Hỏi - đáp về thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2022 (kỳ 1)

Thực hiện Thông báo số 280-TB/TU ngày 13-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19-8-2021 của UBND tỉnh về thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2022. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

LTS: Thực hiện Thông báo số 280-TB/TU ngày 13-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19-8-2021 của UBND tỉnh về thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2022. Từ số này Báo Nam Định mở chuyên mục Hỏi - đáp về thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố giai đoạn 2021-2022 (Nội dung do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nội vụ biên soạn).

Câu hỏi 1: Mục đích, ý nghĩa của sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố?

Trả lời: Việc sắp xếp, sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố để đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ ở cơ sở; đồng thời tạo thuận lợi để các thôn xóm, tổ dân phố củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Câu hỏi 2: Về số lượng thôn (xóm), tổ dân phố và quy mô hộ gia đình; số người làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Trả lời: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.674 thôn (xóm), tổ dân phố, trong đó có 2.905 thôn (xóm) và 769 tổ dân phố. Có 614.646 hộ gia đình. Tổng số người làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố là 26.308 người và kinh phí chi trả cho người làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố là khoảng 21 tỷ đồng/tháng.

Câu hỏi 3: Các nguyên tắc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố?

Trả lời:

- Theo tiêu chí quy mô số hộ gia đình của thôn (xóm), tổ dân phố quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 3-12-2018 của Bộ Nội vụ về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố quy định: điều kiện thành lập mới thôn, tổ dân phố ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng là thôn có từ 300 hộ gia đình trở lên, tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình trở lên. Đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề; các thôn, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên thực hiện sáp nhập ở những nơi đủ điều kiện.

- Theo yếu tố đặc thù: Nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân; có địa hình chia cắt phức tạp, biệt lập; có yếu tố khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, yếu tố về sinh hoạt cộng đồng theo thôn, làng truyền thống...

Câu hỏi 4: Tỉnh Nam Định có bao nhiêu thôn (xóm), tổ dân phố thuộc diện phải sáp nhập?

Trả lời: Đối chiếu quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 3-12-2018 của Bộ Nội vụ thì toàn tỉnh Nam Định có 1.859 thôn (xóm), tổ dân phố phải thực hiện sáp nhập. Trong đó, 1.293 thôn (xóm) có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định (dưới 150 hộ gia đình); 566 tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định (dưới 175 hộ gia đình).

(còn nữa)

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5084/202109/hoi-dap-ve-thuc-hien-sap-xep-sap-nhap-thon-xom-to-dan-pho-tinh-nam-dinh-giai-doan-2021-2022-ky-1-2546518/