Hỏi - đáp về Luật tiếp cận thông tin
Hỏi: Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) điều chỉnh những vấn đề gì? Ý nghĩa, mục đích của việc ban hành Luật TCTT?
Trả lời: Luật TCTT tập trung vào việc giải quyết những vấn đề liên quan nhằm bảo đảm một người dân bình thường có thể thực hiện quyền TCTT của mình, bao gồm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền.
Việc ban hành luật này là nhằm cụ thể hóa Điều 25 Hiến pháp năm 2013 về quyền TCTT của công dân, tạo khuôn khổ pháp lý để công dân thực hiện quyền TCTT của mình. Việc bảo đảm thực hiện quyền TCTT với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền, tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định, như: Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... Đồng thời, sự ra đời của Luật TCTT còn là công cụ giúp phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước (CQNN), góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các CQNN, bao gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hỏi: Trong đời sống thường ngày, “thông tin” là một khái niệm rất rộng và có nhiều cách hiểu khác nhau. Vậy “thông tin” theo quy định của Luật TCTT được hiểu như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật TCTT, thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do CQNN tạo ra.
Như vậy, luật này chỉ quy định về các thông tin được chứa đựng trong các văn bản, hồ sơ, tài liệu do CQNN tạo ra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, mà không phải là thông tin nói chung, thông tin truyền miệng hay các thông tin do chủ thể ngoài CQNN tạo ra. Ví dụ: Phát ngôn tại cuộc họp của một nhà lãnh đạo cấp cao; hồ sơ khách hàng của Công ty Bảo hiểm nhân thọ X. không được coi là thông tin mà Luật TCTT điều chỉnh.
Hỏi: “Thông tin do CQNN tạo ra” trong Luật TCTT được hiểu như thế nào?
Trả lời: Tại khoản 2 Điều 2 Luật TCTT giải thích nội hàm của “thông tin do CQNN tạo ra” là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình CQNN thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của CQNN đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản.
Thông thường, trong quá trình hoạt động, mỗi CQNN có thể tạo ra, nhận được và lưu giữ rất nhiều loại thông tin chứa đựng trong các hồ sơ, tài liệu. Đó có thể là các tài liệu do chính cơ quan đó tạo ra, hoặc nhận được từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác gửi tới để trao đổi thông tin, yêu cầu giải quyết công việc hoặc để triển khai thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Để xác định chính xác nội hàm của khái niệm “thông tin do CQNN tạo ra”, đồng thời gắn liền với trách nhiệm bảo đảm thông tin đó thuộc về CQNN và cơ quan đó có trách nhiệm bảo đảm tính chính xác, chính thức của thông tin do mình tạo ra, luật khẳng định thông tin đó là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình CQNN thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và phải được người có thẩm quyền của CQNN đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản. Việc ký, đóng dấu thể hiện rõ hồ sơ, tài liệu, văn bản đó đã được CQNN cụ thể ban hành chính thức, ví dụ: Các quyết định phê duyệt danh mục đầu tư, kế hoạch, chiến lược đã được ban hành, có ký tên, đóng dấu của cấp có thẩm quyền...
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/hoi-dap-ve-luat-tiep-can-thong-tin-a347124.html