký báo cáo về Ban CHQS cấp huyện nơi sĩ quan dự bị cư trú, lao động, làm việc để quản lý.