Hỏi - Đáp pháp luật: Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

* Bạn đọc Mạc Thị Thoa ở thị trấn EaT'Ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực gia đình.

Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

2. Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Chủ động, kịp thời, kiên trì;

b) Tôn trọng sự tự nguyện của các bên và an toàn của người bị bạo lực gia đình;

c) Khách quan, bình đẳng, có lý, có tình, phù hợp với quy định của pháp luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam;

d) Bảo đảm bí mật thông tin về đời sống riêng tư của các thành viên gia đình được hòa giải;

đ) Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

* Bạn đọc Phàn Phù Sinh ở xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai hỏi: Điều kiện kết hôn được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể như sau:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của luật này (kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng).

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-viec-hoa-giai-trong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-753181