Hỏi-đáp pháp luật: Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào cấm quảng cáo?

* Bạn đọc Đỗ Ngọc Tú ở xã Hòa Định, chuyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào cấm quảng cáo?

Trả lời: Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo được quy định tại Điều 7, Luật Quảng cáo. Cụ thể như sau:

1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Thuốc lá.

3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

* Bạn đọc Phạm Tùng Việt ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, hỏi: Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp nào người lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 47, Luật An toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể như sau:

1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;

b) Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;

c) Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

2. Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;

b) Bị tai nạn lao động nhiều lần;

c) Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

3. Người lao động quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-san-pham-hang-hoa-dich-vu-nao-cam-quang-cao-734335